Tiết kiệm năng lượng Tiết kiệm năng lượng
Cắt điện tiết giảm luân phiên: Sức chịu đựng đã đến giới hạn

Cắt điện tiết giảm luân phiên:

Sức chịu đựng đã đến giới hạn

 

Việc cắt điện tiết giảm luân phiên đã làm đảo lộn sản xuất và gây cho các doanh nghiệp những thiệt hại lớn. Trong khi ngành điện cho biết tình trạng thiếu điện vẫn chưa giảm, việc cắt điện còn căng thẳng thì các doanh nghiệp đã tỏ ra không thể chịu đựng hơn được nữa.

 

TẠI SAO KHÔNG XIN THÊM ĐIỆN?

 

Tại cuộc họp ngày 13-5 với các doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ điện lớn trên địa bàn TP. Vũng Tàu, ông Hồ Văn Cường, Giám đốc Điện lực BR-VT cho biết, thực hiện phương thức tiết giảm điện trong tháng 4-2010, sản lượng điện tiêu thụ của tỉnh giảm hơn 1.842.425 KWh, bằng 0,87% tổng sản lượng của tháng 3-2010; Từ đầu tháng 5 đến nay, giảm được 1.649.000 KWh, bằng 2,12% tổng sản lượng của tháng 4. Trong tháng 5 này, chỉ tiêu phân bổ sản lượng điện tiêu thụ của tỉnh chỉ vào khoảng 6.780.000 KWh/ngày (căn cứ vào chỉ tiêu phân bổ từ ngày 10-5 đến 16-5). Để bảo đảm cân đối nguồn điện phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, Điện lực BR-VT đã lập phương án cấp điện theo 3 kỳ và thực hiện theo tuần trong tháng với sản lượng lần lượt là: 275, 280, 285 triệu KWh/ngày. Như vậy, từ nay đến cuối tháng 5 và có thể kéo dài đến giữa tháng 6-2010, tình hình thiếu điện sẽ còn tiếp tục căng thẳng. Hiện nay, ngành điện đang áp dụng phương thức cắt điện trong khu vực dân cư và các phụ tải kinh doanh dịch vụ thuộc lưới công cộng theo chế độ 1 tuần tiết giảm 3,5 ngày (11 giờ/ngày: từ 7 giờ đến 18 giờ) kể cả ngày chủ nhật. Còn các đơn vị sản xuất kinh doanh trong các KCN tập trung, thì áp dụng hai phương thức: tự tiết giảm 2 ngày/tuần và thỏa thuận cắt tiết giảm 2 ngày/tuần. Các nhà máy thép tự tiết giảm 2 ngày/tuần. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài KCN được UBND tỉnh cho phép ưu tiên sử dụng điện (62 doanh nghiệp) thì các Chi nhánh điện đã khảo sát lập phương án cấp đủ điện theo đơn đặt hàng phải xuất khẩu trong tháng 5 và tháng 6 –2010. Các cơ quan sử dụng điện quan trọng (bệnh viện, đài phát thanh truyền hình, UBND, văn phòng đảng ủy các cấp, tòa án, bưu điện...) được chuyển cấp điện sang các tuyến dây ưu tiên, nên việc cấp điện tương đối ổn định.

 

Tình hình cúp điện trên địa bàn tỉnh thời gian qua rất căng thẳng và điều đáng nói hơn là đã gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo Sở Công thương bày tỏ lo ngại về khả năng khó bảo đảm chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu trong quý II-2010 và cả năm. Chia sẻ với khó khăn chung, hầu hết các doanh nghiệp đều nỗ lực tìm giải pháp tự tiết giảm điện, tuy nhiên đa số đều khẳng định nếu ngành điện tiếp tục hạ chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ xuống thì họ không thể tiết giảm được thêm nữa. “Chúng tôi chấp nhận mỗi tuần cắt điện 3 ngày và cũng đã tiết kiệm đủ cách rồi. Ngành điện lấy sản lượng điện của tháng 3 –2010 để áp chỉ tiêu tiết giảm, buộc chúng tôi phải giảm thêm 10% nữa trong tháng 5-6 này thì chúng tôi không thể nào bảo đảm chỉ tiêu được, bởi vì tháng 3 ít khách mà tháng 5,6 lại là mùa cao điểm của du lịch” - ông Đinh Quốc Đạt, Giám đốc điều hành Khách sạn Mỹ Lệ, bức xúc.

 

Chính vì không thể tiết giảm thêm nữa nên các doanh nghiệp đề nghị Điện lực BR-VT phối hợp cùng Sở Công thương và UBND tỉnh kiến nghị ngành điện tăng thêm chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ điện cho tỉnh. Các ý kiến cho rằng, việc xếp BR-VT vào địa phương ưu tiên cấp điện là hợp lý vì trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều ngành công nghiệp quan trọng của Trung ương (dầu khí, thép, điện , đạm) đây là những ngành tiêu tốn điện năng lớn. BR-VT lại có tỷ trọng đóng góp ngân sách lớn, cần ưu tiên cấp điện để bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Một số ý kiến khác đề nghị tỉnh nghiên cứu dự án xây dựng nhà máy sản xuất điện dự phòng để chủ động cấp điện trong những năm sau.

