LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Rau xanh phục vụ Tết: Cạnh tranh bằng giải pháp sản xuất rau an toàn

Theo kế hoạch sản xuất rau xanh vụ Đông-Xuân 2014-2015, BR-VT sẽ xuống giống hơn 2.000ha rau các loại. Trong đó có khoảng 1.000ha rau phục vụ dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Với diện tích rau khá lớn trong dịp Tết, ngành nông nghiệp đưa ra nhận định nguồn cung rau sẽ dồi dào và phải cạnh tranh mạnh mẽ với nguồn rau từ các địa phương khác đổ về.

Bà con trồng rau xã Tân Hải (huyện Tân Thành) kiểm tra đất, nhặt cỏ trước khi xuống giống rau phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Theo phản ảnh của bà con trồng rau xanh trên địa bàn tỉnh, vụ rau Tết được coi là vụ chính của người trồng rau bởi sức tiêu thụ và giá bán cao hơn so với ngày thường. Hiện sản lượng rau sản xuất trên địa bàn tỉnh bình quân đạt 1,8 tấn/ha và trong dịp Tết này sẽ có khoảng 18.000 tấn rau xanh các loại thu hoạch tại địa bàn. Theo ông Võ Văn Dưỡng, nông dân trồng rau tại “vựa rau” Tân Hải (huyện Tân Thành), giá bán rau vụ Tết tại vườn không cao hơn ngày thường nhiều, nhưng sức mua có thể tăng lên gấp 4 lần. Mặt khác, rau xanh vụ Đông-Xuân cũng cho năng suất cao hơn và ít sâu bệnh với các vụ khác, vì vậy, thu nhập cũng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm.

Dựa vào chu kỳ sinh trưởng và phát triển của các loại rau, bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, người trồng rau đã xuống giống để kịp thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, su hào xuống giống trước Tết 2 tháng; cải ngọt, mồng tơi và ngò chỉ cần 1 tháng… Vừa chăm sóc vườn củ cải có diện tích 4 sào, anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) cho biết: Sở dĩ củ cải phải xuống giống sớm, bởi đây là nguyên liệu làm dưa món và chế biến trước khoảng nửa tháng mới kịp ăn vào dịp Tết. Với 4 sào củ cải này, anh Tuấn dự tính sẽ thu khoảng 12 tấn củ, lãi khoảng 30-40 triệu đồng. Nói về kế hoạch trồng rau Tết của mình, anh Lê Kim Trung, ở xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) cho biết, anh chỉ trồng xà lách, cải cúc và một số rau gia vị.

Theo người trồng rau, mặc dù rau xanh trên địa bàn tỉnh đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, nhưng trên thị trường vẫn có rất nhiều loại rau có nguồn gốc từ các tỉnh khác đổ về với giá thấp hơn. Vì vậy, để cạnh tranh, ngoài việc tăng năng suất, người trồng rau đang hướng tới việc sản xuất rau an toàn hoặc trồng những loại rau, quả không “đụng hàng” để cung cấp cho thị trường. “Để cạnh tranh hiệu quả, người trồng rau đã quan tâm nhiều hơn đến việc trồng rau sạch. Phương pháp canh tác theo thói quen như thấy rau có bệnh là phun thuốc trừ sâu, diệt cỏ, bón phân hóa học đang được bà con loại bỏ dần khỏi việc canh tác rau xanh” - ông Dưỡng cho biết. Một cán bộ Hội Nông dân xã Tân Hải (huyện Tân Thành) cho hay, hoạt động trồng rau trên địa bàn xã đang phát triển theo hướng sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường, vừa giảm chi phí sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng và còn bảo vệ chính sức khỏe cho người trồng rau. Theo đó, các biện pháp được nhiều bà con áp dụng như tăng biện pháp trừ sâu, bệnh theo phương pháp thủ công hoặc dùng thiên địch (duy trì những sinh vật bảo vệ cây trồng), hạn chế bón phân hóa học….

Dự báo, thị trường rau xanh phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 sẽ có sức mua lớn, giá cao và sẽ có sự cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm từ các tỉnh khác đổ về. Vì vậy, theo Sở NN-PTNT, để cạnh tranh hiệu quả, ngoài việc sản xuất rau an toàn, người trồng rau cần tính toán và tham khảo kỹ nhu cầu thị trường cũng như thời tiết để xuống giống đúng thời điểm. Nếu không, nguy cơ rau xanh của bà con “thua” ngay trên thị trường trong tỉnh là điều có thể xảy ra.

Nguồn: baobariavungtau.com.vn