Ngày 30 tháng 10 năm 2018, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 38/2018/TT-BCT quy định thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14 tháng 12 năm 2018.
Các nội dung cơ bản của Thông tư quy định
Điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan
Thương nhân muốn được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ thì phải đăng ký mã số REX và phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ theo quy định GSP. Thương nhân thực hiện REX trên bất kỳ chứng từ thương mại nào xuất trình cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu.
Riêng đối với lô hàng xuất khẩu theo GSP có tổng trị giá không vượt quá 6.000 EUR (tính theo giá xuất xưởng) thì thương nhân được chứng nhận xuất xứ cho lô hàng đó mà không phải đăng ký mã số REX.
Đăng ký mã số REX
Hồ sơ thương nhân để đăng ký mã số REX thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và theo hướng dẫn của tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX.
Đối với thương nhân sẽ đăng ký mã số REX tại cùng tổ chức đã đăng ký hồ sơ thương nhân, thì thương nhân không phải nộp lại hồ sơ thương nhân.
Trong vòng 06 tháng kể từ ngày 14 tháng 12 năm 2018, tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX công bố địa chỉ trang điện tử để thương nhân lựa chọn đăng ký mã số REX theo hình thức trực tuyến hoặc gửi hồ sơ đăng ký về tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX. Sau thời điểm này, việc đăng ký mã số REX được thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến.
Thương nhân nhận ủy thác thực hiện việc xuất khẩu hàng hóa cho thương nhân khác sang Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không được sử dụng mã số REX của mình để phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ theo GSP cho hàng hóa xuất khẩu của thương nhân ủy thác.
Phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP do thương nhân phát hành cho từng lô hàng và có giá trị hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành. Trong trường hợp không được phát hành tại thời điểm xuất khẩu, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP được phép phát hành sau và phải được nộp cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu trong vòng 2 năm kể từ ngày nhập khẩu. Thương nhân có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ lô hàng xuất khẩu được chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP tối thiểu 5 năm kể từ ngày kết thúc của năm phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP.
Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP được miễn khi hàng hóa đóng gói nhỏ có tổng trị giá không vượt quá 500 (năm trăm) EUR hoặc hàng hóa là hành lý cá nhân có tổng trị giá không vượt quá 1.200 (một nghìn hai trăm) EUR. Các hàng hóa này không được nhập khẩu với mục đích thương mại, chỉ với mục đích sử dụng cá nhân và việc nhập khẩu diễn ra không thường xuyên.
Chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Thương nhân chưa có mã số REX vẫn được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu A cho hàng hóa xuất khẩu đi Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian chuyển tiếp theo quy định của Ủy ban châu Âu.
Thu hồi mã số REX
Thương nhân bị thu hồi mã số REX khi thuộc một trong các trường hợp sau: (1) Đã giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật; (2) Thông báo không tiếp tục xuất khẩu hàng hóa để được hưởng GSP; (3) Không đáp ứng quy định GSP; (4) Khai báo xuất xứ hàng hóa không chính xác; (5) Giả mạo chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa; (6) Không cập nhật thông tin theo quy định; (7) Tái phạm việc không khai báo đầy đủ các thông tin theo quy định hoặc không đăng tải chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu theo quy định sau khi được tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX nhắc nhở bằng văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương; (8) Vi phạm quy định khác hoặc gian lận về xuất xứ hàng hóa.
Việc thu hồi mã số REX do tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX thực hiện. Tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX lưu trữ thông tin thu hồi mã số REX trong vòng 10 năm kể từ ngày kết thúc của năm thu hồi mã số REX.
Trường hợp mã số REX bị thu hồi không đúng quy định, tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX thông báo cho thương nhân việc được tiếp tục sử dụng mã số REX ban đầu và được phép phát hành sau chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với lô hàng xuất khẩu đi Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian bị thu hồi mã số REX.
Cấp lại mã số REX
Thương nhân vi phạm quy định thuộc các trường hợp từ (3) đến (7) nêu trên, thì chỉ được xem xét cấp lại mã số REX mới tối thiểu sau 30 ngày kể từ ngày bị thu hồi. Thương nhân vi phạm quy định thuộc trường hợp (8) nêu trên, thì chỉ được xem xét cấp lại mã số REX mới tối thiểu sau 180 ngày kể từ ngày bị thu hồi. Việc đăng ký lại mã số REX cho những trường hợp này chỉ được thực hiện sau khi thương nhân khắc phục và gửi văn bản cam kết không tái phạm về tổ chức tiếp nhận đăng ký mã số REX. Thương nhân sử dụng mã số REX mới để chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu đi Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, không được phép phát hành sau chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với lô hàng xuất khẩu trong thời gian bị thu hồi mã số REX.
Như vậy, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, cơ chế REX sẽ thay thế hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu A hiện nay. Cơ chế REX giúp thương nhân tiết kiệm chi phí, đồng thời đề cao trách nhiệm đối với hàng hóa xuất khẩu và tạo thuận lợi thương mại cho việc xuất khẩu sang thị trường Châu Âu./.
Đoan Thùy – P.KHTCTH