Công nghiệp Công nghiệp
Nhìn lại quá trình phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ 1993 - 2018 tăng trưởng mạnh và có những bước chuyển biến rõ rệt. Đây là giai đoạn đánh dấu bước ngoặt đưa Việt Nam thoát khỏi tình trạng trì trệ, suy thoái, đánh dấu bước phát triển quan trọng của thời kỳ mới: thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bà Rịa – Vũng Tàu được xem là trung tâm công nghiệp Dầu khí Việt Nam với khoảng 95% tổng trữ lượng dầu mỏ và hơn 16% tổng trữ lượng khí thiên nhiên của cả nước, là nơi tập trung nhiều đơn vị đóng mới giàn khoan dầu khí và đóng sửa tàu thuyền các loại. Với sự lớn mạnh của ngành công nghiệp dầu khí, những năm gần đây, hoạt động chế tạo đóng mới các loại giàn khoan dầu khí phát triển mạnh tại Bà Rịa – Vũng Tàu, góp phần nâng vị thế Việt Nam trở thành một trong ba nước khu vực châu Á và một trong mười nước trên thế giới chế tạo được giàn khoan đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu còn là nơi cung cấp khoảng 13% sản lượng điện quốc gia, đã thu hút mạnh các ngành công nghiệp như lọc hóa dầu, chế biến các sản phẩm khí, sản xuất thép, hóa chất, phân bón, vật liệu xây dựng.

 

Hình ảnh Nhà máy Đạm Phú Mỹ (nguồn: internet)

Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh có lợi thế so sánh vượt trội về cảng nước sâu với hệ thống cảng biển đang hình thành và phát triển. Hệ thống sông Cái Mép - Thị Vải là hệ thống sông có nhiều thuận lợi để tàu biển trọng tải lớn tới neo cập và làm hàng nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư là các chủ tàu, các tập đoàn hàng hải lớn trên thế giới tới tham gia đầu tư khai thác như Mearsk (Đan Mạch), PSA (Singapore), SSA (Hoa Kỳ), Mol (Nhật), Hutchison (Hongkong)…Hiện đã có 47 cảng được đưa vào khai thác, với tổng công suất 137,4 triệu tấn/năm. Đặc biệt đã đón được tàu có trọng tải đến 194.000 DWT đi thẳng các nước Châu Âu, Châu Mỹ.

Trong giai đoạn 1993 - 2005: Đây là giai đoạn đánh dấu bước phát triển quan trọng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này có tăng, tuy nhiên không đáng kể. Giai đoạn 2006 - 2010: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp (không tính dầu thô và khí đốt) của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 18,19%/năm. Đây là giai đoạn tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng, dầu khí.

Giai đoạn 2011 - 2015: do ảnh hưởng của giá dầu giảm, tốc độ phát triển ngành công nghiệp khai thác dầu khí giảm nên ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chung của ngành công nghiệp của tỉnh. Giá trị sản xuất trong giai đoạn này tăng bình quân 7,48%/năm. Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác. Tỷ trọng công nghiệp chế biến tăng từ 41,15% năm 2010 lên 52,01% năm 2015; tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm từ 49,64% năm 2010 xuống còn 40,87% năm 2015. Trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, ngành công nghiệp luyện kim và ngành cơ khí là 02 nhóm ngành luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (chiếm 20,29%). Trong giai đoạn này, tnh hnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, suy thoái kinh tế, thị trường nguyên liệu tăng cao đã ảnh hưởng mạnh đến tình hình thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2016 đến nay: giai đoạn này ngành công nghiệp bắt đầu đi vào ổn định và phát triển tập trung vào các ngành chế biến, chế tạo; công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; thân thiện với môi trường, tiêu tốn năng lượng thấp, không thâm dụng lao động, nhằm từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tính đến 6 tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt ước 122.966,19 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 53,65 % trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh), đạt 53,3 % KH năm, tăng 8,17 % so với cùng kỳ (KH 8,56 %). Để đạt được kết quả như trên là nhờ vào các doanh nghiệp đã nổ lực trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư những trang thiết bị hiện đại để sản xuất những sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi ứng dụng những phát triển của khoa học, công nghệ để góp phần gia tăng sản xuất.

Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong Ngành công thương của Tỉnh

Từ năm 1993 đến nay, cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ các doanh nghiệp đã áp dụng xây dựng nhà xưởng từ nhà thép truyền thống sang nhà thép tiền chế với thời gian thi công ngắn, vật liệu nhẹ tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Mặc khác, nhà thép tiền chế được bao phủ bởi vật liệu cách nhiệt, phía trên lợp xen kẽ tấm lợp lấy sáng tạo không gian thoáng mát, đầy đủ sáng cho người lao động trong quá trình làm việc. Người lao động làm việc trong môi trường làm việc thoáng mát, đầy đủ ánh sáng năng suất làm việc sẽ hiệu quả hơn góp phần gia tăng sản xuất. Mặt khác, việc nhà xưởng đầy đủ ánh sáng, thoáng mát giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong việc bố trí, lắp đặt các hệ thống làm mát, chiếu sáng kéo theo đó giảm giá thành sản phẩm tạo sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên thị trường.

