Chỉ đạo điều hành
Chỉ thị tăng cường thực hiện công tác an toàn – vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ trong ngành Công Thương.
Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 17/4/2014 về việc tăng cường thực hiện công tác an toàn – vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ trong ngành Công Thương. Qua đó, đánh giá năm 2013, ngành Công Thương đã có nhiều cố gắn thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (AT-VSLĐ-PCCN). So với năm 2012, tai nạn lao động chết người giảm 7,1% về số vụ và giảm 8,5% về số người. Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động, sự cố cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, công tác AT-VSLĐ-PCCN vẫn còn nhiều tồn tại. Theo số liệu báo cáo tổng hợp từ các đơn vị, năm 2013 ngành Công Thương xảy ra 39 vụ tai nạn lao động làm 43 người chết. Đặc biệt, thời gian gần đây trong lĩnh vực sản xuất thép đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng làm bị thương nhiều người. Nguyên nhân chủ yếu của các tồn tại trong công tác AT-VSLĐ-PCCN là do nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động chưa đầy đủ, ý thức chấp hành luật pháp, chấp hành các quy định về kỷ luật lao động, quy trình, quy chuẩn về AT-VSLĐ-PCCN chưa cao; Công tác kiểm tra giám sát an toàn chưa hiệu quả, nhất là trong việc phatgs hiện, xử lý các vi phạm trong quản lý kỹ thuật, vi phạm nội quy, quy trình an toàn; Công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tay nghề, kiểm tra sát hạch quy trình, quy chuẩn chưa thực sự được coi trọng, chưa đảm bảo chất lượng, còn đối phó, hình thức đặc biệt với đối tượng lao động phổ thông, hợp đồng thời vụ tại các đơn vị (bốc vác, sơ chế, vệ sinh…). Để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sức khỏe an toàn cho người lao động, góp phần ổn định và phát triển sản xuất, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc các nội dung sau đây: 1. Kiện toàn tổ chức bộ máy và phân định trách nhiệm về công tác AT-VSLĐ-PCCN; đẩy mạnh triển khai thực hiện các quy định tại thông tư số 43/2010/TT-BCT ngày 29/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về quản lý an toàn trong ngành Công Thương. 2. Tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ một cách toàn diện tình trạng an toàn của dây chuyên công nghệ máy, thiết bị đang vận hành và có biện pháp khắc p hục những điểm khiếm khuyết chưa đảm bảo an toàn; Kiên quyết đình chỉ sản xuất đối với dây chuyền công nghệ, máy, thiết bị không đủ điều kiện an toàn. 3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình, quy định về AT-VSLĐ-PCCN; Rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định, các biện pháp về an toàn để phù hợp với công nghệ, máy, thiết bị của doanh nghiệp. 4. Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo chất lượng, phù hợp với công việc của từng người, đồng thời yêu cầu người lao động phải sử dụng trong khi làm việc; Nơi làm việc của người lao động phải đảm bảo an toàn. 5. Tổ chức tốt việc huấn luyện an toàn; Thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ. Riêng đối với các doanh nghiệp sản xuất thép, ngoài các yêu cầu trên, để tăng cường an toàn trong sản xuất và tránh lặp lại những sự cố tương tự, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương, Tổng công ty Thép Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra và chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất thép thuộc phạm vi quản lý thực hiện ngay một số nội dung sau đây: - Bố trí đủ cán bộ có năng lực, trình độ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; - Kiểm tra các điều kiện vật tư, nguyên liệu, thiết bị, khắc phục ngay các thiếu sót, tồn tại trước khi bắt đầu ca sản xuất; Rà soát ngay các quy trình, quy định về an toàn trong cơ sở sản xuất, đảm bảo đầy đủ các quy trình, quy định an toàn phù hợp với công nghệ, máy, thiết bị của cơ sở; - Máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và phải có đầy đủ các quy trình vận hành, xử lý sự cố, sửa chữa, bảo dưỡng và quy định an toàn khác theo quy định; - Kiểm tra các hệ thống báo cháy, chữa cháy, các phương tiện chữa cháy đảm bảo về số lượng và chất lượng; Tăng cường xây dựng và kiện toàn các phương án cứu hộ, tổ chức cứu hộ và định kỳ tổ chức diễn tập cứu nạn tai nạn lao động. Các Sở Công Thương cần nâng cao vai trò quản lý về AT-VSLĐ-PCCN tại địa phương, đặc biệt cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với lĩnh vực sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, khai thác khoáng sản, kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, sản xuất thép và an toàn đập thủy điện. Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương tình hình thực hiện Chỉ thị này. Đình Hiệp- tổng hợp.
Bài mới hơn
Bài cũ hơn
|