Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Nghề thủ công mỹ nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu: Khó khăn từ nhiều phía

Nghề thủ công mỹ nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu: Khó khăn từ nhiều phía 

 

Đã qua rồi thời kỳ vàng son của nghề thủ công mỹ nghệ. Giờ đây, nhìn bụi bám đầy nằm trên các kệ hàng mỹ nghệ các nghệ nhân TP. Vũng Tàu tiếc nhớ những tháng ngày “ăn nên làm ra”. Họ mong đợi Nhà nước có giải pháp khả quan giúp họ bảo tồn và phát huy ngành nghề truyền thống này.

 

KINH DOANH Ế ẨM

 

Nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất hiện và tồn tại từ mấy chục năm nay tại BR-VT, thế nhưng đến nay toàn tỉnh chỉ có khoảng 30 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ với khoảng hơn 20 loại sản phẩm. Hầu hết các cơ sở sản xuất thủ công, chỉ có 1 cơ sở tiên tiến, 7 cơ sở ở dạng công nghệ trung bình. Thị trường tiêu thụ thì tới 99,96% tại nội địa, tỷ trọng xuất khẩu chỉ chiếm 0,04%. Các cơ sở sản xuất phân bố rải rác trong thành phố, các cơ sở kinh doanh tập trung chủ yếu ở Siêu thị mỹ nghệ (STMN), các tuyến đường Trưng Trắc, Thùy Vân, Hạ Long… Sản phẩm làm ra được tiêu thụ thông qua mua bán nhỏ lẻ tại các cửa hàng, nên sản lượng sản xuất và tiêu thụ không ổn định. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các cơ sở đều kinh doanh không hiệu quả, trong đó ế ẩm kéo dài nhất là ở khu STMN Vũng Tàu.

 

 

Trước tình cảnh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ kinh doanh ế ẩm như hiện nay, các nghệ nhân tâm huyết với nghề không khỏi chạnh lòng. Trong ảnh: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại cơ sở Thanh Thêm. Ảnh: Minh Tâm

 

Bà Trần Thị Sáu, một trong những hộ kinh doanh lớn nhất ở STMN Vũng Tàu cho biết: Từ khi vào siêu thị buôn bán, tình hình kinh doanh hết sức khó khăn. Lúc đầu vào STMN có khoảng 45 hộ đăng ký kinh doanh, nhưng sau hơn 2 năm hoạt động, bây giờ chỉ còn chưa đến 10 hộ. Trước đây bà Sáu thuê 4 quầy hàng tại siêu thị với diện tích 80m2 nhưng đến nay chỉ còn 2 quầy với diện tích 40m2. Khách đến mua hàng rất ít, thậm chí có khi cả ngày không có một khách hàng vào. Hàng hóa bán ra không được, mỗi tháng bán được khoảng vài triệu đồng, trong khi chi phí mỗi tháng phải trả 6-7 triệu đồng. Bà Sáu tâm sự: “Tôi đang muốn trả lại bớt quầy, nhưng đã gắn bó bao nhiêu năm, không nỡ bỏ nên tôi cố gắng duy trì”.

 

Không riêng gì hộ bà Sáu, hầu hết các hộ kinh doanh tại STMN nói chung và các hộ kinh doanh mỹ nghệ trên địa bàn TP. Vũng Tàu nói riêng đều nằm trong tình cảnh tương tự. Thu không đủ chi đang là vấn đề nan giải mà các hộ kinh doanh mỹ nghệ ở TP. Vũng Tàu đang phải gánh chịu trong suốt thời gian qua.

 

Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên sản xuất ngày càng bị thu hẹp. Trước đây, chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Vũng Tàu có hàng chục cơ sở sản xuất, thu hút hàng trăm lao động, nhưng đến nay còn lại rất ít cơ sở sản xuất với vài chục lao động.

 

QUẢNG BÁ YẾU KÉM

 

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) nguyên nhân làm cho ngành nghề kinh doanh hàng mỹ nghệ rơi vào tình trạng ế ẩm là do địa điểm kinh doanh chưa phù hợp nên không thu hút khách đến tham quan mua sắm. Giá cả các mặt hàng mỹ nghệ chưa thống nhất, gây mất lòng tin khách hàng. Các cơ sở sản xuất mỹ nghệ chủ yếu là cơ sở nhỏ, hộ cá thể nên việc hoạch định chiến lược kinh doanh, tiếp thị sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Hội Nghệ nhân mặc dù đã được thành lập nhưng chưa phát huy được hiệu quả dẫn đến các cơ sở hoạt động tự phát, không tổ chức quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường nước ngoài.

 

Ngay cả STMN Vũng Tàu được xây dựng quy mô khang trang, sạch đẹp với kinh phí hàng chục tỷ đồng để phục vụ cho việc kinh doanh buôn bán hàng mỹ nghệ, nhưng cũng không đạt được hiệu quả kinh tế như mong muốn. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chưa có một chương trình quảng bá nào về siêu thị này trên các trang web, hay trên các tờ rơi trong các khách sạn, các khu du lịch, khu resort của tỉnh. Thậm chí, tại Giải vô địch Cờ vua trẻ thế giới tổ chức tại TP. Vũng Tàu vừa qua thu hút hàng ngàn du khách quốc tế tham dự, nhưng các gian hàng siêu thị mỹ nghệ cũng không được giới thiệu sản phẩm với du khách. Những hộ kinh doanh ở STMN đang lo ngại, tháng 11 tới đây, khi Cuộc thi hoa hậu quý bà đẹp và thành đạt thế giới diễn ra tại BR-VT, cơ hội quảng bá cho các sản phẩm mỹ nghệ đến được với khách quốc tế cũng trong tình trạng tương tự.

