Tuyên truyền - phổ biến pháp luật Tuyên truyền - phổ biến pháp luật
Một số điểm mới của Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí

Ngày 22/3/2016 Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 05 năm 2016 và thay thế Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng và Điều 2 Nghị định số 118/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

Nghị định có nhiều điểm mới về chủ thể, điều kiện, quyền và nghĩa vụ của chủ thể kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng(LPG) nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh (LPG) ngày càng được quản lý chặt chẽ hơn.

1. Về Chủ thể, Nghị định 19/2016/NĐ-CP  quy định Thương nhân kinh doanh LPG phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật. Trạm nạp LPG vào chai phải thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối; Trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải, trạm cấp LPG và cửa hàng bán LPG chai phải thuộc sở hữu của thương nhân kinh doanh LPG đầu mối hoặc tổng đại lý hoặc đại lý.

2. Về điều kiện

- Đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu  phải có cầu cảng thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu, hoặc “có hợp đồng thuê cầu cảng tối thiểu năm năm” thay cho quy định cũ bắt buộc doanh nghiệp phải có hợp đồng thuê cầu cảng tối thiểu một năm; có số lượng chai LPG các loại đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu với tổng dung tích chứa tối thiểu 3,93 triệu lít ; có hệ thống phân phối LPG và có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu hoặc có hợp đồng thuê nạp LPG vào chai - nhưng sau hai năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LPG phải có trạm nạp LPG vào chai thuộc sở hữu.

- Đối với doanh nghiệp phân phối chỉ cần có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300 m3 đối với LPG chai; 100 m3 đối với kinh doanh LPG qua đường ống; có số lượng chai LPG các loại (không tính chai LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu với dung tích chứa tối thiểu 2,62 triệu lít (khoảng 218.000 chai LPG 12 lít) trong khi Nghị định 107/2009/NĐ-CP buộc doanh nghiệp phân phối phải có tối thiểu 300.000 chai và các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 800 m3.

- Đối với hệ thống phân phối LPG, nghị định 19/2016/NĐ-CP mở ra quyền lựa chọn cho doanh nghiệp hoặc là hệ thống cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm cấp LPG hoặc trạm nạp LPG vào phương tiện vận tải hoặc khách hàng công nghiệp trong khi Nghị định 107/2009/NĐ-CP bắt buộc phải có hệ thống cửa hàng bán LPG chai hoặc trạm cấp LPG hoặc trạm nạp LPG vào ô tô .

3. Về quyền và nghĩa vụ: So với Nghị định 107/2009/NĐ-CP, nghị định mới quy định rõ chỉ có thương nhân kinh doanh LPG đầu mối mới được quyền mua và bán buôn LPG theo hợp đồng; được tổ chức nạp LPG vào chai thuộc sở hữu hoặc nạp thuê hoặc thuê nạp LPG vào chai theo hợp đồng .

Ngoài ra, Nghị định đã bổ sung quy định đối với hoạt động  kinh doanh khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) và khí thiên nhiên nén (CNG), cụ thể:

- Thương nhân kinh doanh khí (LNG)và (CNG) phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

-  Riêng Thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí(LNG)và (CNG) phải đáp ứng các điều kiện như: Có cầu cảng thuộc hệ thống cảng Việt Nam thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc có hợp đồng thuê cầu cảng tối thiểu 05 năm; có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 6.000 m3 đối với LNG; 200.000 Sm3 đối với CNG thuộc sở hữu thương nhân hoặc đồng sở hữu hoặc thuê của thương nhân kinh doanh khí tối thiểu 05 năm đối với LNG và CNG để tiếp nhận khí từ tàu hoặc phương tiện vận chuyển khác; và phải thêm có cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ hệ thống phân phối LNG, CNG bao gồm sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc thuê xe bồn LNG, CNG hoặc đường ống vận chuyển LNG, CNG tối thiểu một năm; sở hữu trạm cấp LNG, CNG hoặc trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện.

- Quy định mới cũng buộc các thương nhân  sản xuất, chế biến khí phải đầu tư hoặc thuê phòng thử nghiệm chất lượng tối thiểu một năm để kiểm tra, thử nghiệm chất lượng khí. Với thương nhân sản xuất, chế biến LNG còn phải đầu tư hệ thống bơm, nạp LNG để vận chuyển hoặc có hệ thống phục vụ hoạt động hóa khí để cung cấp cho khách hàng.

Đồng thời, Nghị định 19/2016/NĐ-CP cũng bổ sung quy định đối với hoạt động pha chế khí;  trình tự, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện  kinh doanh khí, theo đó tất cả các hoạt động kinh doanh khí được quy định tại Nghị định phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Download Nghị định 19/2016/NĐ-CP tại đây.

Thanh Hương – Thanh Tra Sở