LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
Hội thảo kết nối cung – cầu giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản: Mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp

Nằm trong chuỗi hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phía Nam do tỉnh BR-VT đăng cai tổ chức, chiều 24-9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương), Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) và Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) tổ chức hội thảo “Kết nối cung – cầu giữa DN Việt Nam – Nhật Bản”. Các ông: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hirotaka Yasuzumi, Trưởng đại diện Jetro tại TP.Hồ Chí Minh cùng 350 đại biểu đại diện các Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp 20 tỉnh, thành phía Nam, các DN Việt Nam - Nhật Bản tham dự hội thảo.

Hội thảo kết nối cung – cầu giữa doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong các lĩnh vực chế tạo thiết bị, công nghệ môi trường, nông nghiệp thực phẩm và đại diện các Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công, trung tâm xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp đến từ 20 tỉnh thành khu vực phía Nam Việt Nam. Đây là cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp giữa hai nước đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư phát triển công nghiệp – thương mại – du lịch, quảng bá thương hiệu, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng và sản phẩm nông thôn tiêu biểu của đơn vị và doanh nghiệp mình.

 

Ông: Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Kết nối cung cầu giữa Việt Nam và Nhật Bản là hoạt động với mục đích giúp  doanh nghiệp hai nước có cơ hội trực tiếp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi để tìm kiếm những khách hàng đáng tin cậy, đẩy mạnh hợp tác kinh doanh, xúc tiến đầu tư. Đồng thời kết nối cung cầu đóng vai trò quan trọng  trong việc kết nối các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trong nước và ngoài nước với hệ thống phân phối, nhằm hỗ trợ các địa phương phát triển các sản phẩm tiềm năng và đưa sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách rộng rãi và thuận lợi hơn. Thúc đẩy việc hình thành chuỗi cung ứng tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương với chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm và những sản phẩm lương thực - thực phẩm thiết yếu cung ứng vào hệ thống phân phối. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của 20 Tỉnh thành phía Nam trong việc tiếp tục sản xuất sản phẩm hàng hóa đồng thời cũng là một trong những giải pháp thực hiện hiệu quả nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước

Đánh giá của các DN Nhật Bản cho thấy, thời gian gần đây, Việt Nam được xem là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, vì đây là một thị trường lớn, có sức mua đang tăng, kinh tế những năm gần đây phát triển khá. Tính đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản có 2.619 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 37,5 tỷ USD, chiếm 14,3% tổng số dự án và 14,6% tổng vốn đầu tư của Việt Nam. Riêng tại BR-VT, hiện trên địa bàn tỉnh có 22 dự án của Nhật Bản với tổng vốn đăng ký hơn 2,3 tỷ USD. Thời gian qua, DN Nhật Bản đóng vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, trong đó có BR-VT. Tháng 7-2013, Việt Nam đã phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, trong đó ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp mũi nhọn bao gồm: điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Với mục tiêu đưa 6 ngành này thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế, các ngành này sẽ giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư của DN trong và ngoài nước, trước hết là DN Nhật Bản. Các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam được đánh giá là hoạt động có hiệu quả, công nghệ tốt.

 

Các đại biểu tham dự tại hội thảo

Tại hội thảo, các DN Nhật Bản đã giới thiệu về năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực như gia công cơ khí, công nghệ, thực phẩm, cơ khí nông nghiệp, linh kiện điện tử… Đại điện Công ty Chienowa Việt Nam, 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản cho biết, Công ty này bắt đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam từ năm 2007. Hiện tại Công ty đang hoạt động trên các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển sản xuất các loại cảm biến và ứng dụng cảm biến dựa trên công nghệ Nhật Bản. Với công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản và đội ngũ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, Chiennowa Việt Nam luôn sẵn sàng cung cấp các sản phẩm tốt và dịch vụ tốt nhất cho đối tác Việt Nam. Ông Hirotaka Yasuzumi, Trưởng đại diện Jetro tại TP.Hồ Chí Minh cho biết thêm, hiện có rất nhiều DN Nhật Bản đang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ, bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao, giao thông… Tuy nhiên, để sự hợp tác này phát huy hiệu quả, Việt Nam cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh để DN Nhật Bản triển khai đầu tư một cách thuận lợi nhất.

 

Bà Đỗ Thị Minh Trâm, Cục phó Cục Công nghiệp địa phương

Bà Đỗ Thị Minh Trâm, Cục phó Cục Công nghiệp địa phương cho biết, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất với các kênh phân phối hàng hóa nội địa truyền thống và hiện đại là một trong những sáng kiến của Bộ Công thương nhằm tạo cú hích cho sức cầu, mở rộng thị trường, giải phóng hàng tồn kho – nút thắt lớn nhất của nền kinh tế hiện nay. Thời gian qua đã có nhiều mô hình liên kết được hình thành, xuất phát từ sự thúc đẩy của các cơ quan quản lý cũng như từ hoạt động thực tiễn sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, ở một số DN vẫn còn khó tiếp cận kênh phân phối này do hạn chế về thương hiệu, sản lượng hàng. Một số nhà sản xuất chưa thông hiểu các thủ tục cần thiết để ký kết hợp đồng lớn. Chính vì vậy, để kết nối cung cầu hiệu quả, các DN không chỉ nỗ lực tìm kiếm đối tác mới mà còn phải biết xây dựng thương hiệu uy tín, tạo nên mối quan hệ làm ăn lâu dài, ổn định. Ý kiến của các cơ quan chức năng cũng cho rằng, các DN Việt Nam và Nhật Bản có thể cùng hợp tác nhằm xây dựng một ngành sản xuất có khả năng cạnh tranh cao, hiệu quả bền vững. DN Việt Nam cũng có thể nâng cao hơn nữa về kỹ thuật, kỹ năng cũng như chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho DN.

Đình Hiệp - VPS