TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP
QUÝ I NĂM 2008
Năm 2008 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, trong bối cảnh chung của cả nước và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu có nhiều cơ hội cũng như thách thức cần phải vượt qua để duy trì nhịp độ tăng trưởng cao, tạo đà cho phát triển bền vững những năm tiếp theo.
Bước vào năm 2008, giá cả nhiều loại vật tư, nguyên nhiên liệu như phôi thép, phân bón, đặc biệt là xăng dầu và vật liệu xây dựng, vẫn ở mức cao và có chiều hướng gia tăng gây áp lực cho sản xuất trong nước và làm tăng giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành công nghiệp tỉnh nhà nói riêng. Việc lãi suất ngân hàng tăng cùng với tỷ giá đồng USD giảm mạnh đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp. Ngoài ra lương mới thực hiện từ đầu năm góp phần kích cầu tiêu dùng từ đó thúc đẩy sản xuất tăng trưởng, tuy nhiên lương tăng cũng ảnh hưởng đến hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp. Tại một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã xảy ra tranh chấp lao động tập thể, làm ảnh hưởng đến tâm lý làm việc chung ở các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh còn khó khăn thách thức, quý I năm 2008 giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (theo giá cố định 94) vẫn tăng 9,2% so với cùng kỳ và đạt 22% kế hoạch năm với 14.133 tỷ đồng. Trong đó khu vực quốc doanh tăng 8,85% và chiếm tỷ trọng 37,74% toàn ngành; khu vực dân doanh tăng 66,81% và có tỷ trọng so toàn ngành tiếp tục tăng (chiếm 13,44%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài bằng 99,67% và chiếm tỷ trọng 48,81% toàn ngành.
Nếu không tính dầu khí, quý I năm 2008 giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 9.479 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ và đạt 20,2% kế hoạch năm. Trong đó khu vực quốc doanh đạt 4.602 tỷ đồng, tăng 11,17% so với cùng kỳ và đạt 22,2% kế hoạch năm; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.977 tỷ đồng, tăng 6,56% so với cùng kỳ, đạt 16,4% kế hoạch năm. Khu vực dân doanh đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 66,81% so với cùng kỳ và đạt 23,8% kế hoạch năm. Hầu hết các địa phương đều có tốc độ tăng trưởng khá đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn ngành như Tân Thành tăng 18,1%, Vũng Tàu 28,9%, Bà Rịa 17,6%, Long Điền 11,32%, Đất Đỏ 62,5%, Châu Đức 33,3%, Côn Đảo 40%
Tình hình ở một số ngành công nghiệp như sau:
- Công nghiệp dầu thô và khí đốt: quý I năm 2008 sản lượng khai thác dầu thô ước đạt 2,771 triệu tấn, giảm 5,0% so với cùng kỳ và đạt 27,7% kế hoạch năm; riêng sản lượng khí đạt 1,5 tỷ m3, bằng 96,2% so với cùng kỳ và đạt 23,4% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất của dầu thô và khí đốt đạt khoảng 4.654 tỷ đồng, bằng 95,2% so với cùng kỳ, đạt 26,9% kế hoạch năm.
- Điện: sản lượng điện sản xuất ước đạt 7,35 tỷ kwh giảm 1,9% so cùng kỳ. Trong đó Công ty TNHH 1 thành viên nhiệt điện Phú Mỹ và Công ty Cổ phần nhiệt điện Bà Rịa đạt 4,95 tỷ Kwh tăng 4,87%; dự án điện BOT Phú Mỹ 3 gặp sự cố trong năm 2007, đến tháng 2/2008 mới khắc phục được nên sản lượng lũy kế quý I chỉ bằng 90% cùng kỳ; nhà máy điện Phú Mỹ 2-2 thực hiện bảo trì trong tháng 1/2008 nên sản lượng chỉ bằng 83,22% cùng kỳ, làm ảnh hưởng đến sản lượng điện sản xuất toàn ngành.
