Bắt đầu từ tháng 01/2016, nhiều quy định, chính sách liên quan đến ngành Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện; Quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; Quy định về phát triển công nghiệp hỗ trợ, v.v...
Quy định mới về phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện
Từ ngày 01/01/2016, Thông tư số 51/2015/TT-BCT (Thông tư 51) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2014/TT-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và Thông tư số 56/2014/TT-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, Thông tư 51 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2014/TT-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh như sau: Sửa đổi Khoản 3, bổ sung Khoản 3a sau Khoản 3 Điều 4 như sau: Các nhà máy điện không tham gia thị trường điện bao gồm: Các nhà máy điện BOT (đã ký kết hợp đồng hoặc đã thỏa thuận xong hợp đồng nguyên tắc); Nhà máy điện sử dụng năng lượng tái tạo, trừ thủy điện; Nhà máy điện tuabin khí có các ràng buộc phải sử dụng tối đa nguồn nhiên liệu khí để đảm bảo lợi ích quốc gia; Nhà máy điện thuộc khu công nghiệp chỉ bán một phần sản lượng lên hệ thống điện quốc gia mà đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 và hợp đồng mua bán điện này còn hiệu lực đến sau ngày 01 tháng 01 năm 2016.”
Nhà máy điện BOT không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều này, nhà máy điện thuộc khu công nghiệp chỉ bán một phần sản lượng lên hệ thống điện quốc gia không thuộc trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều này có trách nhiệm chuẩn bị cơ sở hạ tầng theo quy định tại Khoản 5 Điều này và tham gia thị trường điện theo quy định tại Khoản 1 Điều này.” Bổ sung Khoản 1a sau Khoản 1, sửa đổi Khoản 3 Điều 5 như sau: “1a. Đơn vị phát điện có trách nhiệm nộp hồ sơ đăng ký tham gia thị trường điện đối với từng nhà máy điện về Cục Điều tiết điện lực theo một trong các hình thức như: Đăng ký theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ http://thamgiathitruongdien.dvctt.gov.vn; Gửi qua đường bưu điện; Nộp trực tiếp tại trụ sở Cục Điều tiết điện lực. Số lượng hồ sơ: 01 bộ đối với đăng ký theo hình thức đăng ký trực tuyến; 02 bộ đối với đăng ký qua đường bưu điện hoặc đăng ký trực tiếp tại trụ sở Cục Điều tiết điện lực. Bãi bỏ Khoản 1, sửa đổi Khoản 2, Khoản 3 Điều 6 như: “2. Cục Điều tiết điện lực tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính đầy đủ và hướng dẫn bổ sung hoàn thiện hồ sơ ngay khi nhận hồ sơ trong trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp hoặc trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trong trường hợp tiếp nhận hồ sơ qua đường bưu điện hoặc đăng ký theo hình thức trực tuyến. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Cục Điều tiết điện lực gửi 01 bộ hồ sơ (gửi văn bản hoặc theo hình thức trực tuyến) cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện.”, v.v...
Quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương
Cũng từ ngày 01/01/2016, Thông tư 41/2015/TT-BCT (Thông tư 41) quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương bắt đầu có hiệu lực.
Thông tư 41 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương (Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2). Thông tư này không điều chỉnh đối với các sản phẩm, hàng hóa như: Hàng miễn trừ ngoại giao, hàng trong túi lãnh sự, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong các định mức miễn thuế nhập khẩu theo Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về định mức hành lý, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng, hàng mẫu được miễn thuế, xét miễn thuế, không chịu thuế; Sản phẩm, hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh; Sản phẩm, hàng hóa chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh. Chi tiết văn bản tại đây
Quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ
Từ ngày 01/01/2016, Thông tư số 55/2015/TT-BCT (Thông tư 55) quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển có hiệu lực thi hành.
Theo đó, Dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế phải sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng một trong các yêu cầu như sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trong nước đã sản xuất được trước ngày 01 tháng 01 năm 2015 (quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này) và có Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (các tiêu chuẩn do Ủy ban tiêu chuẩn hóa Châu Âu CEN - European Committee for Standardization ban hành) hoặc tương đương (nếu có); Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quy định tại Phụ lục Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển ban hành kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ và không thuộc Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 55.
Thông tư 55 cũng quy định về nội dung thẩm định như sự phù hợp của dự án sản xuất đối với các quy định tại Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Thủ tục pháp lý của dự án; Tính khả thi, hợp lý của các giải pháp kỹ thuật - công nghệ áp dụng trong sản xuất của dự án; Năng lực tài chính, hiệu quả đầu tư của dự án; Khả năng đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường của dự án.