 

CHIA SAO CHO CÔNG BẰNG?

 

“Không cắt điện theo kiểu “cào bằng” giữa các ngành sản xuất” là mong muốn chung của hầu hết các doanh nghiệp sau hơn 1 tháng “sống chung” với tình trạng cúp điện luân phiên. Để có kế hoạch tiết giảm điện công bằng, hợp lý và hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất cho doanh nghiệp, ngành điện cần tiến hành khảo sát lại nhu cầu sử dụng điện, đặc thù của từng ngành sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, ngành thép là ngành tiêu tốn nhiều điện năng nhất (bằng 1/3 sản lượng tiêu thụ toàn tỉnh), cần áp dụng chỉ tiêu tiết giảm cao, để chia sẻ cho các ngành khác. Ngành thủy sản và du lịch hiện đang vào mùa cao điểm phải có chế độ tiết giảm thế nào để bảo đảm không mất cơ hội tăng doanh thu, kim ngạch xuất khẩu, giữ được uy tín với khách hàng. Ông Nguyễn Thanh Đức, Quản đốc Công ty TNHH Đông Nam, doanh nghiệp chế biến hải sản tại KCN Mỹ Xuân A, cho biết từ đầu năm đến cuối tháng 3 do không có nguyên liệu nên nhà máy ngưng hoạt động. Trớ trêu thay, khi lập kế hoạch tiết giảm điện, ngành điện lại lấy sản lượng tiêu thụ của tháng 3 để làm cơ sở áp chỉ tiêu tiết giảm cho tháng 4 và tháng 5. Trong khi đó 2 tháng này do tàu cá về nhiều, nguyên liệu dồi dào nên doanh nghiệp phải tăng công suất sản xuất thì lại thiếu điện. Không riêng Công ty TNHH Đông Nam mà hầu hết các doanh nghiệp chế biến hải sản đều rơi vào tình cảnh trớ trêu như vậy. Mặt khác, hoạt động chế biến hải sản là ngành nghề giải quyết lao động rất lớn. Nếu nhà máy chế biến ngưng hoạt động sẽ kéo theo nhiều hoạt động dịch vụ hậu cần thủy sản khác cũng bị tê liệt.

 

Cũng nhằm bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Kỹ thuật Cảng cá Cát Lở, có những doanh nghiệp đã sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhiều năm, đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương, nhưng vẫn không được ưu tiên sử dụng điện và phải chịu cảnh cắt điện luân phiên như doanh nghiệp mới đăng ký kinh doanh. Điều đó là không công bằng. Liên quan đến vấn đề phân phối điện, một số ý kiến đề nghị, những năm tới tỉnh cần tính toán kỹ khả năng cung ứng điện trước khi cấp phép đầu tư cho doanh nghiệp.

 

                                               Lam Phương (Theo báo BR-VT)

 

Lẽ ra ngành điện nên tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp ngay từ đầu mùa khô, khi đã dự báo khả năng thiếu điện. Sau đó tiến hành khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của từng ngành, từng khu vực sản xuất. Có như vậy thì mới chủ động đề ra kế hoạch tiết giảm điện hợp lý, hạn chế được thiệt hại và bảo đảm công bằng giữa các ngành nghề sản xuất, cũng như giữa các doanh nghiệp với nhau.

 

(Ông Trần Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Stx Europe, Kcn Đông Xuyên)

 

Từ nay đến giữa tháng 6, BR-VT phải tiếp tục thực hiện tiết giảm điện ở cả khu vực dân cư và sản xuất. Ra chỉ tiêu cho doanh nghiệp tự tiết giảm điện vẫn là phương thức tốt mà chúng tôi ưu tiên áp dụng đối với khu vực sản xuất nhằm giảm sự cố điện và đỡ mất thời gian, công quản lý. Tuy nhiên, phương thức này chỉ tiếp tục áp dụng đối với doanh nghiệp hoặc khu vực sản xuất nào thực hiện tốt trong thời gian qua. Đối với các doanh nghiệp ngoài KCN nếu có hợp đồng xuất khẩu trong tháng 5 và tháng 6 thì chúng tôi sẽ khảo sát lập phương án ưu tiên cấp điện. Riêng khu vực dân cư sẽ cắt luân phiên theo lịch không kể ngày chủ nhật, tuy nhiên chúng tôi sẽ đóng điện sớm nếu đã tiết giảm đủ chỉ tiêu trong ngày. Trong tháng 6 nếu cân đối đủ sản lượng điện, chúng tôi sẽ giảm tần suất cắt điện trong khu dân cư.

 

(Ông Hồ Văn Cường, Giám đốc Điện lực BR-VT)

Bài mới hơn
Bài cũ hơn