- Thép: Sản lượng thép đạt 277 ngàn tấn, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó: khu vực quốc doanh đạt 157,3 ngàn tấn, tăng 4,1%, khu vực ngoài quốc doanh đạt 3.874 tấn, gấp 17 lần so với cùng kỳ do có nhà máy thép SMC mới đi vào hoạt động, khu vực ĐTNN đạt 115,8 ngàn tấn, tăng 29,3%.
- Dệt may, da giày: quần áo may sẵn ước đạt 2,4 triệu sản phẩm, bằng 100% so với cùng kỳ; giày dép các loại ước đạt 631 ngàn đôi, tăng 20,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên tỷ lệ sản xuất theo phương pháp gia công còn lớn.
- Xi măng: đạt 464 ngàn tấn tăng gấp 3 lần so cùng kỳ do có thêm trạm nghiền xi măng Cẩm Phả đi vào hoạt động; khu vực ĐTNN có trạm nghiền xi măng Thị Vải với 206 ngàn tấn, tăng 30,64% so với cùng kỳ. Gạch men tăng 26,9%, gạch xây dựng tăng 51,6% so với cùng kỳ do nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng.
- Sản lượng phân đạm: đạt 196 ngàn tấn, chỉ tăng 2% so cùng kỳ do nhà máy đạm Phú Mỹ đã đạt hết công suất thiết kế. Sản lượng phân NPK đạt 51,6 ngàn tấn, tăng 16,4% so với cùng kỳ.
Nhìn chung giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) quý I năm 2008 tương đối ổn định, đạt mức tăng trưởng khá so cùng kỳ (17,4%). Tuy nhiên giá trị sản xuất của dầu thô và khí đốt chỉ đạt 95,19% so với cùng kỳ (do kế hoạch khai thác dầu thấp hơn năm 2007) làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành (chỉ tăng 9,2%). Trong đó đáng chú ý là công nghiệp ngoài quốc doanh có tốc độ tăng rất cao 66,81%. Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng thấp hơn so với kế hoạch (chỉ tăng 6,56% so với cùng kỳ) do sản lượng điện sản xuất của khu vực này giảm và một số dự án mới dự kiến đi vào hoạt động trong quý I nhưng đến nay vẫn chưa có sản phẩm do giá cả vật liệu xây dựng tăng và một số trục trặc về kỹ thuật trong quá trình chạy thử làm chậm lại tiến độ của dự án như: Nhà máy sản xuất ống cống bê tông ly tâm dự ứng lực (Cty TNHH Hwan Tai VN), nhà máy gốm sứ Mỹ Xuân, nhà máy sản xuất gốm Bạch Mã, nhà máy sản xuất đá hoa cương (Cty TNHH đá xây dựng F-CN-TTCN VN), nhà máy sản xuất gạch ốp tường (Cty TNHH Inax VN), nhà máy đóng tàu (Cty TNHH Strategic Marine))... Có 8/26 sản phẩm đạt mức tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra, 6/26 sản phẩm đạt mức tăng trưởng nhưng thấp hơn kế hoạch toàn ngành và 12/26 sản phẩm giảm so cùng kỳ, trong đó 3 sản phẩm có kế hoạch giảm so với năm 2007 là dầu thô, khí hóa lỏng và đóng mới tàu cá.
Về tình hình thu hút đầu tư, trong quý I năm 2008 toàn tỉnh đã thu hút được 13 dự án với tổng vốn đăng ký 377,1 triệu USD, gồm 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (vốn đầu tư 134,65 triệu USD) và 5 dự án trong nước (vốn đầu tư 242,45 triệu USD). Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 218 dự án còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư 8,5 tỷ USD, gồm 119 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (vốn đầu tư 5,55 tỷ USD) và 96 dự án trong nước (vốn đầu tư 2,95 tỷ USD). Hiện nay đã có 119 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phòng QLCN
Toàn văn báo cáo quý I/2008 và bảng số liệu