LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tiết kiệm năng lượng Tiết kiệm năng lượng
Thiếu điện: nhiều nhà máy buộc phải hạn chế sản xuất

Thiếu điện: nhiều nhà máy buộc phải hạn chế sản xuất

 

Ưu tiên điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh luôn là chủ trương của tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội hàng năm. Tuy nhiên, trong thời điểm thiếu điện trầm trọng như hiện nay, các doanh nghiệp cũng không thể nằm ngoài danh sách phải cắt giảm điện.

 

CHẤP NHẬN TỔN THẤT

 

Sau khủng hoảng kinh tế, ngành thép đang trong thời điểm

Ngành thép đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ nhưng do là lĩnh vực tiêu tốn nhiều điện năng nên buộc phải cắt giảm sản xuất. Trong ảnh: Xưởng cán thép của Công ty cổ phần thép Thép Việt
“ăn nên làm ra”. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đều hoạt động hết công suất trước thời điểm thiếu điện. Theo tổng hợp của Ban Quản lý các KCN, trong quý I-2010, sản lượng sản xuất thép của một số nhà máy lớn trong các KCN đều ở mức cao. Nhà máy thép của Công ty cổ phần Thép Thép Việt sản xuất hơn 120 ngàn tấn phôi, hơn 120 ngàn tấn thép cán; Nhà máy Thép Phú Mỹ sản xuất 91 ngàn tấn phôi, 80 ngàn tấn thép tấm lá; Nhà máy thép Vinakyoei sản xuất hơn 95 ngàn tấm thép cán; Nhà máy thép Posco sản xuất 167 ngàn tấn thép cán...

 

Ngoài các doanh nghiệp ngành thép, đa phần các doanh nghiệp trong các KCN đều ở trạng thái tốt sau thời điểm khủng hoảng kinh tế. Quý I-2010, một số ngành sản xuất có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có các ngành công nghiệp nặng, sử dụng điện lớn như: xi măng đạt 486 ngàn tấn, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2009; bột mỳ đạt 71 ngàn tấn, tăng 48,17% so với cùng kỳ; tháp gió đạt 87 bộ, tăng 13% so với cùng kỳ...

 

Vì gia tăng sản lượng, nên sản lượng điện tiêu thụ của các doanh nghiệp trong các KCN cũng ở mức cao. Theo thống kê của Điện lực BR-VT, chỉ riêng 27 nhà máy công nghiệp nặng sử dụng nhiều điện trong các KCN đã tiêu tốn 82 triệu kWh điện trong tháng 3, tương đương 2,7 triệu kWh/ngày, gần bằng 1 nửa sản lượng tiêu thụ điện toàn tỉnh. Một số nhà máy sử dụng lượng điện lớn trong tháng 3 như: Nhà máy Thép Việt sử dụng 27 triệu kWh điện; nhà máy thép Phú Mỹ (Công ty cổ phần thép Miền Nam) sử dụng 18 triệu kWh điện; các nhà máy xi măng Holcim, Cẩm Phả sử dụng trên dưới 3 triệu kWh...

 

Đang trong thời điểm làm ăn thuận lợi mà phải giảm công suất quả là một thiệt thòi. Thế nhưng, trong bối cảnh cả nước đang thiếu điện trầm trọng kể từ đầu tháng 4 đến nay, thì việc tiết giảm điện của các doanh nghiệp ngành thép nói riêng và các doanh nghiệp trong các KCN nói chung là việc cần phải làm.

 

Vì lý do kể trên, Sở Công thương và ngành điện đã có buổi làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp là khách hàng sử dụng điện năng tiêu thụ lớn trong các KCN, nhằm bàn thảo phương án tiết giảm điện sao cho hạn chế đến mức tối đa những tổn hại của doanh nghiệp. Mục tiêu là vận động các doanh nghiệp giảm mức tiêu thụ điện xuống khoảng 30 – 50% so với sản lượng điện tiêu thụ tháng 3 -2010. Như vậy, nếu các doanh nghiệp thực hiện được điều này, lượng điện tiết giảm bình quân 1 ngày vào khoảng 800.000 kWh, đủ đáp ứng lượng điện thiếu hụt mỗi ngày mà Công ty điện lực 2 phân bổ cho BR-VT.

