Tin tức sự kiện
Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại
Ngày 01 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 316/QĐ-TTg ban hành Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”. Mục tiêu chung của Đề án nhằm xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm, từ đó, theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước; đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững. Bên cạnh đó, Đề án cũng tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng DN trong việc nắm tình hình, thường xuyên cập nhật những điều chỉnh trong chính sách thương mại của các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Đồng thời, phân tích, dự báo, sớm phát hiện những chính sách cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đề án còn hướng tới tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng vệ thương mại theo hướng bảo vệ lợi ích hợp pháp của các DN Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu. Ngoài ra, hệ thống cảnh báo sớm giúp giám sát hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam để phát hiện những trường hợp tăng trưởng nhập khẩu quá nóng, có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước. Đề án cũng đề ra các mục tiêu cụ thể cho giai đoạn trước mắt (tới năm 2021) và giai đoạn tiếp theo (tới năm 2025) như xây dựng cơ sở dữ liệu, phân tích, cung cấp thông tin cảnh báo trong quan hệ thương mại với 20 đối tác thương mại thường xuyên áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; củng cố cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong việc cảnh báo, ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại; bồi dưỡng, đào tạo về phòng vệ thương mại cho 1000 cán bộ, 30 hiệp hội ngành hàng và 5000 doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ/ngành, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch triển khai nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao trong Đề án. Ái Hằng – P.QLTM
Bài mới hơn
Bài cũ hơn
|