Phát triển công nghiệp hỗ trợ:
Cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Thu hút đầu tư từ Nhật Bản là trong những yếu tố quan trọng để phát triển CNHT ở BR-VT. Trong ảnh: Công nhân Công ty Thép Niippon Steel Việt Nam (một dự án sản xuất thép lớn của nhà đầu tư Nhật Bản tại BR-VT) đang tham gia sản xuất. Đào tạo đội ngũ lao động trình độ cao là một yêu cầu cấp bách trong giai đoạn sắp tới. Trong ảnh: Đoàn doanh nghiệp tỉnh Kawasaki (Nhật Bản) thăm trường Cao đẳng Nghề của tỉnh tại huyện Đất Đỏ.
Ngành công nghiệp hỗ trợ là ngành đòi hỏi đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật cao, nhưng lượng vốn đầu tư, diện tích mặt bằng và số lượng lao động không nhiều nên đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn được xem là “con nhà nghèo” tham gia vào lĩnh vực mới mẻ này.
Ông Trần Xuân Trung, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh cho biết: Để phát triển một cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT), không cần vốn đầu tư lớn, thường chỉ khoảng 1 – 1,5 triệu USD, diện tích mặt bằng từ 1.000 – 3.000m2 đã có thể xây dựng được một phân xưởng sản xuất, số lượng lao động cũng không cần nhiều, chỉ khoảng 20 – 30 lao động là đủ để làm ra một lượng sản phẩm lớn, cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế. Đây là điều kiện rất phù hợp với quy mô sản xuất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Bên cạnh đó, CNHT là một lĩnh vực mới mẻ đối với các doanh nghiệp trong nước, do đó sẽ có có nhiều cơ hội, nhất là đối với các DNVVN.
Thực tế, tại tỉnh Kawasaki - một trong những trung tâm CNHT điển hình của Nhật Bản, có một hệ thống các DNVVN tham gia sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các nhà máy lớn. Và chính hệ thống các DNVVN này đã tạo nên những cụm và trung tâm CNHT chuyên biệt, có tiềm năng sáng tạo mạnh mẽ của Nhật Bản.
Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ Phan Đăng Tuất, Viện trưởng viện Nghiên cứu chính sách phát triển cho biết, để phát triển công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp, hạn chế nhập siêu và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì cần phải thu hút được các thành phần kinh tế, nhất là sự tham gia tích cực của các DNVVN. Trong đó, ưu tiên khuyến khích các DNVVN đầu tư vào CNHT với những ngành quan trọng mà tỉnh chú trọng phát triển sản xuất như công nghiệp cơ khí, điện tử tin học, công nghiệp hóa dầu… Tuy nhiên, ông Phan Đăng Tuất cũng cho biết, CNHT “kỹ tính” hơn các ngành công nghiệp khai thác và lắp ráp. Công nghiệp khai thác chỉ cần lao động phổ thông đã đủ, công nghiệp lắp ráp thì chỉ đào tạo trình độ sơ cấp cho người lao động là đã có thể đảm nhiệm được công việc. Nhưng CNHT là ngành kết tinh của sự sáng tạo, sự khéo léo ở trình độ cao với công nghệ tối tân để làm ra sản phẩm, đòi hỏi lao động trình độ kỹ thuật cao, phải được đào tạo chuyên sâu và nghiêm túc.
Để sản xuất các sản phẩm linh kiện, phụ tùng đạt yêu cầu thì các doanh nghiệp phải nhập khẩu các loại máy móc sản xuất theo tiêu chuẩn, có đội ngũ lao động kỹ thuật lành nghề, đủ khả năng để vận hành các thiết bị máy móc đó. Đây cũng chính là một trở ngại lớn đối với các DNVVN, do giá nhập thiết bị sản xuất luôn ở mức cao, việc đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao cũng cần nhiều yếu tố, trong đó, sự quan tâm hỗ trợ từ phía Nhà nước, từ lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành đóng vai trò hết sức quan trọng.
Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các DNVVN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này có thể tiếp cận được nguồn vốn đầu tư phát triển CNHT. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ thành lập quỹ phát triển CNHT để thực hiện chính sách ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất CNHT. Mặt khác, kết nối các chính sách hỗ trợ cho DNVVN để nâng cao kinh nghiệm và năng lực tổ chức sản xuất của doanh nghiệp này.
Theo ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Dầu khí miền Nam (Alpha EEC), một số nội dung văn bản Luật đấu thầu hiện tại cũng đang là một rào cản lớn đối với các DNVVN trong nước. Vì vậy, Nhà nước cần điều chỉnh các quy định của Luật đấu thầu hiện nay để hỗ trợ tích cực cho các DNVVN trong nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực CNHT.
Bài, ảnh: Trúc Giang
“Để có được những chính sách khả thi đòi hỏi phải có sự thay đổi trong nhận thức của các ngành, các cấp về vai trò, tính chất của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nền kinh tế; phải “nhận diện” công nghiệp vừa và nhỏ một cách cụ thể, rõ ràng và đầy đủ. Trong đó, cơ quan quản lý phải đóng vai trò trung gian kết nối nhu cầu của các nhà sản xuất với nhau, Nhà nước cần tích cực đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.”
(Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương)