CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN YẾU KÉM, NGUYÊN NHÂN TỪ ĐÂU?
Tại Đại hội công đoàn tỉnh BR-VT lần thứ IV, nhiệm kỳ 2008-2013 diễn ra vào giữa tháng 5/2008 vừa qua, trong phần đánh giá về nguyên nhân những khuyết điểm yếu kém tồn tại trong hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2003-2008, dự thảo Văn kiện có nêu nguyên nhân chủ quan là do “Năng lực, trình độ nghiệp vụ và kỹ năng công tác CĐ, kiến thức pháp luật về LĐ của một bộ phận cán bộ CĐ, nhất là CĐCS ở DN ngoài nhà nước và DN có vốn dầu tư nước ngoài còn yếu, còn né tránh việc đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CNVCLĐ. Do vậy tổ chức công đoàn chưa thực sự là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên và người lao động”. Nhận xét nói trên là hoàn toàn chính xác, nhưng để tìm ra ngọn nguồn của đánh giá này, cần phải đặt mình vào vai trò của cán bộ CĐCS, nhìn từ góc độ của cán bộ CĐCS.
Thật vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công đoàn đồng hành cùng Nhà nước; trong khuôn khổ pháp luật, công đoàn đồng hành cùng chủ doanh nghiệp… Thực tế không ít nơi, trong khu vực nhà nước, thủ lĩnh công đoàn, cán bộ công đoàn thường là được cấp ủy phân công. Nơi nào phân công cán bộ công đoàn, chủ tịch CĐCS có vai vế tương xứng với thủ trưởng cơ quan và giám đốc thì hoạt động công đoàn thuận lợi. Nơi nào rơi vào vị trí “lép vế” chắc chắn là phải “ăn theo, nói leo”. Thậm chí có những doanh nghiệp, chủ tịch CĐCS là Phó Giám đốc hẳn hoi, nhưng việc vi phạm chế độ chính sách của người lao động vẫn xảy ra, mà chủ tịch CĐCS không có ý kiến gì.
Trong mối quan hệ, thủ lĩnh công đoàn, giám đốc doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động còn phức tạp hơn. Thủ lĩnh công đoàn do chủ DN trả lương, nên chắc chắn là “ăn cây nào thì rào cây ấy”. Ở các doanh nghiệp đông công nhân lao động, thủ lĩnh công đoàn hưởng lương chuyên trách, song cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn cũng không làm cán bộ công đoàn yên tâm là mấy. Ở các đơn vị ngoài quốc doanh, sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng có nơi chưa trực tiếp, không có cấp chính quyền nhà nước tại chỗ. Ở đây chỉ có tổ chức công đoàn với người sử dụng lao động, sự ràng buộc về pháp luật chưa đồng bộ; không ít nơi thành lập tổ chức công đoàn chỉ để đối phó với pháp luật… Khi giải quyết tranh chấp bảo vệ quyền lợi người lao động rất khó khăn, phức tạp, thủ lĩnh công đoàn, cán bộ công đoàn có thể bị “mất việc làm như chơi”.
Điều kiện bảo đảm cho tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn hoạt động đã có pháp luật quy định, song nhiều nơi không thực hiện. Kinh phí công đoàn 2% đâu phải ở đâu cũng thực hiện nghiêm túc, đoàn phí 1% đối với các đơn vị kinh tế ngoài nhà nước thu của đoàn viên cũng khó khăn… Kinh phí công đoàn giữ lại ở CĐCS 1,7% (của 2% kinh phí công đoàn và 1% đoàn phí công đoàn) được chi 30% phụ cấp cho cán bộ công đoàn không chuyên trách tuy là tỷ lệ khá cao, nhưng mức chi phụ cấp cụ thể cho cán bộ CĐCS vẫn còn thấp, dù đã theo hướng dẫn mới nhất của TLĐ.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động ngày càng phức tạp, vấn đề tranh chấp lao động, đình công, lãn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Với những bất lợi nói trên, khi có xảy ra đình công, cán bộ công đoàn sẽ đứng ở đâu ?
Như vậy, khi đánh giá cán bộ công đoàn, phải nhìn từ nhiều phía. Nếu cán bộ công đoàn còn yếu về trình độ, năng lực hoạt động công đoàn, thì bản thân cán bộ đó phải ra sức học tập. Công đoàn cấp trên có trách nhiệm mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cán bộ công đoàn để khắc phục điểm yếu này. Nhưng chỉ sự nỗ lực của bản thân cán bộ công đoàn là chưa đủ, mà phải có sự tạo điều kiện của cấp ủy Đảng và chính quyền, phải coi trọng củng cố, xây dựng vị thế của tổ chức công đoàn các cấp, nhất là cấp cơ sở. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ 6 BCH TW Đảng Khóa X: “Xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh, phát huy vai trò của công đoàn trong xây dựng giai cấp công nhân” .
Cán bộ CĐ là nhân tố quyết định hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức CĐ. Đừng để cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ CĐCS phải “đơn độc” trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của tổ chức mình.
Cao Thị Thanh Hà