LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Xúc tiến thu hút đầu tư Nhật Bản: chặng đường 3 năm nhìn lại (P1)

Nhìn từ thực trạng 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tạo văn bản số 681/VPCP-QHQT ngày 28 tháng 6 năm 2011 về việc xây dựng tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mỗi nơi một khu công nghiệp chuyên sâu về cơ khí chế tạo, về công nghiệp điện tử thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản và chỉ đạo của Tỉnh ủy tại công văn số 135-CV/TU ngày 27 tháng 01 năm 2011 về mục đích, chương trình Đoàn đi Xúc tiến và khảo sát công nghiệp hỗ trợ tại Nhật Bản. Bên cạnh đó UBND Tỉnh đã có hàng loạt các giải pháp, các hoạt động nhằm xúc tiến thu hút đầu tư Nhật Bản, tính đến nay sau ba năm tiến hành xúc tiến đầu tư theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh cũng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Với vị trí địa lý thuận lợi, Bà Rịa – Vũng Tàu có hệ thống cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam, từ đây có các tuyến tàu chở hàng đi thẳng tới các cảng ở Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và các nước khác trên thế giới với thời gian ngắn hơn . Bên cạnh đó Bà Rịa – Vũng Tàu cũng là tỉnh công nghiệp, mạnh về khai thác dầu khí, chế biến khí, sản xuất điện, sản xuất phân bón, sản xuất bột nhựa PVC, nhựa PS, là trung tâm luyện phôi và cán thép lớn nhất của cả nước, là nơi sản xuất nhiều sản phẩm cơ khí trọng điểm của quốc gia như giàn khoan cố định, giàn khoan tự nâng, các tàu chuyên dụng phục vụ thăm dò khai thác dầu khí.

Trong 03 năm qua, nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam luôn dẫn đầu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, giá thuê nhân công tại Nhật Bản ngày càng cao, cùng với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế dẫn tới các doanh nghiệp Nhật Bản nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng nhiều lao động có xu hướng đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, những yếu tố khách quan khác như tình hình kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước đang trong giai đoạn diễn biến theo hướng suy thoái, hoặc tăng trưởng chậm dần tiếp tục tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đến tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung, tình hình thu hút đầu tư từ Nhật Bản nói riêng. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cách xa thành phố Hồ Chí Minh hơn so với Bình Dương, Đồng Nai. Các cảng biển tại thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chuyến tàu chở hàng đến các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á hơn so với các cảng biển tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

Một trở ngại đáng kể nữa đó là tỉnh BRVT nhiều năm qua chưa tiến hành xúc tiến đầu tư ra nước ngoài, do đó hình ảnh thông tin về Tỉnh BRVT trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài rất hạn hẹp, và ngoài khai thác dầu khí tỉnh không có những ngành nghề đặc thù được sự quan tâm chú ý của các nhà đầu tư  

Tính từ tháng 3 năm 2011 đến hết tháng 04 năm năm nay, các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư tại Nhật Bản nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, trình độ kỹ thuật công nghệ, kỹ năng quản lý của Nhật Bản và tạo động lực cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh. Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức 6 đoàn xúc tiến thu hút đầu tư kết hợp tổ chức 11 cuộc hội thảo, tham dự 02 diễn đàn kinh tế, tham dự 02 cuộc triển lãm tại Nhật Bản và 01 đợt khảo sát các Khu công nghiệp tại Thái Lan và tại Indonesia đã thu hút được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản.

Trong ba năm qua, Tỉnh đã tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, các hội thảo, tham dự các diễn đàn kinh tế tại các thành phố tập trung nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn của Nhật Bản như luyện thép, cơ khí chế tạo, đóng tàu, sản xuất ô tô, hóa chất và công nghiệp điện tử. Đó là các thành phố: Osaka, Hyogo, Kyoto, Kobe, Kawasaki, Ota, Nagoya và Yokohama.

Trước kia các doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn đầu tư của Nhật Bản chưa có thông tin và hiểu biết về môi trường đầu tư của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đến nay, đã thu hút được khoảng 600 lượt doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn đầu tư của Nhật Bản tham gia các hội thảo do tỉnh tổ chức tại Nhật Bản. Đã giới thiệu được các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, các dự án kêu gọi đầu tư, giới thiệu các khu, cụm công nghiệp và những chính sách hỗ trợ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến với các doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn đầu tư của Nhật Bản.

Từ kết quả các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, đã ký kết bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với chính quyền thành phố Kawasaki, giữa Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với phòng Công nghiệp và thương mại thành phố Kawasaki; với phòng Công nghiệp và thương mại thành phố Sanjo; với công ty tư vấn Forval, và giữa trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với trường Đại học Hyogo.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã tiến hành thiết lập văn phòng đại diện xúc tiến đầu tư của Tỉnh đặt tại làng khởi nghiệp Châu Á ở thành phố Kawasaki nhằm xúc tiến kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời cũng đã đưa vào vận hành trang tin điện tử http://jp.baria-vungtau.gov.vn bằng tiếng Nhật nhằm kịp thời giới thiệu, chuyển tải thông tin về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tới các nhà đầu tư Nhật Bản.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã tổ chức đón 14 đoàn với hơn 100 lượt doanh nghiệp và tổ chức, chính quyền địa phương của Nhật đến thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ. Ban hành quy định về quy trình thủ tục đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Đã trình Chính phủ đề án Khu công nghiệp chuyên sâu (KCNCS) Phú Mỹ 3 và bổ sung vào quy hoạch các Khu công nghiệp đối với KCN Đá Bạc nhằm tập trung thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản.

Mặc dù số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia hội thảo do tỉnh tổ chức (hơn 600 lượt doanh nghiệp) và sang thăm tỉnh BRVT rất lớn (hơn 100 lượt doanh nghiệp và tổ chức) trong thời gian qua, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm và sang tận nơi để tìm hiểu cơ hội đầu tư vẫn chưa đi đến quyết định đầu tư.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này đó là: Trong thời gian qua các DN Nhật bản sang Tỉnh BRVT chủ yếu là với mục đích tham quan du lịch kết hợp với tìm hiểu đầu tư. Mặt khác văn phòng đại diện của Tỉnh tại Nhật bản (thành phố Kawasaki) chưa đủ lực để xúc tiến đầu tư giới thiệu quảng bá hình ảnh của tỉnh nên trong thời gian qua việc thu hút các nhà đầu tư Nhật bản chưa thực hiện được;

Các khu công nghiệp của Tỉnh dự kiến nhằm phục vụ xúc tiến đầu tư cho các nhà đầu tư Nhật Bản chưa thực hiện hoàn chỉnh khâu chuẩn bị cơ sở hạ tầng cụ thể: Các KCNCS Phú Mỹ 3 và Cụm công nghiệp (CCN) Đá Bạc đang tích cực giải phóng và san lấp mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa có sẵn mặt bằng nhà xưởng để cho thuê.Các cơ sở hạ tầng phục vụ cho khu công nghiệp chưa đầu tư hoàn chỉnh như đường điện, nước, hệ thống thoát nước, các thông tin truyền thông ...

Do đó hầu hết các doanh nghiệp Nhật bản khi đến tham quan tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Tỉnh khi nhìn thấy các khu công nghiệp chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng, và chưa có cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện; nước; hệ thống xử lý nước thải; viễn thông ... thường không đặt yêu cầu đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Tỉnh BRVT nên việc xúc tiến đầu tư của Tỉnh trong thời gian qua chưa đạt được mục đích thu hút nhà đầu tư Nhật bản vào CNHT theo chỉ đạo của Thủ tướng.