LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Ngành Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu: Một năm nhìn lại

Ngành Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu: Một năm nhìn lại

Ông Đỗ Vân Long trình bày báo cáo tổng kết ngành

Năm 2014, trong bối cảnh kinh tế cả nước còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới phục hồi chậm, cạnh tranh trong tiêu thụ hàng hoá toàn cầu ngày càng gay gắt, bất ổn về chính trị tại một số khu vực trên thế giới đã tác động bất lợi đến quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam… Trong khi đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh còn chậm, một số khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chậm được tháo gỡ… các yếu tố trên đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên với quyết tâm phấn đấu cao, Ngành Công Thương tỉnh đã cùng với doanh nghiệp và các địa phương nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, của Tỉnh ủy-Hội đồng nhân dân-Uỷ ban nhân dân tỉnh, chủ động triển khai các chương trình, giải pháp nhằtm vượt qua khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế trên địa bàn tỉnh. Kết quả năm 2014, các chỉ tiêu của ngành vẫn tăng trưởng và có chuyển biến tích cực vào những tháng cuối năm khi tình hình kinh tế cả nước dần khởi sắc.

Sản xuất công nghiệp

Các doanh nghiệp nhận giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành, trừ dầu thô và khí đốt tăng 8,97% (cao hơn so với mức tăng 5,29% của năm 2013). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao nhất với mức tăng 17,38%; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 7,8%; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý nước thải, rác thải giảm 4,32%.

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) chỉ tăng 2,16% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu trừ dầu thô và khí đốt tăng 6,73% (cao hơn mức tăng 6,13% năm 2013). Về sản phẩm chủ yếu, hầu hết đều tăng trưởng hơn so với năm 2013, tập trung ở các mặt hàng có thị trường xuất khẩu ổn định (dệt may, da giầy,…) hay tỷ trọng lớn như (vật liệu xây dựng). Trong số 21 sản phẩm công nghiệp chủ yếu chỉ có 2 sản phẩm giảm so với cùng kỳ là dầu thô và tháp gió. Trong đó dầu thô giảm 3,94% do giàn khoan Đại Hùng được đưa đi sửa chữa, bảo dưỡng nên ảnh hưởng đến việc khai thác; tháp gió giảm 1,29% do bị thua kiện chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ nên việc xuất khẩu vào thị trường này tạm thời ngưng, buộc doanh nghiệp phải giảm sản xuất.

Về tình hình triển khai các khu, cụm công nghiệp chuyên sâu phục vụ ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT): Đề án thành lập khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2715/QĐ-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2014 và đang được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng đang xây dựng cơ chế chính sách cho KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3. Ngoài ra, Thủ tướng đã cho phép bổ sung KCN Đá Bạc giai đoạn 1 với diện tích 300 ha vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020, trong đó bao gồm cả 75 ha của cụm công nghiệp Đá Bạc đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã có văn bản số 9078/UBND-VP chấp thuận chủ trương thành lập KCN Đá Bạc giai đoạn 1, trong đó bao gồm cả 75 ha của cụm công nghiệp Đá Bạc hiện do Công ty Cổ phần Đông Á Châu Đức làm chủ đầu tư. Cụm Đá Bạc là cụm công nghiệp chuyên sâu để thu hút các doanh nghiệp ngành CNHT từ Nhật Bản. Đến nay, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã thực hiện khoảng 95% và san lấp mặt bằng được khoảng 80%, hiện chủ đầu tư đang xúc tiến làm thủ tục xin phép xây dựng nhà xưởng, nhà văn phòng và các công trình tiện ích khác. Về chính sách ưu đãi, chủ đầu tư có chính sách miễn tiền thuê nhà xưởng trong 03 năm đầu và giảm 50% trong 03 năm tiếp theo cho nhà đầu tư thứ cấp.

Nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp trong năm vừa qua tuy đã có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc hơn so với năm trước nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và tồn tại hạn chế như: sản xuất công nghiệp vẫn chưa khắc phục được tình trạng phát triển theo chiều rộng, vẫn phát triển theo hướng gia công, lắp ráp; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị chưa đạt yêu cầu phát triển, nguyên liệu đầu vào vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; sản xuất công nghiệp của tỉnh nhìn chung vẫn phụ thuộc rất lớn vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài; hoạt động đầu tư vào ngành CNHT chưa phát triển, chưa thu hút được sự quan tâm của các DN trong nước và nước ngoài; việc đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm và kéo dài.

Hoạt động xuất nhập khẩu

Hoạt động xuất khẩu năm 2014 được xem như điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh khi đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Kim ngạch xuất khẩu toàn địa bàn ước hơn 16 tỷ USD, vượt kế hoạch 6,78%, tăng 13,96% (cao hơn mức tăng tăng 1,57% của năm 2013). Riêng kim ngạch xuất khẩu trừ dầu khí 2,77 tỷ USD, vượt kế hoạch 26,95%, tăng 37,47% (năm 2013 tốc độ tăng trưởng âm).

Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng tốt chủ yếu do doanh nghiệp giữ vững được thị trường truyền thống, giá xuất khẩu một số mặt hàng tăng (dầu khí, hải sản, da thuộc, vải giả da…), đặc biệt sản phẩm cơ khí tăng trưởng đột biến do trong năm xuất khẩu được tàu sang Singapore với trị giá lớn đã góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu cao vẫn chủ yếu ở những nhóm mặt hàng do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất và là những mặt hàng dựa vào thâm dụng lao động và gia công hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2014 ước 2.986 triệu USD, tăng 23,82%, đạt 109,83% kế hoạch năm. Trong đó, tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu còn rất lớn (97,98%), nhất là nguyên liệu gia công sản xuất… cho thấy tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài. Trong khi đó, nhập khẩu máy móc thiết bị và phụ tùng giảm mạnh 56,57%, cho thấy việc đổi mới trang thiết bị cho sản xuất vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức do tình hình khó khăn về vốn và hiệu quả kinh doanh chưa cao.

Hoạt động nội thương

Tình hình thị trường trong năm ổn định, cân đối cung cầu hàng hoá được đảm bảo, đáp ứng các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai tích cực cùng với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần tạo nên sự thay đổi lớn trong nhận thức của người tiêu dùng hàng Việt. Năm 2014, Sở Công Thương đã tổ chức 19 đợt hàng Việt về nông thôn và 01 đợt đưa hàng Việt về Côn Đảo nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng Việt cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 11,55% (thấp hơn mức tăng 13,57% của năm 2013), đạt 107,8% kế hoạch năm. Tổng doanh thu thương mại dịch vụ tăng 10,04% (năm 2013 tăng 13,34%), đạt 108,22% kế hoạch năm. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2014 trên địa bàn tỉnh chỉ tăng 1,47% (cả nước tăng 1,84%).

Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm; công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân, các cơ sở kinh doanh không buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng… bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thương mại của các cơ sở kinh doanh. Kết quả trong năm 2014, lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra 1.741 tổ chức và cá nhân kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn, phát hiện 212 vụ vi phạm, giảm 43,77% so với năm 2013, đã xử phạt và thu nộp ngân sách 2.410 triệu đồng.

Trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, hoạt động sản xuất – kinh doanh – xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả đáng khích lệ nói trên là sự nỗ lực đóng góp của tỉnh, của ngành và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung sức phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu chung của ngành cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Trâm Anh – P.KHTC