Từ nay đến 2020, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu: linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao.
Ngày 8 tháng 10 năm 2014, Bộ Công thương đã có Quyết định số 9028/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu chung của Quy hoạch nhằm đảm bảo đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất (đến năm 2030, tỷ lệ này là 70%) tiêu dùng nội địa, xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp.
Thực hiện mục tiêu chung, từ nay đến năm 2020, Việt Nam tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu và theo các định hướng sau:
Lĩnh vực linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa - cao su, điện - điện tử, đến năm 2020 đáp ứng 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp của ta. Năm 2030, đáp ứng 80% nhu cầu này.
Các ngành công nghiệp cơ khí, ô tô, máy nông nghiệp, điện tử… được ưu tiên phát triển. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm linh kiện phụ tùng tham gia thị trường khu vực và quốc tế.
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày: đạt tỷ lệ cung cấp trong nước 65% ngành dệt may, 75%-80% ngành da giày.
Ưu tiên thu hút vào lĩnh vực nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày, hình thành các cụm liên kết ngành trong sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao, đồng thời phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dùng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này; hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết vị, phần mềm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất vật liệu chế tạo như thép chế tạo, nhựa, cao su, composit, gốm phục vụ công nghiệp công nghệ cao, hóa chất cơ bản, hóa chất chuyên dụng trong công nghiệp công nghệ sinh học, vật liệu điện tử…
Quy hoạch xác định rõ các giải pháp và chính sách chủ yếu:
- Hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển công nghiệp hỗ trợ
- Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp hỗ trợ
- Phát triển số lượng và nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa.
- Phát triển khoa học công nghệ cho công nghiệp hỗ trợ.
Đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ.
Các giải pháp thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ từ đây đến năm 2020:
- Kết nối doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp nội địa
- Củng cố, nâng cao vai trò Hiệp hội ngành nghề
- Nâng cao tính chuyên nghiệp của hội chợ công nghiệp hỗ trợ…
- Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tìm kiến đối tác
- Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế
- Xây dựng quy hoạch, khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp hỗ trợ
Các dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ được hưởng chính sách khuyến khích, ưu đãi theo Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 2 năm 2011, Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được hưởng các chương trình theo Quyết định số 1556/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực vực công nghiệp hỗ trợ”.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành
Đình Hiệp – P.CNTT