Tin tức sự kiện
Đưa Cái Mép - Thị Vải trở thành cụm cảng trung chuyển quốc tế
Vừa qua, chuyến tàu trung chuyển thành công hàng ngàn container tại cảng quốc tế CMIT đã đánh dấu bước thuận lợi của việc triển khai đề án đưa cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thành cụm cảng trung chuyển container quốc tế.
Bước chuẩn bị thuận lợi Ngày 3-4-2015, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đã thực hiện thành công vai trò cảng trung chuyển quốc tế với việc bốc dỡ toàn bộ hàng từ tàu RDO Harmony xuống cảng CMIT và thực hiện việc xếp hàng với số lượng 1.444 container, trong đó có 1.079 container là hàng trung chuyển lên tàu NYK FUJI. Đây được xem là chuyến làm hàng trung chuyển lớn tại cụm cảng Cái Mép, khẳng định khả năng của cảng CMIT nói riêng và cụm cảng Cái Mép nói chung trong việc trung chuyển hàng hóa quốc tế. Sự kiện trên đã bước đầu hiện thực hóa chủ trương của tỉnh về phát triển hoạt động cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải giai đoạn 2013-2020. Với vai trò là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển container quốc tế (loại IA), tỉnh BR-VT cũng đã có phương án quy hoạch xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép hạ. Ông Lương Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, trước mắt trung tâm logistics sẽ quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/2.000. Khu logistics Cái Mép hạ sẽ bao gồm: khu logistics quốc tế và khu hậu cần; bãi hàng tổng hợp, khu bảo dưỡng và sửa chữa container; các kho hàng tổng hợp, kho hàng lạnh; khu thương mại tự do; khu thương mại, tài chính, ngân hàng và khu giải trí du lịch... Song song với những chính sách phát triển cảng biển và logistics, BR-VT nỗ lực CCHC trong lĩnh vực thương mại xuất nhập khẩu, trong đó có việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử và sử dụng các phương pháp kiểm soát hàng hóa hiện đại tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng biển. Cục Hải quan BR-VT đã phối hợp với các DN cảng như Tân Cảng - Cái Mép, SP-PSA, Baria-Serece, SITV, CMIT và các hãng tàu Meersk, Line, Oocl, Wanhai, Evergreen... để tạo điều kiện cho các hãng tàu biển triển khai các tuyến vận tải quốc tế đến cụm Cảng Cái Mép - Thị Vải. BR-VT cũng đã xây dựng đề án phát triển dịch vụ logistics đến năm 2020; trong đó có khu thương mại tự do (FTZ) tại khu Cái Mép hạ. Cần có chính sách ưu đãi Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) phân tích: Phải có chính sách giảm chi phí hàng hải để tạo hấp dẫn cho các hãng tàu container lớn nước ngoài để họ lựa chọn Cái Mép - Thị Vải làm cảng trung chuyển hàng nội địa mà không tiếp tục đưa sang trung chuyển tại Malaysia, Hồng Kông, Singapore. Ưu đãi về phí hàng hải cho tàu feeder còn giúp cụm cảng Cái Mép - Thị Vải thu hút hàng trung chuyển quốc tế từ cảng nhỏ trong khu vực (Campuchia, Thái Lan, Philippines...). Còn ông Seong Won Hong, Tổng Giám đốc Cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cho rằng, Singapore là cảng hàng đầu trên thế giới là do tỷ lệ hàng trung chuyển ở mức rất cao khoảng 80%. Do vậy, việc thu hút hàng trung chuyển chiếm tỷ lệ cao hơn là một mục tiêu rõ ràng để phát triển cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) cũng xác nhận, để phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Vũng Tàu thành cảng trung chuyển container quốc tế, về cơ chế, chính sách nên đề xuất cụm cảng Vũng Tàu - Cái Mép - Thị Vải được hưởng các ưu đãi về các loại thuế áp dụng đối với dự án thuộc ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư chung và các ưu đãi khác về thuế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết khi gia nhập WTO; Cho phép tàu nước ngoài ra/vào làm hàng tại cảng không phải làm thủ tục xuất nhập cảnh với nguồn hàng, chỉ làm thủ tục đối với tàu theo quy định của luật hàng hải. Bài, ảnh: SA HUỲNH
Bài mới hơn
Bài cũ hơn
|