Ngày 16 tháng 12 năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2752/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn tỉnh Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh LPG và từng bước thiết lập trật tự, kỷ cương, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người kinh doanh cũng như quyền lợi của người tiêu dùng, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho việc quản lý lưu thông LPG trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Sau khi quy hoạch được triển khai, 32 cửa hàng bán LPG chai đã được phát triển mới, nâng số cửa hàng trên toàn tỉnh lên 460 cửa hàng trải đều các địa bàn. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao nhất là thành phố Vũng Tàu với 147 cửa hàng (chiếm 32%), huyện Châu Đức 80 cửa hàng (chiếm 17,4%) tiếp theo là huyện Tân Thành với 68 cửa hàng (chiếm 14,78%), thấp nhất là huyện Côn Đảo với 04 cửa hàng (chiếm 0,87%), các huyện, thành phố còn lại trung bình 50 cửa hàng/địa bàn. Hiện chỉ duy nhất 01 xã chưa có cửa hàng LPG chai là xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ; 01 trạm nạp LPG vào chai trên địa bàn huyện Châu Đức giải tỏa do không còn phù hợp quy hoạch, tổng số trạm LPG trên địa bàn đến nay còn 13 trạm.
Có thể nhận thấy, qua một năm triển khai quy hoạch, hoạt động kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp trật tự. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại 02 thực trạng:
- Một là : một số cơ sở đã được cấp phép nhưng tự ý ngưng hoạt động không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; riêng đối với loại cửa hàng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hết hạn và không có bảng hiệu nên khi thấy đoàn kiểm tra họ cất giấu LPG nên rất khó phát hiện và xử lý. Đây là vấn đề nan giải nhất hiện nay, vừa vi phạm pháp luật vừa gây nguy cơ mất an toàn cháy nổ.
- Hai là gian lận thương mại trong kinh doanh LPG thời gian qua diễn ra khá phức tạp, làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng, là vấn đề bức xúc của xã hội. Trong đó, gian lận về sử dụng biển hiệu, logo của doanh nghiệp có uy tín nhưng mua bán LPG trôi nổi; chào bán với mức hoa hồng cao hơn, gây cạnh tranh không lành mạnh v.v...
Nhằm hạn chế tình trạng trên, Sở Công Thương sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh LPG, kể cả việc đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh LPG, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với các cơ sở kinh doanh (cửa hàng, trạm) đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nhưng hết hiệu lực hoặc tự ý ngưng hoạt động quá 03 tháng, Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh rút giấy phép kinh doanh và đưa ra khỏi quy hoạch.
Diệu Phương – QLTM