Cơ quan có thẩm quyền của địa phương nơi thực hiện dự án hoặc Bộ Công Thương xác nhận ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Công Thương xác nhận ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển cho các đối tượng còn lại.
Quy định về thủ tục kê khai, bảo lãnh tiền thuế, thu nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền phí, lệ phí, các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh
Từ ngày 01/01/2016, Thông tư số 184/2015/TT-BTC (Thông tư số 184) qui định thủ tục về kê khai, bảo lãnh tiền thuế, thu nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền phí, lệ phí, các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh bắt đầu có hiệu lực.
Thông tư 184 quy định rõ về thực hiện thu nộp thuế điện tử, theo đó cơ quan Hải quan có phương tiện hỗ trợ người nộp thuế kê khai, lập chứng từ nộp tiền ngay tại cổng thông tin điện tử hải quan, đảm bảo chứng từ có đầy đủ thông tin liên quan chính xác được lập từ cơ sở dữ liệu gốc của hệ thống kế toán tập trung của hải quan; Mỗi chứng từ được gắn mã số tham chiếu hoặc số định danh trên từng chứng từ, giúp cho người nộp thuế có được lựa chọn phù hợp khi giao dịch với ngân hàng. Ngân hàng khi cập nhật số định danh hoặc số tham chiếu chứng từ sẽ có được thông tin trên chứng từ nộp tiền phù hợp với thông tin của người nộp thuế và thông tin từ cổng thanh toán điện tử hải quan, hạch toán trừ nợ kịp thời, chính xác, đảm bảo an ninh, an toàn về mặt hệ thống khi chuyển giao dịch thông tin nộp tiền. Các ngân hàng phối hợp thu phải có phần mềm thu nộp tiền thuế qua kênh giao dịch điện tử của ngân hàng. Chi tiết văn bản tại đây
Quy định về phát triển công nghiệp hỗ trợ
Kể từ ngày 01/01/2016, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP (Nghị định 111) của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ có hiệu lực thi hành.
Theo Nghị định 111, tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được tài trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ từ các Quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo; Được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu và phát triển từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao; Được Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với Dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng các ưu đãi sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực; Cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài theo các chương trình đào tạo của nhà nước. Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp hỗ trợ bao gồm: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết để xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được tài trợ, hỗ trợ từ các Quỹ về khoa học và công nghệ, đào tạo và các Quỹ khác; Nhà nước khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo hiện có tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Nghị định 111 cũng nêu rõ về việc hợp tác quốc tế về công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn kinh tế nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến nhằm thu hút đầu tư, tạo mối liên kết giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và nước ngoài. Đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nhân lực công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên hợp tác đào tạo sinh viên các ngành kỹ thuật công nghiệp hỗ trợ tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; thu hút, sử dụng có hiệu quả người có trình độ cao, lực lượng trẻ tài năng hợp tác nghiên cứu, giảng dạy công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Quy định mới về việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2016
Từ ngày 05/01/2016 đến hết ngày 31/12/2016, Thông tư 01/2016/TT-BCT (Thông tư 01) quy định việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2016 có hiệu lực thi hành.
Theo đó, lượng thuốc lá nguyên liệu (Mã HS 2401) nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2016 là 48.620 tấn.
Việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BTM ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.
Không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với các mặt hàng thuốc lá nguyên liệu (Mã HS 2401) có xuất xứ từ các nước ASEAN. Việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu từ các nước ASEAN theo quy định tại Thông tư số 07/2015/TT-BCT ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Bộ Công Thương quy định việc không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu có xuất xứ từ các nước ASEAN.
Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được phân giao cho thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công Thương cấp và có nhu cầu sử dụng cho sản xuất thuốc lá điếu một tỷ lệ nhất định thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu do Bộ Công Thương xác nhận.
Một số quy định mới trong xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất
Từ ngày 05/01/2016, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP (Nghị định 124) sửa đổi, bổ sung mốt số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, Nghị định 124 bổ sung Khoản 5 Điều 1 như sau: “5. Đối với các hành vi đầu cơ hàng hóa, găm hàng, đấu thầu hàng hóa, dịch vụ và nhượng quyền thương mại có dấu hiệu của hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh thì áp dụng quy định về điều tra và xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh.” Sửa đổi Khoản 3 Điều 2 như sau: “3. Tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều này gồm cả tổ chức kinh tế là các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã; các tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật và các đơn vị trực thuộc của các tổ chức kinh tế nói trên; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.” Sửa đổi Điểm b Khoản 8 Điều 3 như sau: “b) Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;” Bổ sung Khoản 14 Điều 3 như sau: “14. “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.” Sửa đổi Điểm d Khoản 5 Điều 4 như sau: “d) Buộc thu hồi tiêu hủy hoặc buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm được áp dụng đối với các loại sản phẩm, hàng hóa quy định tại các Điều 33, 35 và 36 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính đã tiêu thụ, đã bán còn đang lưu thông trên thị trường;” Sửa đổi Khoản 2 Điều 5 như sau: “2. Đối với tang vật là hàng giả quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản 8 Điều 3 Nghị định này thì giá của tang vật là giá thị trường của hàng hóa thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp không xác định được giá như trên thì xác định giá trị theo quy định tại Khoản 1 Điều này.” Sửa đổi Điều 6 như sau: “Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, v.v...
