LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Thương mại Thương mại
Phổ biến thông tin về một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia

Đ/c Lê Tuấn Quốc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Sáng ngày 15/4/2016, Văn phòng Ban chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Ban Chỉ đạo Liên ngành Hội nhập Quốc tế về Kinh tế - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phổ biến thông tin về một số Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, tại Hội trường Trung tâm hành chính chính trị tỉnh.

Ông Lê Tuấn Quốc – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì Hội nghị và có sự tham gia đại diện các lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, các Ban Đảng của Tỉnh ủy và các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các Sở ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh, UBND các huyện, thành phố; các tổ chức doanh nghiệp, lãnh đạo các doanh nghiệp, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị nhằm mục đích giới thiệu cũng như trao đổi thông tin về các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định TPP và nâng cao kiến thức hội nhập quốc tế cho lãnh đạo, cán bộ các cơ quan và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Lương Hoàng Thái – Vụ Trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa Biên – Bộ Công Thương giới thiệu và cung cấp thông tin về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - Kết quả, cơ hội và thách thức, một số khuyến nghị.

Ông Hà Duy Tùng – Phó Vụ Trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tài chính giới thiệu cam kết về thuế trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)

Ông Vương Đức Anh – Phó Trưởng phòng Cục Xuất Nhập Khẩu – Bộ Công Thương, cung cấp một số thông tin về Cơ hội và thách thức từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA).

Sở Công Thương tóm tắc một số nội dung thông tin từ Hội nghị về Hiệp định TPP, Hiệp định TPP có 10 nội dung chủ yếu và quan trọng nhất bao gồm:

1. Thuế nhập khẩu: Việt Nam đồng ý với nguyên tắc chung của TPP. Thuế nhập khẩu của Việt Nam về cơ bản sẽ được giảm về 0% theo lộ trình, những mặt hàng nhạy cảm nhất có lộ trình tới 10 năm hoặc hơn, riêng 4 mặt hàng trứng gia cầm, muối ăn, đường và ô tô cũ, Việt Nam bảo lưu áp dụng hình thức hạn ngạch thuế quan.

2. Thuế Xuất khẩu: Hiệp định TPP yêu cầu các nước nỗ lực xóa bỏ thuế xuất khẩu vì coi đây là một hình thức trợ cấp gián tiếp cho doanh nghiệp trong nước (được mua nguyên liệu với giá rẻ). Việt Nam đồng ý với nỗ lực này và sẽ xóa bỏ gần 901% biệu thuế xuất khẩu của mình theo lộ trình (tương đương hơn 500 dòng thuế), chỉ giữ lại hơn 70 dòng thuế có ý nghĩa quan trọng đối với thu ngân sách như dầu thô và các loại tham đá mà Việt Nam có sản xuất trong nước.

3. Dệt may: tất cả các nước đều nhất trí xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu. Để được hưởng thuế  ưu đãi theo Hiệp định, sản phẩm dệt may sẽ phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Quy tắc này về dài hạn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp dệt, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm may xuất khẩu và giúp ngành dệt may phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu được hưởng ưu đãi ngay của các doanh nghiệp tại các nước chưa mạnh về công nghiệp dệt, Hiệp định TPP có một danh mục “nguồn cung thiếu hụt”. Theo danh mục này, các doanh nghiệp sẽ có quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ nước thứ ba (ngoài TPP) để làm ra sản phẩm may mà vẫn được hưởng ưu đãi. Ngoài ra, có một số cơ chế linh hoạt khác để ngành dệt may có thể được hưởng ưu đãi nhiều hơn ngay khi Hiệp định có hiệu lực mà không quá phụ thuộc vào quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”.

4. Dịch vụ và đầu tư: các cam kết về dịch vụ và đầu tư của Việt Nam về cơ bản là tương đương với mức độ mở cửa hiện hành. Các nước TPP cũng nhất trí dành mức bảo hộ đầu tư cao cho các nhà đầu tư, theo đó, trong trường hợp xảy ra tranh chấp với chính quyền sở tại, các nhà đầu tư sẽ được phép đưa vụ việc ra trọng tài quốc tế xử lý. Đây là cơ chế đã được Việt Nam chấp thuận áp dụng từ những ngày đầu thu hút đầu tư nước ngoài, đã được quy định trong hầu hết các hiệp định đầu tư song phương mà Việt Nam ký với các nước, bao gồm cả Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ năm 2000.

5. Mua sắm của các cơ quan Chính phủ: Hiệp định TPP không yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm của chính quyền địa phương (tỉnh, thành phố) và cũng không yêu cầu mở cửa thị trường mua sắm phục vụ an ninh - quốc phòng. Kết quả đàm phán mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực mua sắm của các cơ quan Chính phủ là cân bằng và phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam.       

6. Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN): các nghĩa vụ của Hiệp định được áp dụng đối với các DNNN mà tại đó Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ. Tuy nhiên, chỉ khi các DNNN này có doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định (200 triệu SDR, tương đương 4500 tỷ đồng) thì mới chịu sự điều chỉnh của Hiệp định.

Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng - an ninh. Với các DNNN khác, Việt Nam chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Nhà nước sẽ vẫn hỗ trợ các DNNN nhưng mức hỗ trợ sẽ không tới mức gây bất bình đẳng lớn và ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại, đầu tư giữa các nước TPP. Việt Nam cũng đồng ý minh bạch thông tin về DNNN khi có yêu cầu, trừ các thông tin ảnh hưởng tới quốc phòng - an ninh hoặc thuộc phạm vi bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.

7. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT): TPP cũng yêu cầu các nước cho phép khả năng xử lý hình sự một số hình thức xâm phạm quyền SHTT mới xuất hiện như thiết kế các phần mềm phá mã điện tử để phục vụ sao chép lậu, câu trộm để phát tán tín hiệu truyền hình cáp v..v. Việt Nam đồng ý với các tiêu chuẩn của TPP nhưng sẽ thực hiện theo lộ trình, phù hợp với trình độ phát triển và năng lực thực thi của Việt Nam.

8. Thương mại điện tử: TPP đặt ra các yêu cầu chính sau: không phân biệt đối xử sản phẩm số và không áp thuế xuất nhập khẩu/phí nội địa đối với sản phẩm số; Quyền truy cập, lưu chuyển thông tin trên Internet vì mục đích thương mại; Nếu không phải vì các mục tiêu công cộng chính đáng thì không yêu cầu đặt trang thiết bị (máy chủ) tại nước sở tại như là điều kiện để cấp phép đầu tư hay cung cấp dịch vụ; Mọi biện pháp quản lý Internet nhằm bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, thuần phong mỹ tục vẫn được phép áp dụng.

9. Thương mại và môi trường: Việt Nam đã có rất nhiều cải cách trong hệ thống pháp luật. Vì vậy, các cam kết trong lĩnh vự môi trường về cơ bản là phù hợp với hệ thống pháp luật cũng như điều kiện, hoàn cảnh và năng lực thực thi của Việt Nam.

10. Thương mại và lao động: Việc đưa nội dung lao động vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là nhằm bảo đảm cho người lao động được hưởng các thành quả của tiến trình tự do hóa thương mại. Bên cạnh đó, còn có mục đích bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại quốc tế.

Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo Hiệp định TPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, Việt Nam và tất cả các nước cam kết tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp sau khi thành lập có thể lựa chọn gia nhập Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động. Hiệp định TPP, cũng như quy định của ILO, khẳng định các tổ chức của người lao động phải tuân thủ hiến pháp, pháp luật của nước sở tại trong quá trình hoạt động, đồng thời phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, thì ngay từ bây giờ các doanh nghiệp của chúng ta cần phải làm gì và cơ quan quản lý nhà nước làm gì. Theo các chuyên gia tại Hội nghị khuyên:

Đối với các doanh nghiệp: cần chủ động tìm hiểu về nội dung đã cam kết liên quan đến mặt hàng sản xuất, kinh doanh của mình trên các khía cạnh: thuế quan, quy tắc xuất xứ, biện pháp kỹ thuật, biện pháp phòng vệ (chống phá giá, chống trợ cấp); đánh giá được tác động của các cam kết đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mình cũng như các đối tác, đối thủ cạnh tranh; nếu doanh nghiệp Việt Nam không nhanh thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào khai thác và hưởng lợi từ FTA "hộ" chúng ta.

Đối với Bộ Ngành Trung ương: nội luật hóa các cam kết từ FTA, lưu ý khi ban hành chính sách, pháp luật mới phù hợp với cam kết, vận dụng, khai thác cam kết để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua: Xúc tiến thương mại, Thông tin.., Cải cách hành chính, thuận lợi hóa thương mại.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước địa phương: cần nhận biết được các xu hướng, tác động của FTA đến địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, quy hoạch, định hướng, giúp doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất để phù hợp với mô trường kinh doanh đang biến đổi bởi các FTA, phối hợp với Bộ, ngành đưa thông tin đến doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua đào tạo và cải cách hành chính.

Các doanh nghiệp có quan tâm, liên hệ Văn phòng Ban chỉ đạo HNKT tỉnh – Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để được nhận tài liệu hội nghị.

Anh Thư