Vì sao các vụ ngừng việc tập thể gia tăng?
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu xảy ra trên dưới 10 cuộc ngừng việc tập thể tại một số doanh nghiệp. Các cuộc ngừng việc tập thể chủ yếu là tự phát, không xuất phát từ kết quả thương lượng không thành, không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật, tập trung vào những thời điểm giá tiêu dùng tăng cao, hoặc trước và sau khi điều chỉnh lương cơ bản.
Công nhân Công ty TNHH Tùng Sơn (huyện Châu Đức) ngừng việc vì lương thấp, không bảo đảm đời sống
LỢI ÍCH BỊ VI PHẠM
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hầu hết các cuộc ngừng việc tập thể đều xuất phát từ tranh chấp về quyền và lợi ích của người lao động; do người sử dụng lao động vi phạm các quy định về pháp luật lao động. Mới đây, gần 200 công nhân lao động thuộc công ty TNHH Một thành viên An Thành, khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 (huyện Tân Thành), chuyên sản xuất giày đã ngừng việc tập thể, phản đối việc công ty cắt các khoản tiền phụ cấp sau khi điều chỉnh lương tối thiểu. Một công nhân lao động của công ty này cho biết, từ 1-10, công ty đã điều chỉnh lương tối thiểu theo Nghị định 70 /2011/NĐ-CP. Tuy nhiên, đồng thời với việc điều chỉnh lương, công ty lại cắt các khoản phụ cấp như tiền chuyên cần, tiền xe, nhà ở…
Ông Nguyễn Đức Ý, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp cho biết, việc công ty An Thành cắt các khoản phụ cấp sau khi điều chỉnh lương là sai quy định của Luật Lao động. Theo Nghị định 70 và Thông tư 23 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khi áp dụng các quy định về mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặt cắt giảm các chế độ tiền lương, phụ cấp, chế độ độc hại… Ông Ý cũng cho biết thêm, trước sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng, đại diện doanh nghiệp đã hứa sẽ khôi phục các khoản phụ cấp, riêng tiền chuyên cần, đơn vị sẽ tính toán và trả theo hình thức xếp loại A, B, C.
Trước đó, vụ ngừng việc tập thể tại công ty TNHH Tùng Sơn, xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) có 200 công nhân lao động tham gia (từ 10-10 đến 14-10). Theo chị Đoàn Thị Ngoan (công nhân làm việc ở tổ 4) thì tổng thu nhập sau khi công ty điều chỉnh lương cơ bản của công nhân là 2,091 triệu đồng, mức thu nhập này là quá thấp, không đủ bảo đảm cuộc sống. Ngoài ra, việc công ty ra thông báo cuối năm tăng lương theo xếp loại A, B, C cũng không nhận được sự ủng hộ của công nhân lao động. Chỉ đến khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như Liên đoàn Lao động, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện thì công ty mới điều chỉnh tăng tiền cơm từ 11.000 đồng lên 12.000 đồng/bữa; cộng thêm 30 ngàn đồng/tháng tiền xe và 30 ngàn đồng/tháng tiền chuyên cần. Sau 5 ngày ngừng việc tập thể, công nhân công ty TNHH Tùng Sơn đã trở lại làm việc khi được giải quyết các quyền lợi này.
Một lao động công ty TNHH Tùng Sơn cho biết, khi có tranh chấp lao động xảy ra, công đoàn cơ sở đứng ngoài cuộc. Thậm chí họ không biết ai là Chủ tịch công đoàn cơ sở, vì chức danh này do chủ doanh nghiệp cử ra. Còn tại công ty TNHH Một thành viên An Thành lại không thành lập được công đoàn cơ sở. Theo ông Nguyễn Trung Ngạn, Phó ban Chính sách Liên đoàn Lao động tỉnh, nhiều lần công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh xuống vận động thành lập công đoàn cơ sở, nhưng chủ doanh nghiệp vẫn không đồng ý. Chính vì vậy, khi tranh chấp lao động xảy ra, người lao động không biết “kêu ai”, dẫn đến ngừng việc tập thể sai luật.
ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?
Theo phân tích của các cơ quan chức năng, có 5 nguyên nhân chính dẫn đến ngừng việc tập thể. Thứ nhất về kinh tế, các công ty nợ lương, chậm trả lương (có doanh nghiệp chậm trả lương từ 2 đến 3 tháng) dẫn đến người lao động không có tiền để bảo đảm cuộc sống, nhất là lao động ngoại tỉnh, hàng tháng phải trả tiền điện, nước, tiền thuê phòng trọ… Người sử dụng lao động vi phạm các cam kết với người lao động, chưa xây dựng thang bảng lương; không thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Thứ hai là do điều kiện lao động, chế độ bảo hộ lao động không bảo đảm. Thứ ba xuất phát từ nguyên nhân về kỷ luật, sa thải người lao động trái quy định pháp luật. Nhiều doanh nghiệp dùng hình thức phạt phơi nắng, quản lý lao động hà khắc, cúp lương. Thứ tư là vi phạm về nhân phẩm và quyền công đoàn. Thứ năm là do một số người giúp việc, trợ lý của người sử dụng lao động hiểu biết pháp luật không đúng, tổng hợp văn bản dưới luật không đầy đủ, không tham mưu đúng cho người sử dụng lao động. Còn về phía người lao động, do một bộ phận công nhân lao động trẻ, xuất thân từ nông thôn, nhận thức pháp luật còn hạn chế, trình tự thủ tục ngừng việc tập thể chưa hiểu đúng. Một số lao động cần việc làm nên không đòi hỏi việc ký hợp đồng lao động và chế độ đúng hay không. Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát về pháp luật lao động chưa thực hiện đúng; cán bộ công đoàn là người làm công ăn lương, bị sức ép rất lớn về hành chính, thu nhập, việc làm; chế định pháp luật chưa bảo đảm hữu hiệu việc bảo vệ cán bộ công đoàn…
Thực tế cho thấy, nơi nào doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi cho người lao động thì nơi đó quan hệ lao động ổn định. Với những doanh nghiệp không ký kết thỏa ước lao động tập thể hoặc chỉ làm chiếu lệ, khi xảy ra tranh chấp về lợi ích, quá trình thương lượng thường kéo dài, doanh nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tranh chấp. Ông Đoàn Hữu Mai, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Trong số các vụ ngừng việc tập thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là đòi tăng lương tối thiểu, nâng lương hàng năm, tiền thâm niên, nhà ở, phụ cấp, chuyên cần… Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp và người sử dụng lao động có thể thương lượng, đưa vào thỏa ước lao động tập thể, bởi nó liên quan mật thiết đến đời sống người lao động.
Theo báo BRVT
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2011, cả nước xảy ra hơn 700 vụ ngừng việc tập thể, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do tiền lương quá thấp. 80% các vụ ngừng việc tập thể xảy ra tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số còn lại xảy ra tại các doanh nghiệp tư nhân.
BÀ VŨ THỊ LOAN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH XÃ HỘI: XỬ LÝ NGHIÊM NHỮNG ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN VI PHẠM PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG
Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật tại các doanh nghiệp, tăng cường sự phối hợp của các ngành, các cấp trong công tác tuyên truyền cho cả người lao động và người sử dụng lao động; nắm bắt thông tin nhanh chóng qua đường dây nóng của Đoàn công tác giải quyết tranh chấp lao động… Tuy nhiên, để hạn chế tranh chấp lao động UBND tỉnh cần tăng thêm chỉ tiêu biên chế cho thanh tra lao động; xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật lao động. Các ban, ngành, đặc biệt là Giám đốc các doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm chỉnh chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý và chấp hành pháp luật lao động.