LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Báo cáo thống kê Báo cáo thống kê
CÔNG THƯƠNG BÀ RỊA VŨNG TÀU VỮNG VÀNG TRONG GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN

CÔNG THƯƠNG BÀ RỊA VŨNG TÀU

VỮNG VÀNG TRONG GIAI ĐOẠN KHÓ KHĂN

Năm 2009, suy thoái kinh tế đã lan rộng hầu như khắp các quốc gia trên thế giới, tác động ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến kinh tế nước ta, một nền kinh tế mới phát triển, còn non yếu, chưa hề trải qua những biến cố lớn, đã tạo ra thử thách khá nặng nề.

Trên địa bàn tỉnh, với đặc thù phát triển mạnh các ngành công nghiệp nặng, do đó tác động ảnh hưởng còn lớn hơn. Trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp ngành thép hầu như thu hẹp sản xuất và ngưng hoạt động, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu cũng hoạt động cầm chừng do giảm đơn hàng, thu hẹp thị phần và đặc biệt là do giá hàng hóa xuất khẩu giảm sút nghiêm trọng. Sản xuất giảm, ảnh hưởng đến sản lượng điện thương phẩm giảm, ngành sản xuất điện không tăng trưởng. Công nghiệp dầu khí giảm mạnh do giá xuất khẩu dầu thô giảm và theo kế hoạch điều hành của tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Một bức tranh có thể nói là ảm đảm, khi đầu năm nhiều chuyên gia dự báo và nhiều ngành kinh tế nhận định rằng sẽ có ít nhất 30% số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn bị phá sản hoặc giải thể, 20% số doanh nghiệp có khả năng cắt giảm việc làm, thu hẹp sản xuất. Lao động thất nghiệp gia tăng, thu nhập dân cư sụt giảm, là những yếu tố vô cùng bất lợi đối với hoạt động thương mại dịch vụ.

Để giảm bớt những khó khăn tác động và cùng doanh nghiệp, doanh nhân  vượt khó khăn thử thách, duy trì và phát triển, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch ở mức cao nhất, Ngành Công Thương phải làm gì?

Phải tận dụng, triển khai kịp thời và tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp chống suy giảm kinh tế của Chính phủ, với những gói kích thích kinh tế như miễn, giảm, hoãn thuế, hỗ trợ lãi suất, tăng đầu tư…đó là nhiệm vụ và cũng là giải pháp trọng tâm của ngành. Đồng thời, phải kể đến sự chỉ đạo sâu sắc của Tỉnh ủy, công tác điều hành sát sao của UBND tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của doanh nghiệp, doanh nhân trong toàn ngành, đã phát huy tác dụng tạo điều kiện cho sự hồi phục sản xuất. Nhiều doanh nghiệp được tháo gỡ kịp thời vướng mắc, hướng  dẫn tiếp cận được các chính sách hỗ trợ nên đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần tạo thêm việc làm mới, giảm số lao động mất việc, thu nhập của người lao động được cải thiện.

Bên cạnh đó, là sự phối hợp tích cực của các ngành Tài chính, hệ thống Ngân hàng, Cục Hải quan, Cục Thuế tỉnh... Từ đó, hoạt động công thương đã vượt qua đáy của suy giảm kinh tế.

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp từ Quý III trở đi luôn có sự tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Cả năm GTSXCN toàn địa bàn (theo giá cố định 94) ước thực hiện 63.500 tỷ đồng, tăng 3,06%. Giá trị SXCN không tính dầu thô và khí đốt ước 48.057 tỷ đồng, tăng 10,48% so với năm 2008. Mức tăng trưởng này luôn được xếp trong tốp dẫn đầu khu vực kinh tế trọng điểm Phía Nam.

Mặc dù khó khăn về tài chính dẫn đến các dự án đầu tư đều chững lại và có dấu hiệu suy giảm hơn những năm trước. Nhưng với quyết tâm phấn đấu cao và sự hỗ trợ doanh nghiệp hết sức mình. Nhiều cuộc tọa đàm, gặp gỡ giữa doanh nghiệp đầu tư hạ tầng với lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở, Ngành, UBND cấp Huyện được Sở Công Thương tiến hành, đã xử lý kịp thời những nguyên nhân làm chậm tiến độ đầu tư. Trong năm Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh cấp được 06 Giấy chứng nhận đầu tư cho các cụm công nghiệp và thúc đẩy khởi công xây dựng hạ tầng 02 cụm công nghiệp.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư triển vọng, Sở đã tổ chức công bố rộng rãi điều chỉnh Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2010, xét đến 2020. Hướng dẫn và đôn đốc các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.