Song song với việc ứng dụng khoa học, công nghệ cho người lao động làm việc, các doanh nghiệp còn đầu tư thêm các máy móc, thiết bị hiện đại để gia tăng sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng đạt yêu cầu của thị trường như: Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Dầu khí biển PVD đã đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật cao và hiện đại như Tổ hợp máy phay CNC, Máy tiện CNC có chức năng phay, Máy hàn đắp hợp kim cứng, Máy kiểm tra khuyết tật cần khoan bằng từ tính, Máy bóp và nong cần ống, Máy hàn tự động, Hệ thống máy rửa áp suất cao, ... để tạo ra các sản phẩm ống ren, khớp nối phục vụ cho ngành sửa chữa tàu, thuyền với độ chính xác cao. Hay như Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam đã sử dụng phương pháp cán trực tiếp không sử dụng thiết bị lò gia nhiệt. Đây là phương pháp hoàn toàn mới được ứng dụng nhằm giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, giảm một cách đáng kể lượng chất đốt và điện năng tiêu thụ. Công ty còn sử dụng công nghệ luyện thép lò điện cho phép tái chế và tái sử dụng tài nguyên, ít sử dụng quặng sắt và than hơn so với các lò cao và lò chuyên. Ngoài ra, luyện thép bằng công nghệ lò điện còn giảm được 75% lượng khí CO2 sinh ra, kết hợp trồng nhiều loại cây xanh khác nhau trong các khu vực nhà máy để “phủ xanh” môi trường, làm sạch không khí, hấp thụ carbon dioxide và đạt mục tiêu giảm phát thải carbon.

Ứng dụng khoa học không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI trong các KCN, CCN mà còn diễn ra ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND ngày 10/7/2014 ban hành Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2014 – 2020, qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, thiết bị khuyến khích cho các doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới với mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/đề án (trường hợp tự nghiên cứu), 300 triệu đồng/đề án (trường hợp chuyển giao công nghệ). Thông qua chương trình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh nói chung và ngành công nghiệp nói riêng đã có thể đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp đã nâng cấp, đổi mới dây chuyền thiết bị như: đầu tư thêm máy mới, chuyển đổi dây chuyền từ sử dụng than đá trong sản xuất sang dùng gas.

Để cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với các ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cũng có các chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn đổi mới máy móc, thiết bị với mức hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/01 đề án khuyến công quốc gia và tối đa 200 triệu đồng/01 đề án khuyến công địa phương. Dự kiến trong năm 2018 sẽ hỗ trợ 01 đề án khuyến công quốc gia và 15 đề án khuyến công địa phương.

 

Hình ảnh nghiệm thu dây chuyền sơn tĩnh điện tại Công ty TNHH SX TM DV Nam Cường Đoàn Kết thuộc chương trình khuyến công

Hiện nay, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm thiểu thời gian sản xuất sản phẩm, nâng cao chất lượng của các sản phẩm; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang là xu hướng và định hướng phát triển trong tương lai. Ứng dụng, đổi mới thiết bị giúp cho các doanh nghiệp bắt kịp, cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường như: máy bào, đánh bóng, đục lỗ phục vụ sản xuất các sản phẩm từ gỗ; máy cắt, ép góc, mài, phay, dây chuyền sơn tĩnh điện phục vụ sản xuất nhôm …).

Tuy nhiên đi đôi với thành công luôn đồng hành có sự thất bại. Bên cạnh một số doanh nghiệp đổi mới máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ thành công vào trong sản xuất kinh doanh có một số doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới thiết bị để tạo ra những sản phẩm mới phục vụ nhu cầu thị trường nhưng sản phẩm, chất lượng không đạt yêu cầu, chi phí đầu tư lớn, sản phẩm không bán ra được thị trường dẫn đến một số doanh nghiệp không duy trì được hoạt động sản xuất, sản xuất cầm chừng hoặc giải thể. Vì vậy, các doanh nghiệp trước khi đổi mới thiết bị, ứng dụng công nghệ cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ trước khi đi vào thực hiện.

 

Hình ảnh sản xuất thép cuộn tại Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam

Giải pháp để thúc đẩy giải quyết tốt vấn đề công nghệ kỹ thuật cho doanh nghiệp

Thực hiện quyết định số 895/QĐ-UBND ngày 09/4/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm năm 2015, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí giai đoạn 2016-2020 tăng 8,86%/năm; giai đoạn 2021-2025 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11%/năm; giai đoạn từ năm 2026 đến 2035, tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 10-12%/năm, Sở Công Thương đã có những giải pháp thúc đẩy tập trung giải quyết tốt vấn đề công nghệ kỹ thuật cho doanh nghiệp như: Triển khai thực hiện và hoàn thành tốt Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2014-2020. Trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp CNHT, trong việc hỗ trợ vốn đầu tư đổi mới công nghệ. Tiếp tục thực hiện chủ trương khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế: ISO, HACP, TQM, BVQI, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội SA 8000…,thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn mác sản phẩm và quyền sở hữu công nghiệp phục vụ phát triển hội nhập. Thực hiện kế hoạch đánh giá trình độ công nghệ đối với các ngành hàng sản xuất công nghiệp chủ lực trên địa bàn. Lập ngân hàng dữ liệu thông tin về công nghệ để hỗ trợ, cung cấp thông tin, tư vấn doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường công nghệ, lựa chọn công nghệ phù hợp để doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư, đổi mới sản xuất và hỗ trợ đàm phán các hợp đồng chuyển giao công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn thông qua phát triển hoạt động nghiên cứu cũng như phát triển hệ thống doanh nghiệp cung ứng tại Việt Nam. Ưu tiên các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện môi trường. Xây dựng cơ chế đặc biệt thu hút các nhà đầu tư, tranh thủ các kênh chuyển giao, hợp tác khoa học công nghệ, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm công nghệ cao. Hình thành một số ngành, sản phẩm, doanh nghiệp công nghệ cao. Khuyến khích phát triển các dịch vụ công nghệ, xây dựng thị trường công nghệ, thường xuyên định kỳ mở hội chợ công nghệ và thiết bị. Hình thành các trung tâm giao dịch công nghệ, sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ tại địa phương.

Cảnh Toàn- Phòng QLCN