Phát triển doanh nghiệp công nghiệp tại khu vực nông thôn: Cần những biện pháp thật cụ thể
Phát triển doanh nghiệp công nghiệp nông thôn là 1 trong 8 nội dung của chương trình khuyến công của tỉnh từ nay đến năm 2012. Tuy nhiên, để đưa công nghiệp về nông thôn, cần những chính sách ưu đãi đặc biệt, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khoảng cách vùng.
DOANH NGHIỆP THẤY KHÓ
Mục tiêu trọng yếu của chương trình khuyến công vừa được UBND tỉnh phê duyệt là đưa công nghiệp nông thôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 23% đến 28% giai đoạn 2008 – 2012 và đến năm 2012 tỷ trọng công nghiệp nông thôn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu) đạt 18% – 20%, kim ngạch xuất khẩu hàng tiểu thủ công nghiệp đạt khoảng 600 triệu USD, tăng tỷ trọng chế biến các sản phẩm nông – lâm – thủy sản. Để đạt được mục tiêu này, phát triển doanh nghiệp công nghiệp ở nông thôn là một nội dung được ưu tiên hàng đầu, trong bối cảnh còn quá ít doanh nghiệp hoạt động ở khu vực nông thôn như hiện nay. Số lượng doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn có hiệu quả cũng không nhiều. Nếu không có những định hướng tích cực, thì những chỉ số mục tiêu đặt ra sẽ là áp lực quá nặng nề.
Lao động đang sản xuất tại các nhà máy thuộc Cụm CN-TTCN Hắc Dịch 1 đã được Trung tâm Khuyến công – Sở Công Thương tổ chức đào tạo miễn phí
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp không mặn mà đóng quân ở địa bàn nông thôn. Việc vận chuyển hàng hóa không thuận lợi, xa trung tâm, cảng biển… là lý do chính khiến các doanh nghiệp không thích về nông thôn. Ngoài ra, nhà máy ở nông thôn còn gặp những bất tiện khác, trong đó điện và nước là 2 yếu tố đặc biệt quan trọng. Ông Lê Văn Lợi, Giám đốc Công ty cổ phần cao su Thống Nhất cho biết: Điện ở nông thôn bị cúp bất thường và dày đặc hơn ở thành phố. Chính vì thế mà năm 2008 vừa qua, Nhà máy sản xuất mủ cao su của công ty “lãnh đủ”. Cứ mỗi lần cúp điện đột xuất là mủ cao su bị hỏng. Có những ngày cao điểm, một ngày nhà máy bị cúp điện tới 4, 5 lần… Còn ông Nguyễn Tấn Tư, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Châu Đức đưa ra một bất lợi khác: Mặc dù lao động ở nông thôn có sẵn, nhưng nhân lực cho nguồn cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp lại rất thiếu, đặc biệt là người quản lý giỏi lại càng khó tìm.
PHẢI CÓ BIỆN PHÁP HỖ TRỢ
Đối tượng được hỗ trợ trong chương trình khuyến công của tỉnh là các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư sản xuất công nghiệp tại huyện, thị trấn và xã bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Các ngành nghề ưu tiên hỗ trợ là chế biến nông – lâm – thủy sản, vật liệu xây dựng, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiểu thủ công nghiệp phục vụ tiêu dùng, các ngành hàng có thị trường xuất khẩu. |
Muốn thu hút doanh nghiệp về xây dựng nhà máy ở nông thôn, trước hết phải chú ý đến những khó khăn, thiệt thòi của doanh nghiệp để tìm biện pháp hỗ trợ. Bà Trần Thị Kim Thu, Giám đốc Trung tâm Khuyến công, Sở Công Thương cho biết: Nội dung chương trình khuyến công của tỉnh từ nay đến 2012 sẽ nhắm vào 8 nội dung, trong đó sẽ có nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực đối với doanh nghiệp về cơ chế, lao động, khoa học công nghệ… Hiện nay, Trung tâm Khuyến công đã bắt đầu những chương trình đầu tiên, đó là đào tạo lao động nông thôn cho nhà máy ở nông thôn (năm vừa qua gần 500 lao động được đào tạo nghề may miễn phí cung cấp cho các nhà máy tại Cụm CN-TTCN Hắc Dịch 1). Trung tâm cũng tổ chức một số lớp kỹ năng dành cho giám đốc doanh nghiệp nông thôn tại Châu Đức.
Một lợi thế của vùng nông thôn là đất đai dồi dào, giá thuê rẻ. Ông Trung Chảy, Giám đốc Công ty Cổ phần Phú Mỹ, Chủ dự án Cụm CN-TTCN Hắc Dịch 1, xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành cho biết: Rất khó để kiếm được một mảnh đất vài chục hécta với giá thấp ở thành phố hoặc vùng ven trong khi ở nong thôn lại dễ dàng có được. Còn ông Nguyễn Tấn Tư thì khẳng định: Không đâu bằng lập nhà máy ở ngay “kho” nguyên liệu của nó. Sản phẩm đầu vào có chất lượng, tươi mới thì đầu ra mới tốt được. Còn thu hút công nhân lao động thì dĩ nhiên dễ hơn hẳn khu vực thành thị.
Theo Báo BRVT