Tiết kiệm điện trong doanh nghiệp: Nơi sốt sắng, chỗ thờ ơ
Chưa có ý thức tiết kiệm điện, chưa biết cách tiết kiệm điện… là thực trạng về sử dụng điện tại không ít doanh nghiệp hiện nay. Trong bối cảnh thiếu điện đang gây khó khăn lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, cần triển khai rộng rãi các chương trình tiết kiệm điện để các doanh nghiệp biết cách tiết kiệm nguồn điện hợp lý.
Ý THỨC TIẾT KIỆM ĐIỆN CHƯA CAO
Công ty cổ phần Thép tấm lá Phú Mỹ đang phải hạn chế đến mức tối đa công suất sử dụng điện cho các nhà máy. Ông Nguyễn Tấn Hoành, Trưởng phòng Kỹ thuật công ty cho biết: Hiện công suất sử dụng cho khâu sản xuất là 9MW, đã tiết giảm hơn 50% so với công suất thường sử dụng là 20MW. Thế nhưng ngược lại, khối văn phòng hầu như không tiết giảm được gì và vẫn sử dụng công suất tới 1MW. Lý giải điều này, ông Hoành cho biết do các thiết bị trong văn phòng đều phải được sử dụng “đều đặn” ở điều kiện nhiệt độ thấp. Ngoài ra công ty này còn có tới 80 bóng đèn cao áp 250W, mặc dù đã tiết giảm nửa số bóng yêu cầu của ngành điện trong mùa cao điểm, nhưng vẫn tiêu tốn lượng điện năng rất lớn do chưa sử dụng loại bóng đèn tiết kiệm điện.
Ông Nguyễn Văn Toán, Phó chánh Thanh tra Sở Công thương, nhận xét: Công suất 1MW sử dụng cho văn phòng của công ty tuy nhỏ so với khâu sản xuất của doanh nghiệp, nhưng so với hộ sử dụng điện thì quá lớn. Trong khi đó, hiện nay một số doanh nghiệp sử dụng công suất điện chỉ vài chục kW, thậm chí các hộ gia đình chỉ sử dụng vài bóng đèn…, đều phải thực hành tiết kiệm điện. Chính vì vậy, đoàn kiểm tra về tiết kiệm điện đã yêu cầu Công ty Thép tấm lá Phú Mỹ lập kế hoạch tiết kiệm điện gửi về Sở Công thương.
Với một số doanh nghiệp mà chi phí điện năng chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh, thì ý thức tiết kiệm điện lại còn kém hơn. Dù biết rằng tiết kiệm điện là giảm chi phí, nhưng hiện nay vẫn có nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng, không nên tiết kiệm điện để người lao động (đặc biệt là khối văn phòng) có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn. Ở những đơn vị này, các thiết bị điện được sử dụng tối đa cả về thời gian và công suất.
CHƯA BIẾT CÁCH TIẾT KIỆM
Khá nhiều doanh nghiệp khi được hỏi về việc sử dụng điện đều cho biết, họ đã tiết kiệm điện tối đa vì chi phí điện chính là một bộ phận cấu thành giá thành sản phẩm. Họ đã áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện như: Chỉ mở máy lạnh văn phòng sau 9 giờ sáng, tắt giảm bóng đèn trong khu sản xuất theo năng lực và thời gian sản xuất, chạy các loại máy sử dụng điện năng cao vào những giờ thấp điểm và tắt máy trong giờ cao điểm... Thế nhưng, theo phân tích của các cơ quan chuyên ngành khu vực doanh nghiệp còn có thể tiết kiệm tới 20 – 25% tổng lượng điện tiêu thụ như hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp, thậm chí chưa nghĩ tới việc sử dụng các loại thiết bị tiết kiệm điện như bóng đèn tiết kiệm điện , máy chuyên dụng… vì sợ phát sinh chi phí trước mắt. Theo các chuyên gia về điện, các loại máy chuyên dụng được sản xuất sau này có công nghệ tiết kiệm điện cao. Chẳng hạn trong ngành xi măng, công nghệ lò đứng tiết kiệm điện hơn công nghệ lò ngang, công nghệ Horo mill lại tiên tiến và tiết kiện điện hơn so với công nghệ lò đứng… Thế nhưng, theo quan sát ở một số nhà máy hiện nay, đặc biệt trong ngành chế biến thủy sản và may mặc, hầu hết máy móc đều đã sử dụng nhiều năm. Ngành sản xuất nước đá cũng vậy, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ mới có Công ty TNHH Châu Long (thị xã Bà Rịa) đổi mới một số máy móc, các doanh nghiệp còn lại đều sử dụng công nghệ cũ, tiêu tốn đến 3,2 kWh điện cho 1 cây nước đá, nếu thay thế máy móc mới chỉ tiêu tốn khoảng 2,8 kWh điện.
Sở Công thương hiện đang triển khai chương trình kiểm toán năng lượng cho các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu được miễn phí chi phí kiểm toán và được hỗ trợ vay vốn thay đổi công nghệ, máy móc thiết bị tiết kiệm năng lượng. Sau khi kiểm toán, đơn vị tư vấn đã tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả. Nhờ đó, một số doanh nghiệp đã tiết kiệm được chi phí như Công ty cổ phần Hải Việt, Xí nghiệp Chế biến 2 thuộc Công ty cổ phần Thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được với chương trình này vì chưa hiểu rõ lợi ích của chương trình và “sợ” kiểm toán.
Bài, ảnh: Yến Phương(Theo báo BR-VT)