Thương mại
Xuất khẩu giàn khoan: Hướng đi mới cho ngành cơ khí dầu khí
Để mở rộng thị trường, các đơn vị xây lắp dầu khí Việt Nam tham gia đấu thầu và thực hiện thành công các gói thầu chế tạo giàn khoan cho đối tác ngoài nước. Đây là thành công lớn cho ngành cơ khí dầu khí, khẳng định năng lực, trình độ tay nghề và củng cố niềm tin cho việc xuất khẩu mặt hàng này trong tương lai.
Với trang thiết bị hiện đại, nguồn nhân lực tay nghề cao, Tổng Công ty PTSC bảo đảm khả năng thắng thầu và thực hiện thành công các dự án quốc tế như dự án HRD. Trong ảnh: Người lao động của PTSC bên thượng tầng giàn HRD của đối tác Ấn Độ. Tạo thế cạnh tranh Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) vừa tổ chức hạ thủy và bàn giao khối thượng tầng giàn khoan HRD cho đối tác Ấn Độ. Thành công của dự án này đã khẳng định năng lực của DN cơ khí dầu khí khi tham gia các gói thầu quốc tế. Ông Đồng Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải (PTSC M&C) - đơn vị trực thuộc Tổng Công ty PTSC thực hiện dự án - cho rằng, xu hướng hiện nay trên thế giới là các khách hàng và chủ đầu tư khi triển khai dự án luôn đi theo hình thức giao trọn gói từ khâu thiết kế, mua sắm, chế tạo, vận chuyển lắp đặt và bàn giao hoàn chỉnh dự án. Chủ đầu tư chỉ muốn giao cho một nhà thầu làm trọn gói, một đầu mối chịu trách nhiệm, tránh phải cắt, xé nhỏ, tăng giao diện, tăng chi phí. Đối với việc thi công giàn công nghệ trung tâm, các yêu cầu cần có như: cầu cảng nước sâu, đường trượt có tải trọng lớn để hạ thủy, nền bãi có sức chịu tải cao và hệ thống cẩu hạng nặng... rất ít nhà thầu trên thế giới đáp ứng được. Trong khi đó, PTSC M&C có hệ thống cảng nước sâu từ 11-14m, đường trượt trên 25.000 tấn, nền bãi chịu được 50 tấn/m2, có đầy đủ các thiết bị thi công hiện đại và cẩu hạng nặng trên 500 tấn. Vì vậy, khả năng thực hiện và hạ thủy một lần hoàn chỉnh các dự án lên đến hơn 25.000 tấn của PTSC M&C chính là một lợi thế lớn. Ông Phan Thanh Tùng, Tổng Giám đốc PTSC cho biết, mục tiêu tự thiết kế chi tiết các công trình dầu khí biển đã đạt được sớm về thời gian so với kế hoạch đặt ra, Tổng công ty hiện tại đã và đang tự thực hiện thiết kế chi tiết 100% bởi các kỹ sư Việt Nam cho cả các công trình dầu khí biển trong nước và ngoài nước như Dự án EPC MLS cho khách hàng Total Brunei, việc mà chỉ 5 năm trước đây phải thuê hoàn toàn các tổ chức nước ngoài.
Coi trọng chất lượng Đại diện Tập đoàn AFCONS nhà thầu chính dự án HRD, ông K.Subrahmanian cho biết, dự án đóng mới giàn công nghệ HRD được Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ (ONGC) trao cho liên doanh AFCONS - TECHNIP - MMHE. Trong đó, AFCONS đóng vai trò là nhà thầu chính và đảm nhiệm phần lớn công việc của dự án. PTSC M&C là nhà thầu thực hiện khối thượng tầng ký hợp đồng với AFCONS. PTSC M&C đã thực hiện đúng tiến độ và chất lượng được bảo đảm nghiêm ngặt. Tại Ấn Độ, HRD là dự án thứ hai được thực hiện bằng phương pháp lắp đặt bằng lực đẩy nổi của xà lan - phương pháp đòi hỏi kỹ thuật và năng lực rất cao của nhà thầu thực hiện. “Đây là dự án khai thác dầu khí ngoài khơi đầu tiên của Ấn Độ được thực hiện bởi một nhà thầu Việt Nam. Tôi rất mừng khi dự án đã được PTSC M&C hoàn thành một cách chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Chính sự chuyên nghiệp và hợp tác hiệu quả của PTSC M&C đã giúp chúng tôi đạt được mốc quan trọng này của tiến độ dự án” - ông K.Subrahmanian nhận xét. Phát biểu tại lễ hạ thủy và bàn giao khối thượng tầng giàn công nghệ HRD, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Việc hoàn thành bàn giao khối thượng tầng giàn công nghệ HRD theo đúng kế hoạch đề ra, được chủ đầu tư Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ đánh giá cao là một minh chứng về năng lực, về những nỗ lực của PTSC nói chung, đơn vị thành viên Công ty PTSC M&C nói riêng trong việc quán triệt các định hướng mở rộng thị trường dịch vụ ra nước ngoài. Những thành công đạt được này không những góp phần bảo đảm mức phát triển bền vững duy trì công ăn việc làm liên tục cho hàng ngàn cán bộ công nhân viên công ty mà còn đóng góp tích cực, tăng nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước”.Nguồn baobariavungtau.com.vn
Bài mới hơn
Bài cũ hơn
|