1. Kết quả hoạt động công thương Quý I năm 2013:
Quý I/2014, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp khó khăn, thị trường đầu ra vẫn trầm lắng, sản phẩm tiêu thụ chậm, sức mua không tăng...dẫn đến các chỉ tiêu chủ yếu của ngành tăng trưởng thấp, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể:
Giá trị SXCN theo giá cố định 1994 kể cả dầu khí ước 17.383,49 tỷ đồng, đạt 22,87% KH năm, tăng 2,2% so với cùng kỳ (KH tăng 5,18%). Trừ dầu thô và khí đốt, 13.772,68 tỷ đồng, đạt 22,36% KH năm, tăng 4,77% (KH tăng 6,6%), cho thấy sản xuất công nghiệp trong quý I/2014 tuy có tăng trưởng nhưng vẫn ở mức thấp so với cùng kỳ (+2,2%, trừ dầu thô và khí đốt +4,77%) (Quý I/2013 tăng 4,48%, trừ dầu khí tăng 6,82%), nguyên nhân do chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, thị trường đầu ra tiếp tục gặp khó khăn, tổng cầu vẫn yếu. Có 8/21 sản phẩm chủ yếu có sản lượng giảm so với cùng kỳ, điển hình như: phôi thép (-45,28%), thép (-20,54%); bulon, ốc vít, con tán (-25,09%); điện sản xuất (-3,86%); phân đạm (-3,33%); … Tuy nhiên, có 13/21 sản phẩm tăng trưởng khá so cùng kỳ, như: giày da (+77,98%); da thuộc (+55,35%); sợi (+39,39%); may mặc (+37,97%); bột mì (+37,36%); tháp gió (+33,33%); xi măng (+32,39%); dầu thực vật (+18,19%); hải sản (+7,89%);... Trong đó mặt hàng tháp gió sản xuất đã tăng trở lại do đã tìm được thị trường xuất khẩu mới.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước 11.428 tỷ đồng, đạt 26,93% KH năm, tăng 13,42% so với cùng kỳ (KH tăng 14,07%). Tổng doanh thu thương mại-dịch vụ 37.248 tỷ đồng, đạt 21,95% KH năm, tăng 13,56% (KH tăng 14,12%). Chỉ số giá tiêu dùng tính từ đầu năm đến tháng 3/2014 trên địa bàn tỉnh tăng 0,66% (cả nước tăng 0,8%); so với cùng kỳ năm trước tăng 4,5% (cả nước tăng 4,34%) và so bình quân cùng kỳ tăng 4,34%.
Kim ngạch xuất khẩu toàn địa bàn ước 4.020,26 triệu USD, đạt 26,66% KH năm, tăng 22,33% so với cùng kỳ. Riêng kim ngạch XK trừ dầu khí 456,63 triệu USD, đạt 20,97% KH năm, tăng 5,95% (KH tăng 8,28%). Kim ngạch nhập khẩu toàn địa bàn 592,66 triệu USD, đạt 21,8% KH năm, tăng 2,53% so với cùng kỳ.
2. Nguyên nhân của tình hình trên:
Nguyên nhân khách quan:
Do kinh tế tiếp tục suy giảm nên thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước đều bị thu hẹp, ở thị trường trong nước chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng nhập khẩu; còn thị trường ngoài nước khó tìm kiếm bạn hàng do hàng hóa của ta hầu hết là chưa có thương hiệu nên việc ký kết các đơn hàng chủ yếu vẫn là gia công nên giá trị không cao. Cụ thể:
Về chế biến hải sản: Sản lượng chế biến tăng 7,89% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do chất lượng nguồn nguyên liệu không cao nên sản lượng xuất khẩu giảm 17,12%, kéo theo giá trị giảm 7,35% so cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu do nguyên liệu khan hiếm trầm trọng vì nguồn lợi đánh bắt bị cạn kiệt. Việc khan hiếm này đã dẫn đến tình trạng giành giựt tranh mua đẩy giá nguyên liệu lên cao trong khi giá bán không tăng, thậm chí giảm nên sản xuất không có hiệu quả.
Về chế biến hạt điều: Xuất khẩu giảm 36,24% về sản lượng và 31,72% về giá trị so với cùng kỳ. Nguyên nhân do sản lượng hạt điều giảm vì mất mùa, có nhiều diện tích trồng điều đã bị chặt bỏ để chuyển sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn, đây là mối lo lớn của các DN kinh doanh mặt hàng này.
Về sản xuất VLXD (thép, phôi thép): Sản xuất vẫn tiếp tục giảm từ 20-45% do do thị trường bất động sản vẫn đóng băng, xuất khẩu gặp khó nên các DN ngành thép phải thu hẹp quy mô, cắt giảm đến 40% công suất, bên cạnh đó một số DN thực hiện bảo trì bảo dưỡng lớn như Cty Thép Fomina 3 nên sản lượng sản xuất giảm.