 

CẦN SỰ HỖ TRỢ TỪ NHIỀU PHÍA

 

Phải thừa nhận rằng, ngoài những nguyên nhân, có một yếu tố khác khiến ngành thủ công mỹ nghệ sản xuất ra không bán được, đó là lâu nay các hộ kinh doanh, các nhà sản xuất mới chỉ tính đến chuyện buôn bán nhỏ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các hộ kinh doanh với các nhà sản xuất, các tổ chức Xúc tiến thương mại, các Hiệp hội Du lịch, các nhà xuất khẩu để đưa sản phẩm mỹ nghệ đến với du khách trong và ngoài nước.

 

 

Kinh doanh ế ẩm, các hộ kinh doanh chỉ biết đứng nhìn những gian hàng của mình.

 

Ông Phan Thông Giang, chủ cơ sở mỹ nghệ Giang tại STMN Vũng Tàu, đề nghị chính quyền hỗ trợ kinh phí để các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng mỹ nghệ tham dự các hội chợ triển lãm sản phẩm. Cùng quan điểm đó, ông Dương Bá San, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu cho rằng: Giữa sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu phải bắt tay nhau, để cùng nhau phát triển. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất cũng phải chú ý đến việc xây dựng thương hiệu, bởi thương hiệu gắn với chất lượng, giá cả... Còn bà Nguyễn Thị Cẩm Hà, chủ cơ sở Rơm Vàng trong STMN Vũng Tàu thì mong muốn Nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện quảng bá cho sản phẩm mỹ nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp ngay từ khi xuất hiện những yếu tố khó khăn đầu tiên… Ông Nguyễn Trung Liêm, cán bộ Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh cho rằng, hiện nay BR-VT cũng đã có một số kỷ lục được công nhận là kỷ lục Việt Nam như: Bạch Dinh, Ngọn Hải Đăng hay Thích Ca Phật Đài… Việc tiếp cận để tạo ra ngay những mô hình sản phẩm những kỷ lục này và quảng bá nó cũng rất quan trọng, chắc chắn cũng tạo ra nguồn thu không nhỏ. Mặt khác, một website để quảng bá cho các hộ kinh doanh mỹ nghệ cũng hết sức cần thiết. Trong đó cần ghi rõ những chi tiết về giá bán, địa chỉ…, để khách có thể liên hệ và ký kết được hợp đồng mua bán lớn.

 

Để ngành thủ công mỹ nghệ tồn tại và phát triển, ngay từ bây giờ các cơ quan quản lý Nhà nước cần quy hoạch khu kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất phải nâng cao chất lượng sản phẩm, chú ý đến mẫu mã sản phẩm. Và đặc biệt là cần phải chú ý đến vấn đề xử lý các hóa chất để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với luật pháp quốc tế về vấn đề bảo vệ sinh vật biển…

 

Bài, ảnh: Thu Thảo

 

 

----------------------------------------------------------

 

Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp:

 

Đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm

 

Để nghề thủ công mỹ nghệ tồn tại và phát triển, các cơ sở sản xuất cần tập trung đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mang đặc thù riêng của tỉnh. Muốn làm được điều này chính quyền cần hỗ trợ điểm sản xuất, kinh doanh phù hợp, lâu dài. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo, bồi dưỡng thợ trẻ, đa dạng hóa các sản phẩm sản xuất. Tổ chức, phát động và xây dựng phong trào thiết kế sáng tạo kiểu dáng sản phẩm để bổ sung mẫu mã sản phẩm mới cho ngành thủ công mỹ nghệ. Hội Nghệ nhân cần tổ chức hoạt động mạnh mẽ nhằm tạo sức mạnh tổng hợp về vốn, nhân lực để công tác tiếp thị, tiếp cận thị trường được thuận lợi. Tổ chức các lễ hội mỹ nghệ, các cuộc thi về sản phẩm mỹ nghệ độc đáo gắn với các chương trình, sự kiện tổ chức hàng năm trên địa bàn tỉnh.

 

Hiện nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá cho ngành nghề thủ công mỹ nghệ thông qua các doanh nghiệp du lịch, các tham tán ở nước ngoài, in ấn các tờ rơi để giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ của tỉnh.

 

----------------------------------------------------------

 

Bà Trương Thị Xuân Lộc, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Bà Rịa- Vũng Tàu:

 

Hiện đang có nhiều chương trình hỗ trợ

 

Hiện nay, tỉnh đang có rất nhiều chương trình hỗ trợ phát triển các ngành sản xuất, trong đó có ngành thủ công mỹ nghệ. Cụ thể: Tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia triển lãm hội chợ trong nước và ngoài nước để thông tin quảng bá sản phẩm; Giúp các doanh nghiệp khảo sát thị trường trong và ngoài nước, tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của khách hàng để sản xuất ra mặt hàng phù hợp. Ngoài ra, tỉnh sẽ tổ chức showroom tại TP. Hồ Chí Minh để giới thiệu các sản phẩm độc đáo, đồng thời hỗ trợ xây dựng website miễn phí cho các doanh nghiệp, hỗ trợ kinh phí để xây dựng phát triển thương hiệu. Vì thế, các doanh nghiệp phải biết tranh thủ sự hỗ trợ này bằng cách liên hệ với các hiệp hội để tìm thông tin và tìm sự hướng dẫn các thủ tục để tiếp cận.