Tiết kiệm điện là văn minh
Tiết kiệm điện đang là một yêu cầu mang tính cấp thiết, cả trong sinh hoạt lẫn sản xuất. Nhưng tiết kiệm bằng cách nào? Điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người.
Về sản xuất, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng cần rà soát lại các xí nghiệp, nhà máy dùng một lượng điện lớn xem máy móc có lạc hậu không, quy trình có bảo đảm tiết kiệm điện tối ưu không. Việc rà soát phải được coi là nhiệm vụ của ngành điện vì bất cứ nguyên nhân nào làm hao hụt lượng điện đều dẫn đến ngành điện không hoàn thành nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho xã hội.
Về điện sinh hoạt, chúng ta biết rằng có một sự chênh lệch rất lớn điện năng tiêu thụ giữa các thiết bị dùng điện. Bởi vậy, để tiết kiệm, cần phải hạn chế dùng những thiết bị có công suất lớn như bàn ủi, máy nước nóng, máy lạnh…
Ví dụ: Để thắp sáng, nên dùng những bóng điện tiết kiệm thay thế những bóng đèn thông thường, việc làm này tiết kiệm được khoảng 10% lượng điện dùng thắp sáng. Để làm mát, có 2 thiết bị chủ yếu là quạt điện và máy lạnh. Trung bình một quạt tường hay quạt cây tiêu thụ vào khoảng 120- 150w/h, trong khi một máy lạnh dùng cho phòng thông thường 15-20m2 là khoảng 1500w/h. Như vậy cùng một đơn vị thời gian, một máy lạnh có thể tiêu tốn một lượng điện bằng 10 cái quạt. Hiện nay trong các gia đình và công sở, việc trang bị máy lạnh ngày càng nhiều, bởi vậy cũng là một lý do làm cho việc thiếu điện ngày một trầm trọng.
Thực tế, hiện nay việc dùng điện đang có rất nhiều khu vực còn để lãng phí. Có những con đường để đèn đường quá dày, quá rực rỡ ở những đoạn vắng người. Trong các công sở nhiều phòng sử dụng máy lạnh để ở nhiệt độ quá thấp đến nỗi người ta phải mặc áo lạnh khi làm việc. Thậm chí có người còn quên tắt máy lạnh để cả buổi trưa hoặc cả đêm khi ra khỏi phòng. Những thiết bị điện dùng để trang trí ở nhà hàng, khách sạn, quán xá…còn chiếm mất một lượng điện đáng kể.
Mặc dù ai cũng có quyền sử dụng điện, dùng ít thì trả ít, dùng nhiều thì trả nhiều. Nhưng khi Nhà nước chưa thể đầu tư đủ để có điện dùng thoải mái, năng lượng là thứ của chung và có hạn. Người này dùng nhiều thì sẽ thiếu hụt của người khác. Khu vực này dùng nhiều thì sẽ hạn chế đến khu vực khác. Điện khác với các hàng hóa khác là dù có tiền nhưng không phải mua bao nhiêu cũng được. Nó là một hàng hóa đặc biệt.
Do đó, đã đến lúc việc sử dụng điện lãng phí phải được coi là vi phạm đạo đức. Bài học tiết kiệm điện cần phải được giảng dạy trong nhà trường, được trao đổi trong sinh hoạt các đoàn thể quần chúng. Song song với việc Nhà nước phải huy động mọi nguồn lực đầu tư để xây dựng thêm các nhà máy điện thì việc giáo dục các tầng lớp nhân dân thấm nhuần ý thức tiết kiệm điện cũng phải được đặt đúng tầm.