Trong một năm đầy những khó khăn, thách thức đã cho thấy sự năng động, tích cực và vững vàng của cộng đồng các doanh nghiệp. Sự nhạy bén, thích nghi tốt với “con đường ra biển lớn” của các “thuyền trưởng” doanh nhân. Nhiều doanh nghiệp trong các ngành hàng sản xuất đá xây dựng, da thuộc, vải giả da, đóng mới tàu cá, xi măng, gạch men, khí đốt, giày xuất khẩu đã hoàn thành vượt mức kế hoạch và tăng trưởng cao so với năm 2008.

Công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân được thực hiện quyết liệt từ cấp Sở đến cấp Huyện, góp phần đưa công nghiệp địa phương phát triển mạnh mẽ. Khối công nghiệp dân doanh có mức tăng trưởng vượt bậc 32,53% so với năm 2008. Công nghiệp do cấp huyện quản lý có 7/8 địa phương hoàn thành vượt mức kế hoạch năm và tăng trưởng so với năm 2008. Trong đó huyện Tân Thành tăng trưởng 25,33%, tiếp đến là Thành phố Vũng Tàu 24,48%, huyện Châu Đức 22,47%, thị xã Bà Rịa 22,13%; các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc lần lượt có mức tăng 18,35%, 15,59%, 14,23%.

Thu hút đầu tư để tăng diện tích lấp đầy các khu, cụm công nghiệp cũng được chú trọng đẩy mạnh. Công tác cải cách hành chính được coi là giải  pháp trọng tâm để thu hút đầu tư. Lãnh đạo Sở luôn đặt mục tiêu “phục vụ trên mức yêu cầu của doanh nghiệp”. Điều này đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Năm 2009, ngành công nghiệp có 18 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư là 1.410,73 triệu USD.

Phát triển công nghiệp trên địa bàn luôn được ngành quan tâm cân đối với yếu tố môi trường và phát triển nguồn nhân lực. Các đề án khuyến công được thực hiện hầu hết hướng đến các mục tiêu trên, góp phần đào tạo nghề cho lao động nông thôn và lao động trong địa bàn có đất bị thu hồi làm khu, cụm công nghiệp. Trong năm, triển khai hoàn thành 02 đề án khuyến công Quốc gia “đào tạo nghề mây tre đan cho 50 lao động” và “đào tạo nghề may công nghiệp cho 500 lao động”. Góp phần bổ sung lực lượng lao động cho các nhà máy phục hồi  sản xuất sau suy giảm kinh tế.

                Chương trình khuyến công địa phương đã thực hiện xong 04 đề án: “Hỗ trợ truyền nghề mây tre đan cho 50 lao động nông thôn tại huyện Đất Đỏ” và “Hỗ trợ duy trì nghề thủ công mỹ nghệ sò ốc trên địa bàn tỉnh”, “Hỗ trợ truyền nghề điêu khắc mỹ nghệ trên gỗ tại huyện Xuyên Mộc” và đề án “Hỗ trợ đầu tư hệ thống biogas từ chất thải trong chăn nuôi tại xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc”.

Để cân đối nội ngoại thương, phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa, Sở đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước, cùng các chương trình kích cầu sôi động như chương trình “Tuần lễ hàng Việt Nam”, “ Tháng bán hàng khuyến mại”, phát động hưởng ứng cuộc vận động Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tổ chức hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao lần thứ I tại Vũng Tàu, chương trình đưa hàng về nông thôn…Đã tác động mạnh đến lĩnh vực thương mại dịch vụ, năm 2009 với tổng doanh thực hiện 70.187 tỷ đồng, có tốc độ tăng trưởng rất cao 31,86% so với năm 2008. Thị trường được giữ ổn định, hàng hóa dồi dào, chủng loại phong phú, phương thức phục vụ đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

Công tác chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường được nâng cao với các đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm trong các dịp Lễ, Tết và trong các sự kiện Tỉnh tổ chức. Trọng tâm nhất là việc thực hiện niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, nhằm thực hiện tốt các quy định về giá, góp phần bình ổn giá hàng hóa và kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng tăng ở giới hạn cho phép.

Các hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài cũng được quan tâm thúc đầy mạnh hơn. Đã tổ chức đoàn 05 doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm hàng xuất khẩu Việt Nam tại Liên bang Nga, thuộc chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia với kết quả rất tốt, có 02 doanh nghiệp khôi phục thị trường, ký được 07 hợp đồng trị giá 25 triệu dolar Mỹ.

 Tình hình xuất khẩu suy giảm, công tác điều hành của Sở càng phải quyết liệt hơn. Thường xuyên theo sát hoạt động doanh nghiệp, tổ chức các đợt khảo sát nắm tình hình, các hội nghị giao ban xuất khẩu hàng quý để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu và bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu xuất khẩu năm 2009 của tỉnh. Thực hiện trách nhiệm đầu mối cập nhật các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và tham gia cùng các ngành liên quan để triển khai kịp thời các gói kích cầu, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước. 

Các đợt tập huấn, đào tạo, phổ biến “Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản” và hội thảo chuyên về đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ; tổ chức khóa đào tạo “Kỹ năng xây dựng và phát triển thương hiệu”; tổ chức lớp tập huấn Xúc tiến thị trường Campuchia; tổ chức hội thảo “Kinh doanh thời khủng hoảng – nghệ thuật thu hút khách hàng” được tiến hành đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển thị trưòng.

Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ổn định và tăng dần vào những tháng cuối năm. Tính trên toàn địa bàn tỉnh, năm 2009 thực hiện 8.026,74 triệu USD, đạt 128,47% kế hoạch năm. Xuất khẩu trừ dầu khí thực hiện 900,24 triệu USD, chỉ giảm 2,22% so với năm 2008, thấp hơn nhiều so với mức sút giảm chung (-9,4%) của xuất khẩu toàn quốc, trong khi yếu tố giá của hầu hết các xuất khẩu mặt hàng chủ lực giảm từ 15-25%.

Kim nhập khẩu năm 2009 giảm 19,5%, nhưng tỷ trọng nhập máy móc, thiết bị tăng 55,1% cho thấy công tác điều hành, giám sát hoạt động nhập khẩu của tỉnh luôn thực hiện đúng định hướng, trong suy giảm kinh tế các doanh nghiệp vẫn tận dụng thời cơ để tái cơ cấu, đổi mới trang thiết bị.

Để tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời cũng tạo sự minh bạch, rõ ràng trong quản lý dự án đầu tư vào lĩnh vực công thương, công tác quy hoạch luôn được Sở chú trọng.

Trong năm 2009 Sở đã hoàn thành và được UBND tỉnh phê duyệt các đề án “Quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đến 2015, xét đến 2020” theo Quyết định 955/QĐ-UBND ngày 03/4/2009; Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2010, xét đến năm 2020 theo Quyết định số 36/2009/QĐ-UBND ngày 20/5/2009; Chương trình hành động của Ngành Công Thương chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tỉnh BR-VT theo Quyết định số 1363/QĐ-UBND ngày 11/5/2009.

Đồng thời đã xây dựng, trình và được UBND tỉnh phê duyệt đề cương, kinh phí xây dựng các đề án quy hoạch ngành công nghiệp; quy hoạch ngành cơ khí; công nghiệp phụ trợ; quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ; hệ thống kinh doanh khí hóa lỏng; quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2020; quy hoạch chi tiết cấp điện cho các cảng dọc theo sông Thị Vải – Cái Mép; đề án Tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà; đề án đánh giá tiềm năng gió để phát điện trên địa bàn huyện Côn Đảo.

Công tác thúc đẩy giải ngân các công trình xây dựng cơ bản mà chủ yếu là công trình phát triển lưới điện nông thôn đã được Sở tiến hành đạt mức cao nhất. Đến cuối tháng 12 năm 2009, 89% vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được giải ngân và quyết toán, Sở Công Thương cũng quyết tâm quyết toán 100% kế hoạch vốn của năm theo đúng thời điểm do nhà nước quy định.

Có thể nói, sau một năm đương đầu với những biến cố của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế, toàn ngành công thương tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, cùng với kinh tế cả nước vượt đáy suy giảm, nhanh chóng phục hồi và đầy mạnh sản xuất kinh doanh. Kết quả trên đã được ghi nhận bằng những thành tích “Cờ Thi đua suất sắc”  do Bộ Công Thương trao tặng, “Cờ thi đua dẫn đầu khối kinh tế 3” của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với số phiếu bình chọn thuyết phục 86% và đang được UBND tỉnh xét tặng “Cờ Thi đua xuất sắc” của tỉnh.

                                          Nguyễn Thu Hồng (TP.KHTH-SCT)