LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Đưa Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng vào cuộc sống: Hiệu quả phụ thuộc vào ý thức của người tiêu dùng

Đưa Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng vào cuộc sống:

Hiệu quả phụ thuộc vào ý thức của người tiêu dùng

 

Với nhiều quy định mới, Luật BVQLNTD hy vọng sẽ là lá chắn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng không bị xâm hại. Ảnh: Thu Thảo

Từ ngày 1-7, Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng (BVQLNTD) chính thức có hiệu lực. Trao đổi với báo BR-VT, ông Huỳnh Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở Công thương, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, cho rằng:

 

Với nhiều quy định mới nhằm chống lại các hành vi gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… Luật BVQLNTD hi vọng sẽ bảo đảm tối đa quyền lợi người tiêu dùng. Luật cụ thể hóa trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Trong đó thể hiện ở việc người tiêu dùng có 8 quyền lợi được pháp luật bảo vệ: người kinh doanh phải cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ tùng thay thế của loại hàng hóa thiết bị khi hỏng hóc để người tiêu dùng cân nhắc trước khi mua; hợp đồng cung cấp dịch vụ với người tiêu dùng phải rõ ràng, minh bạch, trong trường hợp có cách hiểu khác nhau giữa hai bên thì cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ ưu tiên theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

 

Luật BVQLNTD cũng quy định Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho quyền lợi của người tiêu dùng khiếu kiện lên các cơ quan có trách nhiệm trước những vụ việc vi phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền của người tiêu dùng. Hội cũng là cơ quan có quyền thực hiện những nhiệm vụ của nhà nước giao. Hiểu cụ thể ở đây là Hội có thể độc lập đi kiểm tra hoặc tham gia vào các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra việc thực hiện các trách nhiệm của doanh nghiệp đối với sản phẩm, chất lượng hàng hóa khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Điều này khi đi vào thực tế sẽ vô cùng thuận lợi, một phần nó giảm được tài chính công, một phần quyền lực của người tiêu dùng mà Hội là đại diện được thực tế hóa dưới hình thức Hội sẽ trực tiếp giám sát doanh nghiệp, vai trò của Hội từ đó cũng được thể hiện rõ hơn.

 

Lâu nay, người tiêu dùng rất ngại khiếu kiện khi mua phải các sản phẩm “dỏm”, mua rồi không được trả lại dù chất lượng kém… Luật BVQLNTD có quy định như thế nào để bảo vệ người tiêu dùng trong những trường hợp như thế, thưa ông?

 

Luật quy định rõ có 4 hình thức xử lý tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bao gồm: thương lượng; hòa giải; trọng tài; tòa án. Riêng hình thức thương lượng đã quy định rõ nhà kinh doanh phải trả lời trong thời hạn không quá 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thương lượng của người tiêu dùng. Người tiêu dùng được ủy quyền cho tổ chức xã hội đại diện khởi kiện ra tòa sẽ không phải nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án. Và quan trọng hơn, tại tòa án, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ phải chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng.

 

Có thực tế là hiện nay chính người tiêu dùng cũng chưa hiểu về quyền và lợi ích từ quy định pháp luật, đặc biệt là với Luật mới như Luật BVQLNTD. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc đưa Luật vào cuộc sống?

 

Hiện nay, người tiêu dùng chưa thực sự hiểu hết quyền lợi mà pháp luật mang lại cho họ. Người tiêu dùng cũng chưa có ý thức khiếu kiện khi mua phải hàng hóa kém chất lượng. Vì thế cần phải tích cực tuyên truyền thông tin về pháp luật bảo vệ người tiêu dùng hơn nữa để chính bản thân người dân tự ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình và tự bảo vệ được mình khi bị xâm phạm về quyền lợi. Đồng thời, khi phát hiện vi phạm (bất kể đó là hàng hòa có giá trị lớn hay nhỏ) người tiêu dùng cần phản ánh lên cơ quan có trách nhiệm như: Ban Quản lý chợ, chi cục quản lý thị trường, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…để kịp thời giải quyết. Ngoài ra cần phải chú ý đến các thông tin ghi trên hàng hóa, giá cả khi lựa chọn mua hay không mua một sản phẩm nào đó để tránh bị thiệt hại.

 

Xin cảm ơn ông!