LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Tìm hướng phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ

Tìm hướng phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ

 

Nhiều nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh là điều kiện thuận lợi về nguyên liệu phục vụ cho việc chế tạo các thiết bị điện - điện tử, xe ô tô, xe máy. Ảnh: Lam Phương

Phát triển công nghệ hỗ trợ đòi hỏi phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng nguồn lao động. Ảnh: Thu Thảo

Sản xuất ren ống phục vụ cho công nghiệp dầu khí tại Công ty Vietubes - KCN Đông Xuyên. Ảnh: Trúc Giang

Ngày 18 -10, Sở Công thương phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp - Bộ Công thương - tổ chức hội thảo “Công nghiệp hỗ trợ - sự phát triển bền vững cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu”. Ông Nguyễn Tuấn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đến dự.

 

Tại cuộc hội thảo, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp nêu rõ vai trò quan trọng, cốt yếu của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) như tạo nền tảng cho toàn bộ nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp, hạn chế nhập siêu… Phát triển CNHT là điều kiện để gia nhập chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và phát triển hệ thống doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ.

 

Hiện tại, ngành CNHT của Việt Nam nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng còn yếu kém. Đến nay các doanh nghiệp lắp ráp ôtô của Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, hơn 80% linh kiện phải nhập khẩu từ nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước chỉ thực hiện những khâu cuối của quá trình lắp ráp là hàn, sơn, kiểm định…

 

Theo Tiến sĩ Phan Đăng Tuất, Bà Rịa - Vũng Tàu cần quy hoạch các ngành CNHT gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh. Phát triển CNHT để làm nền tảng cho các ngành công nghiệp, đồng thời xây dựng CNHT của tỉnh thành một mắt xích trong mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia và của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước và khu vực. Để phát triển CNHT, tỉnh cần huy động tối đa năng lực của các thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia và hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong giai đoạn đầu, tỉnh cần tập trung vào hệ thống doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tiếp theo là hệ thống doanh nghiệp địa phương. Tiến sĩ Phan Đăng Tuất cũng lưu ý, các ngành CNHT của tỉnh cần liên kết chặt chẽ theo các khu vực tập trung, trong các cụm liên kết ngành, các khu CNHT chuyên dụng. Trên cơ sở đó hình thành hệ thống các dịch vụ hỗ trợ đặc thù và chuyên biệt phục vụ cho phát triển CNHT.

 

Cũng theo Tiến sĩ Phan Đăng Tuất, với lợi thế và tiềm năng vốn có, trước mắt Bà Rịa - Vũng Tàu nên tập trung cho các nhóm sản phẩm thuộc ngành CNHT như: Cơ khí chế tạo sản phẩm tiêu dùng (ôtô, xe máy…), phục vụ khai thác và chế biến dầu khí, phục vụ công nghiệp tàu thủy; Nhựa và cao su cho các ngành công nghiệp chế tạo sản phẩm tiêu dùng (ôtô, xe máy…); Hóa chất chuyên dụng cho các ngành công nghiệp; Thiết bị điện - điện tử chuyên dùng cho công nghiệp đóng tàu, khai thác và chế biến dầu khí, thiết bị hàng hải, y tế…

 

“Thực tế, phát triển CNHT không chỉ cần yếu tố công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn vốn, mà còn cần phải có sự quy hoạch đồng bộ, thống nhất, sự liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp và sự quan tâm sâu sắc của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian tới, Bà Rịa - Vũng Tàu cần có chính sách ưu tiên cho một vài ngành công nghiệp chế tạo như cơ khí và hóa chất (nhựa/cao su). Đồng thời, phát triển hệ thống doanh nghiệp, đào tạo nhân lực cho sản xuất CNHT” - Tiến sĩ Phan Đăng Tuất nói.

ÔNG TRẦN MINH SANH, CHỦ TỊCH UBND TỈNH: CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ SẼ GÓP PHẦN CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU LAO ĐỘNGHiện nay, cơ cấu kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển dịch đúng với định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm khoảng 60%, dịch vụ là 35% và nông nghiệp 5%. Tuy nhiên, có một nghịch lý ở đây là, ngành nông nghiệp chỉ đóng góp 5% GDP trong cơ cấu kinh tế nhưng lại chiếm tới 55% trong cơ cấu lao động của tỉnh. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp của tỉnh chỉ mới dừng lại ở chỗ chủ yếu là khai khác tài nguyên dầu khí và công nghiệp lắp ráp; các doanh nghiệp trong tỉnh chưa thể tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu, chưa đóng góp nhiều cho quá trình hội nhập kinh tế thế giới… Vì vậy, việc phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần thay đổi cơ cấu lao động hiện nay, đồng thời sẽ giúp tạo ra những giá trị công nghiệp mới.

 

BÀ RỊA - VŨNG TÀU HỘI ĐỦ CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÁT TRIỂN MẠNH CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢTheo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển CNHT. Các yếu tố đó bao gồm: Hệ thống giao thông đường bộ và hệ thống cảng biển, cảng nước sâu ngày càng phát triển, hoàn thiện cùng với các ngành công nghiệp đã phát triển tương đối ổn định trong 20 năm qua; Tốc độ tăng trưởng GDP cao, (giai đoạn 2006-2010 là 17,78%, riêng trong năm 2010 là 15,4%, dự báo giai đoạn 2011-2015 sẽ là 14%/năm); Cơ cấu kinh tế tiếp tục phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm nông lâm nghiệp và thủy sản; Hiện nay, trên bàn tỉnh có 14 KCN với tổng diện tích hơn 8.800 ha, trong đó 4 KCN đã lấp đầy, 7 KCN đã có hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng tiếp nhận các nhà đầu tư và 3 KCN chuẩn bị đầu tư hạ tầng. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 37,28% với tổng diện tích đất cho thuê 2.247ha. Đa số các KCN tập trung trên địa bàn huyện Tân Thành, gần hệ thống cảng Thị Vải - Cái Mép và quốc lộ 51, rất thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, đặc biệt hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh có thể đón tàu có trọng tải từ 100.000-200.000 tấn.