![]()
Các gói kích cầu lại "nóng"
Các gói kích cầu lại "nóng" Hôm qua (17/11) Quốc hội họp phiên toàn thể để nghe đại biểu Quốc hội chất vấn các Bộ trưởng xung quanh các vấn đề mà cử tri quan tâm. Người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII lần này là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu. “Đồng tiền Việt Nam mất giá hàng năm” Đây là nội dung đầu tiên mà đại biểu Nguyễn Thị Nga (Thái Nguyên) nêu ra trong phần chất vấn. Đại biểu Lê Thị Nga nêu câu hỏi, Luật Ngân hàng Nhà nước quy định một chức năng rất quan trọng của Ngân hàng Nhà nước là ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thế nhưng trong thời gian qua đồng tiền Việt Nam liên tục mất giá, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân đặc biệt là nông dân, người lao động nghèo, cán bộ hưu trí, sinh viên v.v... và yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết trách nhiệm của mình trong việc để đồng tiền Việt Nam trượt giá. Đại biểu Lê Thị Nga Hơn nữa thời gian tới khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng xăng, dầu, điện, than theo cơ chế thị trường, điều hành tỷ giá ngoại hối linh hoạt theo tín hiệu thị trường, tăng lương tối thiểu và bỏ trần lãi suất của các tổ chức tín dụng, thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp gì giúp Chính phủ vừa thực hiện tốt các chủ trương trên mà vừa thực hiện tốt nhiệm vụ ổn định giá trị đồng tiền, không tiếp tục để mất giá đồng Việt Nam. Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Văn Giàu thừa nhận trong thời gian qua vừa qua, đồng tiền Việt Nam mất giá liên tục. Tuy nhiên, ông Giàu cũng khẳng định, mục tiêu mà ngành ngân hàng theo đuổi là ổn định giá trị đồng tiền nhưng muốn đạt được mục tiêu này đòi hỏi thêm các yếu tố khác, đặc biệt là cơ cấu và hiệu quả của nền kinh tế của chúng ta. “Trong thời gian tới khi chúng ta thị trường hóa giá xăng dầu, than hay tiền lương... cũng sẽ tác động vào sự điều hành, đặc biệt trong đó có chính sách tỷ giá như đại biểu đề cập. Chúng tôi sẽ cùng với các bộ, ngành tiếp thu xây dựng các phương án để chúng ta điều hành một cách tốt nhất”- ông Giàu nói. Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, câu trả lời của Thống đốc còn đơn giản so với yêu cầu của câu hỏi và đề nghị Thống đốc phải kiểm điểm lại hiệu quả hoạt động quản lý trong lĩnh vực này một cách quyết liệt hơn. “Thống đốc cũng cần có giải pháp: Thứ nhất là khi đã có mục tiêu thì phải có giải pháp thực hiện. Mà khi đã không đạt được mục tiêu thì phải kiểm điểm lại xem giải pháp có đúng không? còn nếu giải pháp đúng rồi mà vẫn không đạt mục tiêu thì phải xem là tổ chức thực hiện có đúng không?”- đại biểu Nga nhấn mạnh. Gói kích cầu “lại nóng” Đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu. Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (TP. Hà Nội) đặt vấn đề, trong thời gian qua chúng ta đều biết nhờ sự nỗ lực kiên quyết điều hành của Chính phủ với 8 giải pháp đã giúp đưa nền kinh tế Việt Nam vào giữa năm 2009 bước đầu thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, trong đó có sự đóng góp của chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4%, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế thì chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ được tiếp cận gói kích cầu này, vì thế không thể nói như Báo cáo của Thống đốc rằng, gói kích cầu này đã có tác động rất hiệu quả. “…Chúng tôi đánh giá không phải do tác động của gói kích cầu này về công tác chính sách tiền tệ mà thực chất có một giải pháp trong chính sách tiền tệ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được, đó chính là chính sách nới lỏng tiền tệ và để cho các doanh nghiệp tiếp cận được với các nguồn vốn vay bình thường không hỗ trợ lãi suất. Cụ thể là đã giảm quỹ dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng và giảm lãi suất cơ bản từ 14% xuống 7% thì đã giúp được cho đồng tiền từ trong ngân hàng lưu thông ra ngoài sản xuất kinh doanh mà các doanh nghiệp có thể được tiếp cận". Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn phát biểu. Đại biểu Sơn đặt câu hỏi: “Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc như thế nào trong việc đã gây ra khó khăn cho doanh nghiệp không tiếp cận được vốn kích cầu. Và biện pháp, giải pháp khắc phục để cho sự việc này không tái diễn nữa ?” Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, ngân hàng chỉ chọn lựa một số đối tượng, đặc biệt là đối tượng sản xuất, xuất khẩu và các doanh nghiệp thu hút nhiều lao động để cho vay hỗ trợ lãi suất. Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn Đến nay đã có 102.000/236.000 doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay kích cầu. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng thiếu vốn để tiếp cận ngân hàng, ngoài ra, còn có một bộ phận doanh nghiệp không đủ các điều kiện để được vay vốn. “Tôi nghĩ đưa con số 20% có tiếp cận vốn hỗ trợ lãi suất cũng không phù hợp lắm vì chúng ta đâu có hỗ trợ tất cả các đối tượng - ông Giàu nói- Cũng có ý kiến hiệu quả, không hiệu quả, nhưng theo chúng tôi thì, doanh nghiệp và cả các đồng chí lãnh đạo địa phương đều đánh giá có hiệu quả”. Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn tiếp tục chất vấn: “Chúng tôi và các doanh nghiệp đánh giá, quyết định thắt chặt tiền tệ quá đột ngột và mức độ cao vào cuối năm 2007 là một quyết định chưa đúng. Vì thế cho nên chúng tôi có đặt vấn đề là vấn đề đánh giá như thế có đúng hay không?” Bộ trưởng Võ Hồng Phúc Tham gia vào phần chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khẳng định: “Phải nói rằng gói kích cầu của chúng ta tính tương đương 8 tỷ đôla, trong đó có 4 nội dung: nội dung thứ nhất là hỗ trợ lãi suất, nội dung thứ hai là giảm thuế, nội dung thứ ba là tăng vốn đầu tư, nội dung thứ tư là các hỗ trợ cho an sinh xã hội. Tất cả các giải pháp đồng bộ của gói kích cầu đã giúp chúng ta duy trì được tốc độ tăng trưởng một cách hợp lý của năm 2009” Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Giàu trả lời, ngay từ đầu khi xây dựng đề án để hình thành Quyết định 131, chọn 9 nhóm đối tượng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng có chỉ đạo cần cố gắng làm lan tỏa cả nền kinh tế chứ không phải sẽ tiếp cận toàn bộ xã hội. “Chúng ta tác động vào khu vực để lan tỏa toàn bộ”- ông Giàu kết luận cho phần trả lời đại biểu Sơn. Ở khía cạnh khác, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phát biểu, công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay vốn ưu đãi lãi suất chưa được quan tâm thường xuyên, nên còn có doanh nghiệp sử dụng vốn sai mục đích, có văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước chưa hợp lý, còn phải sửa đổi, bổ sung, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai cho vay vốn hỗ trợ lãi suất. Đại biểu Đỗ Thị Lan đặt câu hỏi, về trách nhiệm của Thống đốc trước những tồn tại nêu trên trong việc chủ trì phối hợp với một số Bộ hướng dẫn triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện các quyết định của Chính phủ. Trả lời câu hỏi, ông Giàu cho rằng: "Kiểm tra trước, trong, và sau đó là nguyên tắc của tín dụng. Quyết định 131 có hiệu lực từ 1/2/2009, Thanh tra ngân hàng đề xuất với tôi tháng 4 đi kiểm tra, nhưng tôi nói mới làm, đi kiểm tra thì ai dám thực hiện. Mãi đến ngày 10/6 tôi mới quyết định cho kiểm tra". Ông Giàu cho biết thêm, ông đã trực tiếp triển khai các hội nghị với tất cả các Tổng giám đốc ngân hàng và cũng đến gặp gỡ các Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại, rồi đi địa phương để kiểm tra. “Tôi cũng quán triệt đến các cán bộ, đừng có làm gì sai khi thực hiện chính sách, bởi vì chính sách tác động đến toàn xã hội, trước hết phải lo cho nước, lo cho dân”- ông Giàu chia sẻ. Hoàng Châu(theo báo Công Thương)
Bài mới hơn
Bài cũ hơn
|