Nhu cầu sử dụng điện tại Việt Nam là rất lớn kể cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Theo tính toán của EVN, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng từ 7,5% -8% và thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp thì trong những năm tới nhu cầu điện sẽ phải tăng từ 15%-17% mỗi năm. Đồng thời việc giải quyết bài toán về đáp ứng nhu cầu điện năng thì cũng cần phải giải bài toán song hành về môi trường và biến đổi khí hậu. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định tại quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, theo đó nhiệm vụ Chiến lược đã đặt ra là giai đoạn 2011-2020 “giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP trong khoảng 1-1,5% mỗi năm. Giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 10% đến 20% so với phương án phát triển bình thường”; Định hướng đến năm 2030 “giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm ít nhất 1,5-2%, giảm lượng phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng từ 20% đến 30% so với phương án phát triển bình thường”; Định hướng đến năm 2050 “giảm mức phát thải khí nhà kính mỗi năm 1,5-2%”. Từ thực tiễn đó đối với ngành năng lượng cần phải có những giải pháp mang tính đột phá và quyết tâm lớn mới thực hiện được các yêu cầu đặt ra đối với sự đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kính tế, trong đó việc phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn là một trong những giải pháp tối ưu cho bối cảnh hiện tại của đất nước.
Để thu hút các nhà đầu tư về lĩnh vực phát điện từ các chất thải rắn, Chính phủ đã ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam tại Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/5/2014, trong đó ngoài các cơ chế về vốn đầu tư, thuế, hạ tầng đất đai, các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp nối lưới được bên mua điện với giá 2.114 đồng/kWh (tương đương 10,05 Uscent/kWh), đối với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn với giá 1.532 đồng/kWh (tương đương 7,28 Uscent/kWh).
Ngày 08 tháng 10 năm 2015, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 32/2015/TT-BCT quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn. Theo đó, Chủ đầu tư phát điện sử dụng chất thải rắn lập hồ sơ đề xuất dự án phát điện sử dụng chất thải rắn theo quy định về đầu tư xây dựng công trình gửi UBND tỉnh để lập Hồ sơ đề nghị bổ sung dự án vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia gửi Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thông tư ban hành kèm thep hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn và quy định trách nhiệm của bên bán và bên mua điện.
Văn Hiếu P.QLNL