Trao đổi với VnExpress.net bên lề hội thảo về lộ trình hội nhập ngành logistics trong ASEAN diễn ra ngày 22/8, ông Lê Quang Lân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên Bộ Công Thương cho rằng doanh nghiệp tham gia lĩnh vực logisctics (dịch vụ thương mại gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi…) chủ yếu hoạt động ở quy mô nhỏ và đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với doanh nghiệp ngoại. Logistics với mục tiêu chính là hỗ trợ vận tải quốc tế, nhưng Viêt Nam mới chỉ tập trung vào nội địa. “Cơ sở hạ tầng yếu, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp lại chưa cao dẫn đến khả năng tham gia vào các dự án lớn còn hạn chế”, ông Lân nói.
Hội thảo hội nhập ngành logistics tại Đà Nẵng sáng 22/8. Ảnh: Trà Bang |
Sau gần 10 năm Việt Nam hội nhập, các doanh nghiệp nước ngoài góp phần thúc đẩy ngành logistics của Việt Nam nhưng đồng thời cũng là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp gây sức ép rất nhiều đối với doanh nghiệp nội. Các doanh nghiệp ngoại có khả năng quản trị, nguồn vốn dồi dào, nhờ vậy đã có nhiều lợi thế hơn trên đất Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Giang Tiến, Phó tổng giám đốc Công ty Vietfracht, ngành logistics của Việt Nam gặp khó bởi thưc tế các quy định còn chồng chéo, không rõ ràng. Ông Tiến đưa ra ví dụ, luật cho phép xe tải chỉ được chạy trong thành phố sau 22h. Vì vậy, chỉ sau “giờ giới nghiêm”, các xe tải vận chuyển hàng hóa mới ồ ạt tranh thủ chở hàng. Song tài xế lại phải dở khóc dở cười vì môt số địa phương quy định, từ 22h đến 6h sáng, các phương tiện giao thông cấm không được làm ồn. “Chính những quy định chồng chéo không thống nhất đã trói buộc đẩy doanh nghiệp vào thế bí”, ông Tiến than.
Thực tế, theo ông Tiến ngành vận tải của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đươc kỳ vọng của khách hàng như thời gian giao hàng chưa chính xác, chứng từ hóa đơn giao nhận còn sai sót. Ông Tiến cho rằng, chính những chi tiết tưởng chừng như rất nhỏ đã khiến doanh nghiệp Việt làm rầu lòng “thượng đế”. Thêm vào đó, khả năng marketing kém, nguồn nhân lực đào tạo không chuyên, cơ sở hạ tầng từ đường sắt cho đến đường bộ còn yếu là nguyên nhân doanh nghiệp nội chỉ có thể làm đại lý phân phối cho các hãng nước ngoài.
Cùng chung quan điểm trên, ông Lê Quang Trung, Phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý và Phát triển dịch vụ logistics Tổng công ty Hàng hải Viêt Nam cho rằng, các doanh nghiệp nội đang bắt tay nhau để cùng… tự sát. Ông Trung đưa ra minh họa, không ít doanh nghiệp trong nước đã đưa ra giá dịch vụ vận tải, kho bãi quá bèo. Các công ty đua nhau chào giá thấp để cạnh tranh và rốt cuộc tạo thành một cuộc đua để rồi không ai có lãi. “Trong khi đó, bộ máy còn neo người, thiết bị vận tải lạc hậu nhưng giá cả thấp làm các doanh nghiệp không cơ cơ hội để cơ cấu lại. Cách làm này chẳng khác nào rủ nhau cùng tự sát”, ông Trung lo ngại.
Các doanh nghiệp nước ngoài là những nhà đầu tư lão luyện với số vốn khổng lồ thì doanh nghiệp Việt mới chỉ lặc lè làm thầu phụ, triển khai từng công đoạn, mà không đủ khả năng thực hiện cả chuỗi vận tải. “Các doanh nghiệp Việt Nam cần hiện đại hóa phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực để hội nhập tốt hơn”, ông Tiến chia sẻ.