Cơ chế “3 bên”: Cách hạn chế tranh chấp lao động
“Cơ chế “3 bên” (người lao động – Nhà nước – Chủ sử dụng lao động) đang cần được hoàn thiện”, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã khẳng định như thế tại buổi làm việc với các ngành chức năng của tỉnh bàn về quan hệ lao động. Đây đang là vấn đề bức xúc được các cấp, các ngành quan tâm, bởi nếu cứ duy trì tình trạng “phận ai nấy giữ” thì không chỉ người lao động bị thiệt mà chính chủ sử dụng lao động phải gánh chịu hậu quả khi các cuộc đình công, lãn công xảy ra.
THIẾU CƠ CHẾ
Ông Mai Đức Chính, Phó Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khẳng định: “Quan hệ lao động (QHLĐ) thực chất là quan hệ giữa: Người lao động (NLĐ) - Nhà nước - người sử dụng lao động (NSDLĐ). Cả ba sẽ cùng bàn bạc, hoạch định những chính sách và tìm giải pháp giải quyết các mâu thuẫn trong QHLĐ, nhằm bảo đảm quyền lao động, quyền được làm việc trong điều kiện tốt nhất, an toàn nhất; quyền được hưởng thù lao tương xứng và không bị bóc lột sức lao động; quyền tham gia vào tổ chức và hưởng phúc lợi xã hội... Thế nhưng lâu nay mối quan hệ này vẫn chỉ dừng lại ở các hoạt động đơn lẻ kiểu... “phận ai nấy giữ”.
Nói về vấn đề này, bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc VCCI Vũng Tàu bức xúc: “Theo quy định, chúng tôi có vai trò đại diện cho chủ sử dụng lao động, nhưng thực tế không thể thực hiện. Bởi hiện nay chưa có cơ chế cụ thể nào qui định vai trò đại diện cho giới chủ của VCCI. Vì thế, các doanh nghiệp không chấp nhận vai trò cầu nối của VCCI, mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức mình”. Bên cạnh đó, công đoàn cấp cơ sở cũng chưa thực sự đại diện bảo vệ quyền lợi NLĐ, mà phần lớn chỉ chú trọng các hoạt động văn, thể, mỹ… khiến cho NLĐ phải tự phát đấu tranh.
Hầu hết các ý kiến tại buổi làm việc với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đều thống nhất cho rằng, QHLĐ hiện đang bị buông lỏng, mạnh ai nấy làm. Nhà nước ban hành văn bản, chính sách nhưng chưa quan tâm xem chính sách đó có phù hợp với thực tiễn hay không; NSDLĐ thì chỉ chú ý đến lợi nhuận; còn NLĐ khi nảy sinh mâu thuẫn chỉ còn phương pháp duy nhất để đòi hỏi quyền lợi là đình công. Vì vậy, xây dựng cơ chế 3 bên là đòi hỏi cấp thiết để xây dựng QHLĐ hài hoà, ổn định, tiến bộ theo hướng tôn trọng “tính tự nhiên”. Đồng thời phải xác lập, vun đắp nó bằng những quy định đồng bộ và toàn diện, tránh để cơ chế 3 bên trở thành “có cũng như không”.
XÂY DỰNG CƠ CHẾ ĐỐI THOẠI
Theo bà Huỳnh Thị Nhân, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, thành viên Đoàn công tác Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, để thực hiện tốt QHLĐ cần xây dựng được cơ chế đối thoại 3 bên. Bà Nhân lấy ví dụ: “Ngay trong việc trả lương cho NLĐ, mức lương tối thiểu thực chất chỉ là mức “sàn” đối với lao động giản đơn. Còn tiền lương NLĐ có tay nghề là do hai bên thỏa thuận. Muốn thế, phải có cơ chế đối thoại để NLĐ thỏa thuận ký với NSDLĐ. Hoặc như khi có phát sinh mâu thuẫn giữa NLĐ và NSDLĐ nếu có cơ chế đối thoại sẽ giảm bớt tình trạng đình công, lãn công tập thể. Tuy nhiên, để làm được cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của công đoàn cấp cơ sở”.
Bà Vũ Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng khẳng định: “Tổ chức công đoàn cơ sở hiện chưa thực hiện hết vai trò bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Hầu hết cán bộ công đoàn đều do chủ doanh nghiệp trả lương nên bắt buộc phải phục tùng chủ doanh nghiệp. Vì thế, chưa có tổ chức công đoàn nào dám lãnh đạo đình công. Năm 2008, toàn tỉnh có 16 cuộc tranh chấp lao động tập thể với 2.631 lao động tham gia nhưng tất cả đều không đúng trình tự quy định pháp luật”. Theo đó, các đại biểu cho rằng, phải sửa Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật liên quan để tăng cường vai trò công đoàn cấp trên cho công đoàn cơ sở (tham gia đàm phán). Thậm chí ở những nơi chưa có công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên trực tiếp đại diện NLĐ. Bên cạnh đó cần nhanh chóng xây dựng cơ chế đối thoại 3 bên nhằm tạo sự đồng thuận giữa doanh nghiệp, NLĐ và công đoàn. Bởi chỉ khi hài hòa lợi ích của cả 3 bên mới hạn chế tối đa các cuộc đình công và tranh chấp lao động tập thể.
Theo báo BRVT