LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Lợi ích của ứng dụng thương mại điện tử

Theo Tổ chức thương mại thế giới WTO, “Thương mại điện tử là việc sản xuất, tiếp thị, bán hoặc phân phối sản phẩm hàng hóa và dịch vụ thông qua các phương tiện điện tử”. Tại Việt Nam, ngày 16 tháng 5 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, trong Nghị định này, thương mại điện tử được hiểu như sau “Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”.

Lợi ích của thương mại điện tử

Đối với doanh nghiệp, lợi ích lớn nhất mà thương mại điện tử đem lại chính là sự tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch. Với thương mại điện tử, các bên có thể tiến hành giao dịch khi ở cách xa nhau, giữa thành phố với nông thôn, từ nước này sang nước kia hay nói cách khác là không bị giới hạn bởi không gian địa lý. Điều này cho phép các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, giao dịch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, tìm kiếm, liên lạc với đối tác và khách hàng ở bất kỳ đâu với chi phí thấp hơn so với phương thức tiếp cận thị trường truyền thống.

Đối với người tiêu dùng, thương mại điện tử mở rộng khả năng lựa chọn hàng hóa, dịch vụ và nhà cung cấp. Do có nhiều lựa chọn nên khách hàng dễ dàng tìm được sản phẩm có chất lượng cao hoặc giá thấp. Ngoài ra, môi trường có tính kết nối cao của thương mại điện tử cho phép người tham gia có thể phối hợp, chia sẽ thông tin và kinh nghiệm mua bán hàng hóa một cách hiệu quả, nhanh chóng.

Đối với xã hội, thương mại điện tử tạo ra một phương thức kinh doanh, làm việc mới phù hợp với cuộc sống công nghiệp, hiện đại.

Thách thức trong ứng dụng thương mại điện tử

Thương mại điện tử là một loại hình hoạt động xã hội mới, gắn liền với hạ tầng công nghệ, do vậy cần có khung pháp lý điều chỉnh thích hợp. Việc tăng cường ứng dụng thương mại điện tử đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu, nhân sự, quy trình làm việc, cũng là một thách thức đối với nhà quản lý. Việc mở rộng các mối quan hệ qua mạng cũng tiềm ẩn những phức tạp, rủi to cần được xử lý nhanh nhạy.

Vì vậy, việc ứng dụng thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ khắc phục những điểm yếu kém lợi thế, đồng thời tạo ra động lực cải cách mạnh mẽ cho các cơ quan quản lý nhà nước nhằm theo kịp nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Các doanh nghiệp Việt Nam mà đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần nhanh chóng thay đổi công nghệ hiện đại, phương thức sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong thời đại của kỷ nguyên số thì dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều phải tham gia vào cuộc chơi chung và đây sẽ là công cụ quyết định trong cuộc chiến giành thị phần trên thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới.

Anh Thư - VPS