Công nghiệp
Làm thế nào để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ?
Trích tham luận tại Đại hội của đồng chí Bùi Thị Dung, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công Thương) Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh được sự quan tâm của Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sớm nhất cả nước. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V xem CNHT là một trong những giải pháp để phát triển kinh tế của tỉnh. Chủ trương phát triển CNHT của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh đã được các cấp, các ngành trong toàn tỉnh triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể. Năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển CNHT giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2025, xác định 3 lĩnh vực CNHT ưu tiên phát triển là: CNHT ngành cơ khí (phục vụ cho ngành đóng tàu, ngành dịch vụ khai thác và chế biến dầu khí, ngành chế tạo sản phẩm tiêu dùng), CNHT ngành điện - điện tử và CNHT ngành hóa chất. Năm 2013, UBND tỉnh thành lập Ban điều hành phát triển CNHT; ban hành quy trình thủ tục đầu tư trong lĩnh vực CNHT trên địa bàn tỉnh; thành lập KCN Phú Mỹ 3 và KCN Đá Bạc chuyên thu hút các dự án CNHT. Xác định Nhật Bản là đối tác chiến lược để phát triển CNHT, tỉnh đã tổ chức 7 đoàn xúc tiến đầu tư kết hợp tổ chức 11 hội thảo, tham dự 2 diễn đàn kinh tế và 3 cuộc triển lãm tại Nhật Bản; thiết lập cửa sổ liên lạc của tỉnh tại TP. Kawasaki; xây dựng website tiếng Nhật cung cấp thông tin về tỉnh cho các doanh nghiệp Nhật Bản; thành lập Tổ công tác Japan Desk với sự hỗ trợ của chuyên gia cố vấn Nhật Bản; triển khai đào tạo 1.000 công nhân kỹ thuật cho ngành CNHT… Tuy nhiên, đến nay, CNHT của tỉnh vẫn chưa phát triển mạnh. Nguyên nhân khách quan là cơ chế chính sách còn thiếu và yếu. Mặc dù hiện nay Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho lĩnh vực CNHT, trong đó tiêu biểu là Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22-2-2011. Quyết định này đã tạo điều kiện cho các DN trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực này được hình thành. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, quyết định này ra đời nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển CNHT, nhưng vì nội dung còn chung chung nên thực tế chưa phát huy tác dụng. Các hỗ trợ ưu đãi cho DN trong lĩnh vực CNHT được quy định tại Quyết định này gần như không có gì mới so với chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ. Hơn nữa, vì là quyết định nên hiệu lực pháp luật không đủ mạnh so với các nghị định và Luật Doanh nghiệp để thúc đẩy CNHT phát triển. Nguyên nhân chủ quan về phía DN. Các doanh nghiệp CNHT hoạt động riêng rẽ, không tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Quá trình sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong một thời gian dài, các DN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã quen với việc sản xuất tích hợp theo chiều dọc, mọi khâu của quá trình sản xuất sản phẩm đều được khép kín trong nội bộ DN; các DN cung ứng nội địa chưa kết nối được với các doanh nghiệp nước ngoài, mặc dù nhu cầu cung cấp nguyên phụ liệu là rất lớn.
Hoạt động sản xuất trong lĩnh vực CNHT của BR-VT hiện nay còn ở mức thấp, vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu, phụ tùng nhập khẩu. Một số sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất và cung ứng cho thị trường, các doanh nghiệp trong nước chỉ dừng lại ở mức độ gia công các linh kiện, chi tiết theo đơn hàng nhằm sửa chữa và thay thế một số linh kiện, phụ tùng hư hỏng là chính. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất chưa đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn để gia nhập thị trường quốc tế. Điều này dẫn đến chi phí giá thành sản phẩm cao, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Lực lượng sản xuất chủ đạo trong CNHT cũng chưa hình thành. Lực lượng lao động cho các ngành công nghiệp cũng mới tập trung ở các ngành dầu khí, chế biến thủy hải sản…, còn các ngành chế tạo thì hầu như chưa có sự chuẩn bị cần thiết. Nguyên nhân chủ quan về phía tỉnh: Cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện và triển khai chậm là hạn chế lớn nhất khi tổ chức các hoạt động kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư. Cụ thể, năm 2011, Chính phủ đã đồng ý lựa chọn KCN Phú Mỹ 3 làm KCN chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản dành riêng thu hút ngành CNHT với tổng diện tích 999ha. Tuy nhiên, từ đó đến nay gần 4 năm vẫn chưa hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng. KCN Đá Bạc (huyện Châu Đức) được tỉnh chọn làm KCN thu hút nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực CNHT đến nay đã hơn 2 năm vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Việc chậm triển khai các KCN chuyên sâu đã làm mất cơ hội thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung. Công tác xúc tiến đầu tư chưa xác định rõ đối tượng kêu gọi đầu tư và chưa thực sự tiếp cận được các doanh nghiệp có định hướng đầu tư vào BR-VT mà chỉ mang tính chất quảng bá là chính. Kế thừa những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, khắc phục những hạn chế để ngành CNHT của tỉnh có bước phát triển mới trong nhiệm kỳ tới, Sở Công thương xin đề xuất một số giải pháp sau: Thứ nhất, xác định sản phẩm CNHT cần tập trung phát triển. Muốn phát triển ngành CNHT bài bản, cần giới hạn phạm vi hẹp và chi tiết những lĩnh vực, sản phẩm CNHT sẽ phát triển ở tỉnh trong giai đoạn mới, trên cơ sở nhận định rõ và chính xác lợi thế so sánh so với các tỉnh lân cận. Xuất phát từ mục tiêu đó, Sở Công Thương đề xuất sản phẩm CNHT phát triển trong giai đoạn 2016-2020 là CNHT ngành cơ khí giàn khoan, đóng tàu; CNHT hóa dầu và CNHT phục vụ cho hoạt động logistics trên cơ sở lợi thế so sánh của tỉnh là có cảng biển, có dầu khí, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam bộ, là trung tâm điện năng của cả nước. Thứ hai là giải pháp về cơ chế, chính sách. Tỉnh cần kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan ban hành chính sách hỗ trợ cho DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, đặc biệt là hỗ trợ về tài chính như cho vay ưu đãi với lãi suất thấp để các DN nhỏ và vừa trang bị máy móc thiết bị; cần có chính sách miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp CNHT; ổn định lãi suất; hỗ trợ cho các DN áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cụ thể là tiếp cận các máy móc thiết bị có nhu cầu về sản phẩm CNHT để các DN tiếp cận dần bảo đảm sản phẩm CNHT cung cấp đúng tiêu chuẩn sản phẩm theo yêu cầu của nhà đầu tư… Thứ ba, tăng cường vai trò của Ban điều hành phát triển CNHT và mối liên kết vùng. Thành phần Ban điều hành cần mở rộng thêm, bao gồm cả DN đầu tư hạ tầng để tăng cường trách nhiệm, cũng như sự đóng góp của đối tượng này vào việc phát triển ngành CNHT. Tăng cường công tác liên kết vùng, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai để tạo chuỗi liên kết sản phẩm đủ mạnh cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Thứ tư, mở rộng đối tác nước ngoài trong lĩnh vực CNHT. Tỉnh ta xác định Nhật Bản là nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực CNHT là điều đúng đắn, tuy nhiên, cần phải mở rộng thu hút các nước và vùng lãnh thổ khác như: Hàn Quốc, Đài Loan… Cuối năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, mặt khác hiện nay Hiệp định TPP đã kết thúc đàm phán, một lợi thế lớn cho Việt Nam nói chung và tỉnh BR-VT nói riêng là Trung Quốc và Thái Lan - hai nước có hoạt động CNHT mạnh - không tham gia trong Hiệp định, do đó, lợi thế cho việc thu hút ngành CNHT của Việt Nam rất lớn. Chăm sóc chu đáo các nhà đầu tư đang hoạt động tại tỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, tạo sự tin cậy, gần gũi giữa các nhà đầu tư với các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng của địa phương. Thứ năm, phát triển doanh nghiệp CNHT nội địa. Cần tiến hành điều tra, khảo sát, rà soát một cách toàn diện các cơ sở sản xuất, làm tiền đề cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành CNHT trong tỉnh. Trên cơ sở điều tra, khảo sát sẽ lựa chọn một số cơ sở, DN tiềm năng để ưu tiên hỗ trợ thông qua vườn ươm DN, giúp thay đổi công nghệ và cơ chế quản lý, qua đó giúp các DN làm ra sản phẩm có giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh để tham gia vào chuỗi giá trị ngành, đủ khả năng cung ứng cho doanh nghiệp nước ngoài. Thứ sáu, giải pháp về nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cho các ngành CNHT tỉnh BR-VT đến năm 2020. Trong đó, tỉnh cần phối hợp với các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước xây dựng chương trình đào tạo nhân lực kỹ thuật cao cho CNHT, đẩy mạnh đào tạo công nhân bậc cao, công nhân lành nghề cho các lĩnh vực CNHT. Tổ chức các khóa đào tạo về quản lý, công nghệ, thương mại... cho các nhà quản lý doanh nghiệp CNHT. Thứ bảy, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp. Cần phải gắn trách nhiệm của các nhà đầu tư hạ tầng KCN trong công tác xúc tiến đầu tư để đảm bảo các nhà đầu tư hạ tầng nắm bắt tình hình nhu cầu đầu tư, những điều kiện về cơ sở hạ tầng. Các nhà đầu tư hạ tầng KCN phải thường xuyên báo cáo tiến độ triển khai theo giấy phép đầu tư được cấp nhằm ràng buộc nhà đầu tư hạ tầng thực hiện đúng cam kết, đồng thời, cơ quan Nhà nước có thể nắm bắt những khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Song song đó, UBND các huyện, thành phố cần tập trung hỗ trợ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, tránh tình trạng kêu gọi đầu tư nhưng không đáp ứng các điều kiện về cơ sở hạ tầng cho nhà đầu tư.
Bài mới hơn
Bài cũ hơn
|