Việt Nam có thể giảm nhẹ tác động của khủng hoảng,bằng cách kích thích kinh tế trong nước
Sáng 1-6,tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới hỗ trợ khu vực tư nhân đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), một hoạt động gắn với Hội nghị giữa kỳ nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) dành cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước,sẽ diễn ra tại Ban Mê Thuột trong 2 ngày 8 – 9-6-2009.
Tham dự diễn đàn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc; bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB);đại diện các bộ, ngành, các tổ chức, hiệp hội và hơn 300 nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Diễn đàn đã đánh giá tổng quan về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; giới thiệu sơ lược Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ; các nhóm công tác: Ngân hàng, Thị trường vốn, sản xuất & Phân phối,Du lịch, Giáo dục, Khai thác khoáng sản, Cảng biển, Sở hữu trí tuệ, Đất đai, Viễn thông, Điện & Năng lượng..., nhấn mạnh đến các khó khăn, trở ngại trên các lĩnh vực như: thủ tục hành chính, tài chính, ngân hàng, tín dụng, thuế... mà doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại Việt Nam đang phải đối mặt; kiến nghị các giải pháp tháo gỡ.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại Âu châu tại Việt Nam (EuroCham) hoan nghênh Chính phủ Việt Nam trong việc sửa đổi thành công Luật thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Sự thay đổi này khá cạnh tranh so với các nước cùng khu vực, đã thu hút các chuyên gia nước ngoài có chuyên môn cao đến làm việc. EuroCham sẵn sàng giúp đỡ Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ những rào cản còn tồn đọng trong tiến trình gia nhập WTO....
Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam kiến nghị Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam xem xét mở cửa và xúc tiến FDI mạnh mẽ vào các khu vực cơ sở hạ tầng trọng yếu hoặc các ngành “công ích”, để có được các ngành dịch vụ mang tính cạnh tranh quốc tế, các ngành dịch vụ có thể hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực: viễn thông, điện và năng lượng, giao thông và phân phối và phát triển lượng lao động (giáo dục và đào tạo)..
Ông Ashok Sud, Chủ tịch nhóm Công tác Ngân hàng đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã áp dụng gói kích cầu cũng như đảm bảo kiềm chế thâm hụt thương mại, ít nhất trong 5 tháng đầu năm 2009 ở mức rất thấp. Ông Ashok Sud cũng kiến nghị Ngân hàng và Chính phủ Việt Nam cần xem xét một lộ trình hướng tới tương lai cho ngành ngân hàng, như: Cổ phần nước ngoài trong ngân hàng địa phương Việt Nam; sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong Dự thảo Luật các Tổ chức Tín dụng sẽ được đệ trình lên Quốc hội vào tháng 9 năm nay..., để giúp Việt Nam dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn vay của nước ngoài...
Các đại biểu tham dự diễn đàn cùng nhất trí, trong tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay, Việt Nam cần tập trung vào việc duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Việt Nam có thể giảm nhẹ tác động của khó khăn từ bên ngoài, bằng cách kích thích kinh tế trong nước, thông qua việc tạo lập môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia sâu rộng hơn vào đầu tư cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng...
Theo TTXVN