LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Dịch vụ logistics Dịch vụ logistics
Gắn thẻ chip cho hàng hoá, logistics nội địa thêm sức cạnh tranh

Chính vì thế, việc khai thác dịch vụ 3PL tại Việt Nam hiện do nước ngoài độc diễn, với 95% thị phần. Tuy nhiên, theo ông Đặng Tấn Phong, trưởng phòng kế hoạch kinh doanh của công ty TNHH một thành viên ICD Tân Cảng Sóng Thần, từ năm 2011, khi trung tâm phân phối hiện đại của đơn vị này đi vào hoạt động, ngành logistics trong nước, đặc biệt là dịch vụ 3PL, có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Hai trở ngại lớn nhất

Theo ông Phong, trung tâm này được xây dựng từ tháng 9.2010 với tổng vốn đầu tư gần 70 tỉ đồng, chưa tính chi phí về đất. Với 24.000m2, trung tâm có đầy đủ những thiết bị hiện đại như hệ thống, trang thiết bị bốc xếp, máy quét mã vạch... thích hợp với hệ thống của khách hàng. "Với trung tâm này, mọi trạng thái của hàng hoá cũng như chuyển dịch của chúng đều có thể nhận thấy bằng việc quét mã vạch. Có nghĩa là, chúng tôi biết được có bao nhiêu hàng ở từng vị trí, cũng như việc hàng được nhập kho khi nào", ông Phong cho biết.

Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư mạnh cho logistics như công ty cổ phần đầu tư và sản xuất giày Thái Bình, công ty cổ phần giao nhận U&I... tuy nhiên hệ thống công nghệ thông tin cũng chưa thể đáp ứng. Nói về vốn, nhiều doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng để đầu tư một trung tâm phân phối vài chục tỉ đồng hay phần mềm quản lý về kho bãi của Mỹ mà Tân Cảng Sóng Thần vừa mua với tổng số tiền hơn 100.000 USD, tuy nhiên điều đó chưa đủ. Để vận hành một trung tâm phân phối hiện đại, theo ông Phong, doanh nghiệp cần một đội ngũ nhân sự thật sự chuyên nghiệp. Theo phân tích của ông Phong, những khách hàng lớn như Kimberly Clark thường sử dụng phần mềm mới nhất trên thế giới để quản lý hàng. Do đó, nếu phần mềm của trung tâm phân phối không thích hợp với phần mềm của doanh nghiệp để trao đổi dữ liệu, thì trung tâm chỉ là cái kho chứa hàng không hơn không kém.

Ông Phong cho rằng, doanh nghiệp trong nước hiện vướng hai trở ngại lớn nhất khiến khả năng cạnh tranh thấp so với doanh nghiệp nước ngoài. Đó là năng lực quản trị nhân sự chưa chuyên sâu và công nghệ thông tin còn lạc hậu. "Đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin đòi hỏi vốn khá lớn và chuyên biệt cho một vài khách hàng. Nhìn một số doanh nghiệp hoạt động về logistics của nước ngoài như DHL, Logitem... có thể thấy, thế mạnh của họ là một hệ thống quản trị thông tin toàn cầu. Khi vào Việt Nam, những doanh nghiệp này chỉ cần cập nhật thêm, trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn trắng tay", ông Phong nhận định.

Thời gian đầu, Tân Cảng Sóng Thần sẽ sử dụng hệ thống quét mã vạch để quản lý hàng hoá. Tuy nhiên, hiện công ty đang nghiên cứu chuyển sang hệ thống quản lý thông minh hơn với việc gắn thẻ chíp cho hàng hoá (RSID). Nếu việc này được tiến hành, có thể nói, ngành logistics Việt Nam sẽ cạnh tranh công bằng với nước ngoài, bởi ở thị trường Việt Nam hiện chưa có doanh nghiệp nào gắn thẻ chíp cho hàng hoá. Ngay cả Metro cũng đang trong quá trình nghiên cứu.

Còn nhiều tiềm năng

Giá trị thị trường 3PL được tạo ra chủ yếu từ bốn ngành gồm bán lẻ hàng tiêu dùng, hàng thiết bị công nghệ cao, thiết bị ôtô và dược phẩm, trong đó, ngành hàng bán lẻ chiếm khoảng 90% giá trị thị trường logistics và có tốc độ tăng trưởng trung bình 14,7%/năm. Thống kê cho thấy, chi phí cho dịch vụ 3PL của các doanh nghiệp có tổng giá trị ước đạt 2,5 tỉ USD trong năm 2010, chiếm khoảng 15 – 20% tổng giá trị thị trường ngành logistics, thấp hơn rất nhiều so với con số 50% của Ấn Độ.

Theo thống kê, chi phí logistics ở Việt Nam thường chiếm từ 18 – 21% GDP, trong đó 4 – 6% thuê ngoài, còn lại doanh nghiệp tự làm. Trong khi đó, ở những nước hiện đại, dịch vụ logistics thường được doanh nghiệp thuê nhằm giảm chi phí về nhân lực, kho bãi... mà lại chuyên nghiệp. Thực tế này cho thấy, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong nước vẫn còn khoảng 15% GDP để khai thác. Đối với kinh doanh logistics, Nhà nước không bảo hộ, do đó các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh rất mạnh, tuy nhiên chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Những doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Kinh Đô, Trung Nguyên... vẫn đang tự làm dịch vụ logistics. "Tự làm logistics chỉ là giải pháp tạm thời khi doanh nghiệp logistics trong nước chưa đáp ứng về dịch vụ", ông Phong nói.

Theo ông Phong, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thường có xu hướng tập trung vào những hoạt động cốt lõi của họ và thuê những doanh nghiệp chuyên về logistics quản lý chuỗi cung ứng. Về mặt tổng thể, có thể thấy thuê logistics sẽ tốt hơn về mặt dịch vụ, giảm thiểu sai sót và chắc chắn là hiệu quả hơn. Ông Phong đưa ra ví dụ, trong cấu thành giá sản phẩm của Vinamilk, logistics chiếm khoảng 15%. Nếu muốn giảm chi phí này xuống 13%, hay thấp hơn nữa, Vinamilk phải cần đến những doanh nghiệp chuyên về logistics.