Ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ
Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là cơ hội để Bà Rịa – Vũng Tàu thu hút đầu tư từ nước ngoài. Tuy nhiên các doanh nghiệp FDI lại luôn đòi hỏi phải có lực lượng lao động có trình độ tay nghề và kỹ thuật cao. Vì vậy, để phát triển CNHT trong thời gian tới, Bà Rịa – Vũng Tàu cần ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó chú trọng đào tạo tiếng Nhật để đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đến chất lượng nguồn lao động. Trong ảnh: Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản tham quan trường Cao đẳng nghề tỉnh.
Ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để phát triển CNHT, Bà Rịa – Vũng Tàu phải kêu gọi thu hút đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực CNHT chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ ít sử dụng tiếng Anh. Vì vậy, khi hợp tác, làm việc với họ, đội ngũ lao động phải biết tiếng Nhật. “Đối với đội ngũ lao động có tay nghề và kỹ thuật cao cho các ngành công nghiệp chế tạo, không chỉ yêu cầu phải biết tiếng Nhật mà còn phải hiểu về văn hóa và phong cách làm việc của người Nhật” - ông Hồ Văn Niên nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Sở Công thương, trong năm 2011, tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 25.500 lao động, nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lên 58%. Như vậy, Bà Rịa – Vũng Tàu có một nguồn lực lao động khá lớn để phục vụ cho phát triển công nghiệp trong tương lai. Thực tế hiện nay, theo nhận định chung, nguồn nhân lực Bà Rịa – Vũng Tàu đang còn thiếu lao động có tay nghề và kỹ thuật cao, đặc biệt rất thiếu nguồn lao động biết ngoại ngữ, nhất là tiếng Nhật. “Đây là một hạn chế lớn của lực lượng lao động trong tỉnh, cần được sớm khắc phục để hoàn thiện nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản” - bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương cho biết.
Bà Trần Thị Hường cũng cho biết thêm: Trong giai đoạn 2011 – 2020, chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh sẽ hướng tới các doanh nghiệp sản xuất CNHT, nhất là các ngành cơ khí và điện – điện tử. Tỉnh sẽ dành riêng một khoản ngân sách để xây dựng chương trình trọng điểm phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất công nghiệp; Đổi mới chương trình đào tạo, máy móc trang thiết bị đào tạo nghề, chia sẻ thông tin, việc làm… Trong đó tập trung đổi mới hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo nghề để phù hợp với từng giai đoạn phát triển của ngành CNHT, chú trọng các nghề điều khiển học và gia công chính xác, kỹ thuật điện, cơ khí chế tạo… Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho các trường công nhân kỹ thuật, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, mặt bằng, cơ sở hạ tầng và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước mở các trường dạy nghề, trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Các trường dạy nghề này cần tạo mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo của Nhật Bản và xây dựng các chương trình đào tạo tiếng Nhật. Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn theo kỹ năng với các lĩnh vực của doanh nghiệp như: Quản lý doanh nghiệp, quản lý sản xuất, tài chính, đặc biệt là các hệ thống sản xuất.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG
Nhằm để tăng cường lực lượng lao động biết tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giáo dục – Đào tạo chú trọng xây dựng chương trình đào tạo ngoại ngữ tiếng Nhật, để tiếng Nhật trở thành ngoại ngữ quan trọng thứ hai sau tiếng Anh trong các chương trình dạy học của hệ thống giáo dục trên bàn tỉnh.
(Ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh)
Nguồn báo BRVT