LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Công đoàn Công đoàn
Hướng tới Đại hội đại biểu Công đoàn toàn tỉnh lần thứ IV Những kinh nghiệm từ hoạt động của Công đoàn Schlumberger

Hướng tới Đại hội đại biểu Công đoàn toàn tỉnh lần thứ IV

 

Những kinh nghiệm từ hoạt động của Công đoàn Schlumberger

 

Ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nhất là các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, việc thành lập tổ chức công đoàn đã khó, duy trì hoạt động và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động lại càng khó hơn. Tuy nhiên, ở Schlumberger, một công ty có vốn 100% nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dầu khí lại không rơi vào tình trạng như thế. Kết quả hoạt động của tổ chức công đoàn ở đây thực sự là những kinh nghiệm hay cho việc hình thành và duy trì hoạt động của các tổ chức công đoàn có vốn đầu tư nước ngoài.

 

TẤT CẢ CÙNG ỦNG HỘ

 

Đại diện Công đoàn Công ty Schlumberger tặng nhà tình thương và tivi cho người nghèo ở xã Sông Xoài, huyện Tân Thành
Công ty dịch vụ dầu khí Schlumberger Việt Nam hoạt động chủ yếu là đo địa lý giếng khoan, khoan thăm dò, thử vỉa và các dịch vụ khác. Công đoàn của công ty được thành lập năm 1995 với hơn 20 đoàn viên công đoàn. Đến cuối năm 2007, công đoàn công ty đã có 238 đoàn viên trong tổng số 275 nhân viên người Việt Nam, với 6 tổ công đoàn. Thu nhập bình quân của người lao động là 11,450 triệu đồng/tháng. 100% nhân viên đều được ký hợp đồng lao động, được mua bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

 

Ở Schlumberger, hoạt động công đoàn có nhiều thuận lợi, đó là nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Ban Giám đốc. Ngoài việc dành 2% tổng quỹ lương của người lao động cho hoạt động công đoàn, Ban Giám đốc luôn có sự trao đổi ý kiến với công đoàn, thông qua BCH công đoàn để có giải pháp giải quyết một cách thoả đáng, phù hợp với pháp luật cho người lao động mỗi khi có vấn đề. Bên cạnh đó, mọi hoạt động của công đoàn đều được toàn thể công đoàn viên, người lao động trong công ty tích cực tham gia, ủng hộ và đóng góp. Ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết: “Mặc dù công việc của công ty rất bận rộn, nhiều đoàn viên thường xuyên làm việc ngoài biển nhưng công đoàn vẫn duy trì hoạt động thường xuyên. Rất nhiều anh em tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, tình nguyện đóng góp cho quỹ từ thiện xã hội. Có lần thấy chúng tôi gói quà chuẩn bị cho chuyến đi thăm tặng quà đồng bào ở vùng xa, không ít anh chị em đã tự nguyện góp thêm tiền, mua thêm hàng và cùng tham gia chuyến đi”.

 

CHĂM LO CHU ĐÁO CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

 

Ông Phạm Văn Thắng cho biết thêm: “Không phải ngẫu nhiên mà các mặt hoạt động của công đoàn lại được suôn sẻ như vậy. Do thường xuyên chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động theo đúng luật pháp, công đoàn đã sớm lấy được lòng tin của người lao động. Hàng năm, BCH công đoàn và tất cả đoàn viên công đoàn cùng tham gia thảo luận về thoả ước lao động tập thể. Công đoàn rất chú trọng tới việc thăm hỏi, giúp đỡ đoàn viên, người lao động khi ốm đau, sinh đẻ, ma chay hay việc chúc mừng, chia vui khi cưới hỏi. Công đoàn đã công khai chế độ thăm hỏi, hiếu hỷ cho tất cả đoàn viên biết. Đối với chị em phụ nữ, công đoàn đều đặn tổ chức liên hoan tặng quà nhân dịp 8-3 và 20-10. Với con em đoàn viên, người lao động, công đoàn tổ chức tặng quà nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 và tết trung thu; khen thưởng các cháu học sinh giỏi, xuất sắc. Về thể thao, thường xuyên tổ chức giải bóng đá giữa các bộ phận sản xuất trong công ty. Năm 2007, công đoàn đã tổ chức 5 chuyến du lịch cho nhân viên bằng kinh phí công đoàn. Chính vì vậy mà nhiều người đã nói vui: đóng công đoàn phí mỗi tháng có 45 ngàn đồng nhưng lại được hưởng từ 3,5-4 triệu đồng mỗi năm, còn lợi hơn cả chơi… chứng khoán. Về phía lãnh đạo công ty, thời gian đầu Ban giám đốc công ty, nhất là “sếp” người nước ngoài không mặn mà gì với việc thành lập tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, sau khi thấy hoạt động của công đoàn có hiệu quả, không nhằm vào mục đích nào khác ngoài việc chăm lo đời sống, động viên người lao động an tâm làm việc, Ban Giám đốc đã ủng hộ nhiệt thành. Chẳng hạn về kinh phí của công đoàn, những năm trước 1999, kinh phí cho hoạt động công đoàn chỉ có 1% tổng quỹ lương của nhân viên trong công ty, Ban Giám đốc tông ty đã chấp nhận tăng lên 2%. Đến nay, hầu như tất cả các hoạt động do công đoàn tổ chức đều có “sếp” và người lao động nước ngoài cùng tham gia.

 

“Công đoàn hoạt động có hiệu quả, thực sự là người đứng ra chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, động viên người lao động làm việc, thì không có ông chủ nước ngoài nào lại từ chối và không ủng hộ việc có tổ chức công đoàn ở công ty”. Ông Phạm Văn Thắng đã nói về kinh nghiệm từ hoạt động của công đoàn công ty mình như vậy.

 

Theo Báo BR-VT