Đối với mặt hàng cao su: Xuất khẩu cao su giảm 3,14% về sản lượng và 18,72% về giá trị, nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu giảm hơn 16% so cùng kỳ.
Điện sản xuất giảm 3,86%, nguyên nhân do tập đoàn Điện lực Việt Nam huy động từ nhiều nguồn thủy điện và các nguồn khác từ các tỉnh khác, nên công suất nhiệt điện trên địa bàn tỉnh được phát thấp hơn so với cùng kỳ.
Riêng mặt hàng tháp gió: Từ giữa năm 2012 không xuất khẩu được vì bị thua kiện chống bán phá giá tại thị trường Mỹ, nay đã tìm được thị trường mới (Philippin) nên trong quý I/2014 sản xuất tăng hơn 33% so cùng kỳ và đã xuất được 57 bộ với kim ngạch trên 16 triệu USD (cùng kỳ năm 2013 không xuất khẩu được).
Về lao động: không ổn định, DN phải tự đào tạo lao động do thiếu lao động có tay nghề, nhất là lao động trình độ cao rất khó tuyển dụng.
Nguyên nhân chủ quan:
+ Về phía Trung ương:
* Nhiều chính sách được ban hành, tuy nhiên việc triển khai, cụ thể hóa các chính sách trong thực tế còn quá chậm, không đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giải quyết nợ xấu cho DN (gói hỗ trợ gói hỗ trợ thị trường bất động sản triển khai chậm, tỷ lệ giải ngân thấp).
* Lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng do sức mua chưa cải thiện, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được nên DN ngại vay vốn.
+ Về phía địa phương:
* Công tác cải cách TTHC ở một số Sở, ngành, địa phương còn chậm được đổi mới, gây khó khăn phiền hà cho DN, nhất là thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng.
* Công tác giải phóng mặt bằng rất chậm, việc giải quyết đền bù đất đai không được xử lý dứt điểm, kéo dài gây ảnh hưởng cho việc triển khai các dự án. Bên cạnh đó, tình hình đầu tư triển khai sau giấy phép của một số dự án còn chậm, có dự án được cấp phép từ 2-3 năm vẫn chưa triển khai xây dựng, tình trạng giữ đất kéo dài gây ảnh hưởng tới môi trường đầu tư chung của tỉnh.
3. Các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng ngành công thương trong năm 2014:
- Hoàn thành việc đầu tư hạ tầng cụm CN Đá Bạc để xây dựng nhà xưởng và thu hút DN Nhật Bản vào đầu tư SXKD.
- Tăng cường thu hút các dự án đầu tư vào ngành CNHT có trình độ công nghệ cao, thân thiện với môi trường, lĩnh vực tạo liên kết với các khu vực kinh tế khác và liên kết vùng. Thực hiện có hiệu quả các chương trình XTĐT trong và ngoài nước đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Tăng cường chỉ đạo Điện lực tỉnh đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất kinh doanh của DN, nhất là vào mùa khô năm 2014.
- Theo dõi, đôn đốc các DN đẩy nhanh tiến độ đầu tư để đưa dự án vào hoạt động sản xuất đúng theo thời gian đăng ký. Phối hợp với các địa phương, đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, nếu cụm nào có tiến độ triển khai quá chậm thì xem xét đề xuất UBND tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư.
- Đôn đốc, phối hợp cùng với UBND thành phố Bà Rịa và Vũng Tàu đẩy nhanh việc triển khai các thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Hòa Long và Phước Thắng bằng nguồn vốn ngân sách, để phục vụ cho việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm.
- Theo dõi kịp thời tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN để nắm rõ những khó khăn, vướng mắc, từ đó kịp thời tham mưu đề xuất giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của DN.
- Tăng cường công tác XTTM trong và ngoài nước để giúp DN mở rộng thị trường. Hỗ trợ DN xây dựng website thương mại điện tử nhằm tạo kênh phân phối cho DN.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
- Tăng cường cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu cho DN; phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý cạnh tranh-Bộ Công Thương để kịp thời cung cấp thông tin về các mối đe dọa/nguy cơ hàng xuất khẩu bị kiện chống bán phá giá của các nước để chủ động trong việc xây dựng, chuẩn bị phương án ứng phó, ngăn chặm các vụ kiện một cách hiệu quả nhất.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo cho thị trường hoạt động lành mạnh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong các hoạt động thuộc phạm vi quản lý ngành để bảo vệ và thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
- Tiếp tục đẩy mạnh CCHC tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngành để phản ảnh kịp thời tình hình xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.