Quy định mới về đo đếm điện năng trong hệ thống điện
Từ ngày 18/01/2016, Thông tư số 42/2015/TT-BCT (Thông tư 42) quy định đo đếm điện năng trong hệ thống điện bắt đầu có hiệu lực.
Thông tư 42 quy định về đo đếm điện năng trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện và bán lẻ điện, bao gồm các nội dungnhư yêu cầu đối với Hệ thống đo đếm, Hệ thống thu thập số liệu đo đếm và Hệ thống quản lý số liệu đo đếm; Trách nhiệm của các đơn vị trong đo đếm điện năng; Trình tự thoả thuận thiết kế kỹ thuật, đầu tư, lắp đặt, nghiệm thu Hệ thống đo đếm, Hệ thống thu thập số liệu đo đếm; Quản lý, vận hành Hệ thống đo đếm, Hệ thống thu thập số liệu đo đếm và Hệ thống quản lý số liệu đo đếm; Thu thập, xử lý và lưu trữ số liệu đo đếm phục vụ giao nhận điện năng; Quy định chung về giao nhận điện năng. Chi tiết văn bản tại đây
Quy định về phát triển dự án, Biểu giá chi phí tránh được và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện sinh khối
Từ ngày 25/01/2016, Thông tư số 44/2015/TT-BCT (Thông tư 44) quy định về phát triển dự án, Biểu giá chi phí tránh được và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện sinh khối có hiệu lực thi hành.
Thông tư 44 áp dụng đối với Chủ đầu tư dự án điện sinh khối; Đơn vị quản lý và vận hành các công trình điện sinh khối; Bên mua điện; Các tổ chức phát triển dự án điện sinh khối để kinh doanh điện và Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo Thông tư 44, chủ đầu tư chỉ được lập dự án đầu tư điện sinh khối thuộc quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối và quy hoạch phát triển điện lực. Nội dung dự án đầu tư điện sinh khối được lập theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng công trình và theo quy định tại khoản 3 Điều này. Đối với các dự án điện sinh khối được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn khác nhau, chủ đầu tư có trách nhiệm lập dự án đầu tư theo từng giai đoạn dự án. Trường hợp thời điểm vào vận hành của dự án dự kiến có sai lệch quá sáu tháng so với tiến độ quy định trong quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối, nhà đầu tư có trách nhiệm báo cáo UBND cấp tỉnh và Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương.
Nội dung dự án đầu tư điện sinh khối theo quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình, bổ sung thêm những nội dung chính như đánh giá ảnh hưởng của phương án đấu nối dự án điện sinh khối đối với hệ thống điện khu vực; Kế hoạch và phương án chi phí, kỹ thuật phục vụ tháo dỡ và xử lý thiết bị nhà máy điện sinh khối sau khi kết thúc dự án.
Nguyên tắc xem xét hỗ trợ dự án điện sinh khối không nối lưới phải đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường; Dự án hoàn thành đầu tư và đưa vào vận hành; Số liệu đầu vào chủ yếu cho tính toán giá điện và đơn giá hỗ trợ cho dự án điện sinh khối được xem xét trên nguyên tắc sau: Trường hợp công suất đặt của dự án lớn hơn công suất yêu cầu thực tế của lưới điện khu vực, thì sản lượng điện phát thực tế của năm trước và sản lượng dự kiến phát trong các năm tiếp theo được sử dụng làm cơ sở để xác định đơn giá hỗ trợ. Đối với các dự án khác, sản lượng điện phát lấy theo sản lượng phát thực tế hoặc sản lượng phát dự kiến trong dự án đầu tư đã được duyệt, lấy số lớn hơn; Tổng mức đầu tư dự án lấy theo tổng mức đầu tư trong dự án đầu tư được duyệt; Chi phí khấu hao theo quy định pháp luật hiện hành, v.v...
(Nguồn moit.gov.vn)