Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Thông tin về chuyến thăm chính thức Cộng hòa In-đô-nê-xi-a và thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang M

Nhận lời mời của Tổng thống In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô (Joko Widodo) và Tổng thống Mi-an-ma Tin Chô (Htin Kyaw), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Cộng hòa In-đô-nê-xi-a (từ ngày 22 – 24/8/2017) và thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma (từ ngày 24 – 26/8/2017).

Năm nay là năm kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới In-đô-nê-xi-a và Mi-an-ma có ý nghĩa quan trọng, khẳng định Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng các nước láng giềng khu vực, ASEAN.

Bối cảnh chuyến thăm

In-đô-nê-xi-a là nước lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là nước tham gia sáng lập ASEAN, là thành viên của G-20, có vai trò quan trọng trong khu vực. Từ khi lên nắm quyền, tháng 10/2014, Tổng thống Giô-cô Uy-đô-đô nỗ lực đẩy mạnh cải cách và phát triển kinh tế, tạo dựng bầu không khí chính trị hài hòa trong Quốc hội và giữa các đảng phái, giữa Chính phủ với liên minh đối lập. Kinh tế In-đô-nê-xi-a năm 2016 tăng trưởng 5,02%, trở thành một trong 10 quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới, vượt qua Nga, Anh. Về đối ngoại, In-đô-nê-xi-a thực thi chính sách độc lập, tự chủ và phục vụ lợi ích quốc gia, nâng cao vai trò nước lớn trong khu vực, ưu tiên quan hệ với các nước lớn, tăng cường hợp tác đa phương về biển. Quan hệ Việt Nam – In-đô-nê-xi-a phát triển tốt đẹp. Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013 và đang triển khai Chương trình hành động giai đoạn 2014 – 2018. Từ đó đến nay, hai nước duy trì các cơ chế hợp tác song phương; hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư thời gian qua tiếp tục phát triển; thương mại tăng trưởng đều và theo hướng cân bằng; hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo, nông - thủy sản, v.v... phát triển khá tốt. Hai bên hợp tác chặt chẽ trong các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Mi-an-ma là nước đang phát triển, giàu tiềm năng trong khu vực, là địa bàn nhiều nước lớn can dự và tìm kiếm lợi ích. Tiến trình cải cách chính trị và kinh tế của Mi-an-ma bước sang giai đoạn mới. Chính phủ do Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) lãnh đạo tập trung đẩy mạnh cải cách chính trị, hòa giải dân tộc, tự chủ. Về đối ngoại, Mi-an-ma tích cực và khéo léo tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối với tiến trình hòa giải dân tộc,thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế và nâng cao vị thế; mở rộng hợp tác trong ASEAN và phát huy vai trò trong khu vực. Quan hệ Việt Nam – Mi-an-ma phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao, có sự tin cậy chính trị cao, tiềm năng hợp tác lớn, nhưng chưa xây dựng được khuôn khổ hợp tác song phương. Hợp tác kinh tế - thương mại gần đây có bước phát triển mạnh, trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 và nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Mi-an-ma.

Mục đích chuyến thăm

Thực hiện đường lối Đại hội XII của Đảng; thể hiện nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hợp tác và phát triển; khẳng định chính sách Việt Nam tiếp tục coi trọng và tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN.

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa In-đô-nê-xia-a của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử bởi đây là lần đầu tiên người đứng đầu Đảng ta tới thăm In-đô-nê-xia-a kể từ chuyến thăm năm 1959 của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Chủ tịch nước. Chuyến thăm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị, củng có quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác thực chất, tạo lập bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với In-đô-nê-xia-a, trong đó có sự phối hợp trong duy trì môi trường hòa bình, ổn định tại các vùng biển khu vực.

Chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm tạo "dấu mốc mới, tầm cao mới, xung lực mới" cho quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, hai nước đã xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện. Việc xác lập khuôn khổ quan hệ giữa hai nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là thời điểm Mi-an-ma bước sang thời kỳ mới.

Các hoạt động chính và kết quả chuyến thăm

Chuyến thăm Cộng hòa In-đô-nê-xi-a và Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma đã thành công rất tốt đẹp, đạt được tất cả các mục tiêu đề ra ở mức độ cao, tăng cường sự tin cậy chính trị, tình cảm gắn bó gần gũi giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam – In-đô-nê-xi-a, Việt Nam – Mi-an-ma. Cả hai nước đều rất coi trọng chuyến thăm, đã dành cho Tổng Bí thư và Đoàn sự đón tiếp trọng thị theo nghi thức cao nhất và với những đặc biệt lễ tân; bố trí chương trình làm việc rất thiết thực, phong phú. Tổng Bí thư đã hội đàm, hội kiến với Tổng thống Cộng hòa In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Mi-an-ma và hầu hết tất cả các nhà lãnh đạo hai nước. Các nhà lãnh đạo đã trao đổi rất sâu sắc, thực chất về quan hệ song phương trên các lĩnh vực cũng như phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế, thống nhất những biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác thực chất và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.

- Tại In-đô-nê-xi-a, hai bên đã ký kết 06 văn kiện hợp tác quan trọng, gồm: (1) Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH In-đô-nê-xi-a; (2) Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Bộ Luật pháp và Nhân quyền In-đô-nê-xi-a; (3) Thỏa thuận hợp tác về phát triển nông thôn giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Phát triển làng xã, các vùng khó khăn và di cư In-đô-nê-xi-a; (4) Hợp tác về khai thácvà sử dụng khí gas trong vùng phân định giữa hai nước, giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Năng lượng In-đô-nê-xi-a; (5) Hợp tác trong lĩnh vực bán than, ký giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Năng lượng In-đô-nê-xi-a; (6) Ý định thư về tăng cường hợp tác giữa Cảnh sát Biển Việt Nam với Cảnh sát Biển In-đô-nê-xi-a.

- Tại Mi-an-ma, hai bên đã ra Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện giữa nước CHXHCN Việt Nam và CH Liên bang Mi-an-ma và ký kết 4 văn kiện hợp tác, gồm: (1) Chương trình hợp tác văn hóa giữa Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Việt Nam với Bộ các vấn đề Tôn giáo và Văn hóa Mi-an-ma; (2) Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Mi-an-ma; (3) Thỏa thuận về hợp tác giáo dục và công nhận bằng cấp giữa hai nước Việt Nam – Mi-an-ma; (4) HIệp định hợp tác và hỗ trợ nhau trong vấn đề hải quan giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Kế hoạch – Tài chính Mi-an-ma.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư đã thu hút sự quan tâm lớn từ chính giới và dư luận In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma cũng như trong khu vực. Các báo chính thống của hai nước này đã đăng nhiều tin bài đánh giá, phân tích ý nghĩa quan trọng chuyến thăm của Tổng Bí thư và mối quan hệ giữa hai nước. Báo chí các nước trong khu vực và trên thế giới cũng đưa tin rộng rãi và sâu đạm về chuyến thăm, đặc biệt là về các thông điệp của Tổng Bí thư trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế In-đô-nê-xi-a.

Thanh Huyền – P.QLTM