LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Văn bản pháp luật công đoàn Văn bản pháp luật công đoàn
Chỉ thị số 01/CTLT-BCN-CĐCN về tổ chức phong trào thi đua năm 2007

Chỉ thị số 01/CTLT-BCN-CĐCN về tổ chức phong trào thi đua năm 2007

 

BỘ CN-CÔNG ĐOÀN CNVN  CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Số: 01/CTLT-BCN-CĐCN         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                                     Hà Nội ngày 03 tháng 01 năm 2007

 

CHỈ THỊ

Về tổ chức phong trào thi đua năm 2007

Năm 2007 là năm đầu Việt Nam là thành viên của WTO. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thi đua lập thành tích thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2007 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Nhiệm vụ của ngành Công nghiệp trong năm 2007 hết sức nặng nề, việc phấn đấu thực hiện cho được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội bức xúc, nâng cao hơn nữa khả năng cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế đòi hỏi toàn Ngành phải có những nỗ lực rất lớn nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng trên 16%, thay đổi cơ cấu theo hướng cổ phần hoá, nâng cao vai trò của doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong đầu tư xây dựng, trong sản xuất kinh doanh của từng ngành công nghiệp.

Phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển của năm 2007, Bộ Công nghiệp và Công đoàn Công nghiệp Việt Nam phát động phong trào thi đua trong toàn ngành Công nghiệp với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Phát huy mọi nguồn lực để phấn đấu đạt mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp từ 16% trở lên, giá trị gia tăng công nghiệp trên 11% so với năm 2006, cơ cấu công nghiệp - xây dựng chiếm 42% GDP.

2. Tiếp tục rà soát, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, các địa phương và vùng lãnh thổ và những sản phẩm công nghiệp quan trọng; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong công tác đầu tư xây dựng; tập trung chỉ đạo triển khai đúng tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia như thuỷ điện Sơn La, lọc dầu Dung Quất, Khí Điện-Đạm Cà Mau, các dự án khai thác và chế biến khoáng sản (đồng, bô xít, sắt) đây là những dự án có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Xây dựng và triển khai thực hiện các dự án phát triển hàng xuất khẩu trước hết là những sản phẩm thực hiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

3. Cơ cấu lại và hợp lý hoá sản xuất công nghiệp. Tăng cường đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm, giảm chi phí đầu vào; đặc biệt là các ngành Dệt-May, Da Giầy, Giấy, Thép, chế biến sữa, Bia - Rượu - Nước giải khát. Củng cố nâng cao chất lượng  các sản phẩm Cơ khí, Luyện kim, Điện tử nhằm phát triển một bước tiến mới chương trình cơ khí hoá, tự động hoá trong sản xuất công nghiệp. Hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng và lãnh thổ, phân bố hợp lý các nguồn lực. Tập trung đẩy mạnh sản xuất công nghiệp của những ngành chủ yếu, đặc biệt tốc độ tăng trưởng công nghiệp và dịch vụ công nghiệp ở các địa phương lớn như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương. Chú trọng công tác phát triển, nghiên cứu, phân tích thị trường, xây dựng thương hiệu mới và nâng cao giá trị thương hiệu trên thị trường, kể cả ở trong và ngoài nước.

4. Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm trọng điểm như dệt may, giầy dép, hàng điện tử và linh kiện, than đá, dầu thô, sản phẩm cơ khí, dây và cáp điện... và chú trọng quan tâm đến những giải pháp ứng phó với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm đã và đang có thị trường ở trong nước và quốc tế, hạ giá thành trong sản xuất, nâng cao uy tín sản phẩm, tạo niềm tin cho khách hàng, chiếm giữ và phát triển thị trường một cách ổn định, bền vững. Phổ cập tiêu chuẩn chất lượng ISO đến từng doanh nghiệp, các đơn vị hành chính để nâng cao chất lượng quản lý và chất lượng sản phẩm.

5. Về công tác quản lý nhà nước của Bộ, cần tham gia tích cực vào quá trình tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường phù hợp với tiến trình thực hiện cam kết gia nhập WTO của nước ta. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiện có, xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách mới, khuyến khích phát triển công nghiệp. Tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính ở cơ quan Bộ và các Sở Công nghiệp, tập trung trong các lĩnh vực cấp giấy phép, duyệt dự án cũng như xử lý vụ việc hàng ngày. Đơn giản hoá và công khai hoá mọi hoạt động quản lý nhà nước theo nội dung cải cách hành chính. Xây dựng nếp văn hoá công nghiệp trong lãnh đạo và quản lý.

6. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất công nghiệp, từng bước xây dựng ngành công nghiệp có tính tự động hoá cao, có hàm lượng nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực không những giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn cả về đạo đức, tác phong làm việc công nghiệp, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

7. Tiếp tục đẩy mạnh tiến độ sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 9 Khoá IX và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo dõi hoạt động của các Tập đoàn, các Tổng Công ty, các doanh nghiệp sau khi đã chuyển đổi mô hình để kịp thời tham mưu về cơ chế chính sách cho sự ổn định và phát triển, đặc biệt là khâu Tài chính, Tổ chức cán bộ và Đầu tư, rút kinh nghiệm để hoàn thiện cơ chế hoạt động của các mô hình Tập đoàn, Công ty mẹ - Công ty con, Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên.

8. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập của người lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân viên chức, lao động, giảm thiểu tối đa số vụ tai nạn lao động, số người bị chết vì tai nạn lao động. Thực hiện tốt công tác thanh tra, giám sát, chống quan liêu, tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí, chống thất thoát trong xây dựng cơ bản, trong thực hiện các dự án khoa học công nghệ.

9. Chuẩn bị tốt các điều kiện vật chất kỹ thuật cho kế hoạch năm 2007, kế hoạch 5 năm 2006-2010, đảm bảo cho phong trào thi đua luôn được tổ chức, thực hiện rộng khắp, liên tục có hiệu quả kinh tế cao, chủ động phát hiện các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phong trào. Đặc biệt chú trọng công tác phát hiện và xây dựng điển hình tiên tiến và tổ chức nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, tổ chức thi đua với các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong đơn vị cơ sở, trong ngành hàng và trong toàn ngành công nghiệp. Tôn vinh người tốt việc tốt, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các phong trào thi đua. Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội đồng Thi đua Khen thưởng trong các doanh nghiệp đã được chuyển đổi mô hình, chuyển đổi sở hữu.

Phát huy thành tích đã đạt được trong năm 2006 và tập trung thực hiện tốt những định hướng, nhiệm vụ chung dã được đề ra cho năm 2007 của ngành Công nghiệp, Lãnh đạo Bộ Công nghiệp, Công đoàn Công nghiệp Việt Nam kêu gọi cán bộ công nhân viên chức, lao động toàn ngành ra sức phấn đấu cùng nhau thi đua để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2007 ngay từ tháng đầu, quý đầu và quyết tâm hoàn thành kế hoạch 5 năm 2006-2010 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành Công nghiệp Việt Nam.

TM. BAN THƯỜNG VỤ CĐCNVN         BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

                CHỦ TỊCH

         Đỗ Đăng Hiếu                               Hoàng Trung Hải