Diễn đàn HNKTQT Việt Nam 2017 với chủ đề "Tăng cường động lực cho giai đoạn phát triển mới" được tổ chức vào ngày 20/12/2017 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội). Diễn đàn có sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế (HNQT); Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành HNKTQT và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành HNQT về kinh tế. Diễn đàn còn có sự tham dự của các đại biểu trong nước và quốc tế, gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành, UBND các địa phương; đại sứ, tham tán thương mại của các quốc gia tại Việt Nam; lãnh đạo các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức hiệp hội, ngành hàng; các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam, v.v...
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả HNKTQT của đất nước, đặc biệt là sau khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO, nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng và đầy đủ hơn. Trong tiến trình hội nhập, Đảng và Chính phủ luôn có những chỉ đạo kịp thời để các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đông đảo tầng lớp nhân dân nắm rõ đường lối và các giải pháp để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, thực thi hiệu quả các cam kết HNKTQT. Nhiều Nghị quyết của Đảng đã được ban hành làm kim chỉ nam cho tiến trình hội nhập. Với quyết tâm của Đảng và Chính phủ cùng sự đồng thuận của tầng lớp nhân dân, thời gian qua HNKTQT đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, làm tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia; tạo điều kiện để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển kinh tế và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình này cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, nhất là sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương còn thể hiện một số bất cập đã phần nào giảm hiệu quả của những chủ trương, chính sách, chương trình hành động về HNKTQT.
Diễn đàn tổ chức 03 phiên thảo luận với các chủ đề lần lượt là: Tổng quan tiến trình HNKTQT của Việt Nam: Hành trình vươn ra biển lớn; Việt Nam trước những xu thế mới trong kinh tế và thương mại quốc tế; Nâng cao hiệu quả HNKTQT trong bối cảnh hiện nay. Các phiên thảo luận có sự tham luận của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; chuyên gia kinh tế của WB và đại sứ các nước tại Việt Nam; chuyên gia kinh tế, lãnh đạo hiệp doanh nghiệp và doanh nghiệp trong nước. Các đại biểu tham luận đều đánh giá cao những kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng cũng thẳng thắn đưa ra những tồn tại hạn chế cần khắc phục, từ đó đề xuất những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Mở đầu phiên thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam dưới tác động của HNKTQT từ sau khi gia nhập WTO. Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết và thực hiện 16 FTA song phương, đa phương và nhiều bên với 58 đối tác. Dưới tác động của quá trình thực thi cam kết WTO cũng như đàm phán thực hiện các FTA thế hệ mới, thể chế kinh tế đã ngày càng được hoàn thiện hơn, kinh tế - xã hội đạt được những kết quả khả quan. Giai đoạn 2007 - 2017, tốc độ tăng xuất khẩu bình quân ước đạt 16,6%/năm, riêng trong 11 tháng đầu năm 2017 đạt tăng trưởng xuất khẩu đến 21,5%, kim ngạch xuất khẩu đã bằng 4 lần so với năm 2007; tốc độ nhập khẩu trung bình đạt 15,1%/năm, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2000 – 2006; tỷ lệ nhập siêu so với GDP giảm liên tục từ mức 20% trong các năm 2007 – 2008, xuống còn 8,2% năm 2011, sau đó chuyển sang thặng dư trong khoảng từ 0,1 – 1,2% GDP trong các năm 2012 – 2017; độ mở thương mại năm 2016 xấp xỉ 171%, cao hơn so với mức trước khủng hoảng tài chính thế giới. Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Năm tăng mạnh kể từ năm 2007. Giai đoạn từ đầu năm 2007 đến tháng 11/2007 có hơn 18 nghìn dự án được cấp phép mới, tương đương 2,2 lần số dự án trong cả giai đoạn 1988 – 2006, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm từ năm 2007 đến nay đạt 296,4 tỷ USD, bằng 3,8 lần so với giai đoạn trước WTO. Trình độ, kỹ năng của nguồn nhân lực có những bước tiến đáng kể từ năm 2007, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 34,75% năm 2007 lên 49% cuối năm 2014. Việc thực hiện chính sách xã hội đạt được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG). Tuy vậy, quá trình HNKTQT cũng cho thấy một số tồn tại, cụ thể là: (1) mặc dù đã ban hành Chiến lược tổng thể về HNQT nhưng việc triển khai thực hiện trong thực tế còn một số bất cập; (2) cải cách trong nước, nhất là về thể chế, vẫn chưa đáp ứng và theo kịp các yêu cầu của việc thực thi cam kết HNKTQT; (3) khả năng nhận định, đánh giá và dự báo về xu thế, diễn tiến HNKTQT chưa cao. Để tiến trình HNKTQT phát huy hiệu quả hơn nữa, Bộ trưởng kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương cần: (1) tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện luật pháp trực tiếp liên quan đến HNKTQT, nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (2) tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả các Chương trình hành động về HNKTQT; (3) tăng cường sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương; (4) tăng cường sự gắn kết, phối hợp giữa HNKTQT và hội nhập trong các lĩnh vực khác; (5) tiếp tục phổ biến thông tin về HNKTQT và hướng dẫn thực thi các cam kết hội nhập cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cáo những thành tựu đã đạt được trong tiến trình HNKTQT của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Để HNKTQT thực sự là "động lực cho giai đoạn phát triển mới", Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), coi HNKTQT là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trong quá trình xây dựng và triển khai Chương trình hành động về HNKTQT cụ thể tại các Bộ, ngành, địa phương, cần chú ý gắn việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế với quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế luật pháp, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng các chính sách, cơ chế phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước; Ban Chỉ đạo liên ngành HNQT về kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam sẽ tập trung phát huy nội lực nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội của HNQT và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tranh thủ hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thủ tướng Chính phủ đề nghị tất cả Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân nỗ lực và quyết tâm cao; các đối tác, bạn bè quốc tế tiếp tục ủng hộ, hợp tác để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, vững vàng tiến lên trong giai đoạn phát triển mới. Phải xác định sản phẩm cạnh tranh theo lợi thế của địa phương để phát huy tính chủ động gia nhập; Cải cách kinh tế từ việc tổ chức lại cơ cấu kinh tế, chú ý ATVSTP, xây dựng thương hiệu sản phẩm; Phải xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt và doanh nghiệp tư nhân có vị trí quan trọng cần quan tâm để phát triển , cần thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu các nội dung của Hiệp định để phát triển doanh nghiệp của mình.
Thanh Huyền-P.QLTM