 

TỰ NGUYỆN GIẢM CÒN HƠN BỊ CẮT ĐỘT XUẤT

 

Công ty cổ phần thép tấm lá Phú Mỹ đã tự tiết giảm 30% lượng điện tiêu thụ so với tháng 3-2010.
Hầu hết các nhà máy trong các KCN hiện nay đều sử dụng dây chuyền sản xuất tự động, do vậy việc cúp điện đột xuất hoặc luân phiên sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Vì vậy, đa phần các doanh nghiệp đề nghị được tự giác giảm mức tiêu thụ điện thay vì “đến hẹn” ngành điện sẽ cắt hẳn nguồn điện lưới 110KV. Ông Chu Quang Vũ, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Thép Thép Việt cho biết, nếu cắt điện thì Công ty buộc phải ngưng hoạt động trạm ôxy, đến khi có điện trở lại phải mất 2-3 ngày mới phục hồi đủ sản lượng ôxy cung cấp cho lò nung thép. Như vậy, sẽ gây tốn kém rất lớn, làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Theo ông Vũ, nếu ngành điện cho phép doanh nghiệp tự cắt giảm thì Công ty sẽ cắt giảm ở khâu luyện thép, mỗi ngày lượng điện tiêu thụ cũng sẽ giảm khoảng 200.000 kWh. Cũng với lý do đó, Công ty Cổ phần Thép Miền Nam đề nghị được cắt giảm điện tự giác với cam kết sẽ tiết kiệm 30% lượng điện tiêu thụ mỗi ngày.

 

Đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp nhẹ, may mặc, lượng điện tiêu thụ thấp hơn so với các doanh nghiệp công nghiệp nặng, việc điều chỉnh sản xuất cho phù hợp với tình hình cắt điện luân phiên với họ dễ thực hiện hơn. Bà Nguyễn Thị Mỹ Trang, cán bộ Ban Quản lý các KCN, cho biết, hiện tại một số doanh nghiệp ngành công nghiệp nhẹ, may mặc trong các KCN đã biết cách “sống chung” với tình trạng thiếu điện. Chẳng hạn như, Công ty High Touch (sản xuất gốm sứ tại KCN Mỹ Xuân A2) vận động công nhân tăng ca trong ngày có điện và nghỉ vào ngày mất điện, hoặc chuyển từ ca ngày sang ca đêm (18 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau). Công ty chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí để chi trả tiền tăng ca và bồi dưỡng cho công nhân làm đêm. Còn Công ty Tong Hong và Prime Asia thì sắp xếp lại kế hoạch sản xuất, tận dụng thời gian cúp điện chuyển sang gia công các công đoạn không cần máy móc. Nhờ vậy, các doanh nghiệp vẫn bảo đảm sản lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

 

Cắt điện luân phiên vào thời điểm sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi sau khủng hoảng là việc bất đắc dĩ. Doanh nghiệp khó khăn, ngành điện và cơ quan quản lý nhà nước cũng rất đau đầu. Vì vậy, việc tính toán phương án tiết giảm điện hợp lý trên cơ sở tự nguyện, tự giác cùng chia sẻ khó khăn là điều mong muốn nhất trong điều kiện hiện nay.

 

Theo Báo BRVT

 

Đối với các doanh nghiệp ngành thép và một số ngành khác có mức tiêu thụ điện năng lớn và điều kiện sản xuất đặc thù, ngành điện sẽ bố trí cho tự giác cắt điện. Việc này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các công ty với Chi nhánh điện, tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp cùng cắt một ngày hoặc cùng sản xuất một ngày. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ theo dõi từ nay đến cuối tháng 4, nếu doanh nghiệp nào không tiết giảm theo yêu cầu thì ngành điện sẽ tự cắt điện.

(Ông Hồ Văn Cường, Giám đốc Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu)

 

Cắt điện luân phiên là phương án bất đắc dĩ mà ngành điện phải thực hiện trong thời điểm này. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các doanh nghiệp hết sức thông cảm và chia sẻ khó khăn chung. Ngoài việc chấp nhận tình trạng thiếu điện hiện nay, các doanh nghiệp cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất tránh giờ cao điểm (18 giờ đến 22 giờ) nhằm giảm giá thành sản phẩm. Riêng các doanh nghiệp có yêu cầu tự giác cắt điện phải liên hệ với Chi nhánh điện Tân Thành để có phương án cụ thể.

(Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Giám đốc Sở Công thương)