Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan vào chiều ngày 12 tháng 11 năm 2018. Đây là một quyết định chính trị quan trọng, khẳng định nước ta chủ động trong hội nhập quốc tế, nâng cao nội lực, khả năng ứng phó với tác động của kinh tế thế giới, đồng thời thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do khác. Quốc hội  đồng ý áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định CPTPP, trong đó áp dụng trực tiếp một số quy định về biểu thuế, phòng vệ nông nghiệp, trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp, về miễn giấy chứng nhận xuất xứ, về minh bạch hóa, về giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư…

Nguồn: Internet

Nghị quyết yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định và Nghị quyết cũng giao Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại.

Việc tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến…Tuy nhiên, có nhiều thách thức khi gia nhập CPTPP như: chịu sức ép cạnh tranh về thương mại hàng hóa sẽ làm cho một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn; các lĩnh vực nhạy cảm như hạ tầng viễn thông, đầu tư vào báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình; thách thức về hoàn thiện khung pháp luật, thể chế, để thực thi được chúng ta phải sửa đổi phù hợp,..