Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, qua đó, nhằm từng bước khắc phục tình trạng phát triển nhỏ lẻ, manh mún của các cơ sở, DN cơ khí trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đồng thời, chương trình khuyến công sẽ hỗ trợ dài hạn, toàn diện nhằm đồng hành với các cơ sở, DN cơ khí.
Công ty TNHH Sản xuất Hoàng Phi (huyện Châu Đức) một trong số ít DN có sự đầu tư về máy móc, nguồn nhân lực. |
Nhỏ lẻ, chưa hiệu quả
DNTN cơ khí Đinh Tú có nhiều lợi thế khi đóng tại địa bàn huyện Tân Thành, bởi đây là trung tâm công nghiệp của tỉnh với nhiều KCN lớn. Hiện các sản phẩm phụ tùng thay thế, thiết bị công nghiệp của DN này đã được các công ty lớn như Thép Posco, Thép Hoa Sen, Gạch men Hoàng Gia… chấp nhận. Tuy nhiên, ông Đinh Lê Tú, chủ DNTN Đinh Tú cũng thẳng thắn thừa nhận, hệ thống thiết bị cơ khí của DN quá cũ kỹ, lạc hậu so với nhu cầu thị trường. Cụ thể là máy hàn, máy tiện của DN là máy cũ của Nhật đời 95, sản xuất cách đây gần 20 năm. Ông Đinh Lê Tú nói: “Chúng tôi cũng nhận thức được rằng, việc đầu tư công nghệ mới sẽ giúp cho chất lượng sản phẩm cao hơn, thời gian được rút ngắn, chi phí giảm. Tuy nhiên, để đầu tư hệ thống thiết bị và công nghệ mới, chúng tôi cần thêm khoảng 10 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn so với một DN sản xuất đơn lẻ. Vì vậy, DN mong muốn có một kênh hỗ trợ vốn và được kết nối làm ăn trực tiếp với các nhà máy có nhu cầu để việc tiêu thụ sản phẩm được ổn định hơn”.
Các sản phẩm cơ khí của tỉnh chủ yếu chỉ thực hiện gia công, lắp ráp. Trong ảnh: Các DN tìm hiểu các sản phẩm cơ khí của các cơ sở, DN cơ khí trên địa bàn tỉnh. |
Mới đây, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã tiến hành khảo sát 10 DN thuộc lĩnh vực cơ khí trên địa bàn tỉnh. Có 6 DN đạt hệ số đóng góp công nghệ trên trung bình. Qua khảo sát cho thấy, sản phẩm của lĩnh vực này còn ít so với nhu cầu của các ngành công nghiệp khác. Các DN ngành cơ khí còn hạn chế về khả năng tài chính cũng như nguồn nhân lực trong các khâu, từ thiết kế kỹ thuật, công nghệ mua sắm thiết bị đến chế tạo, lắp ráp, xây dựng nên khó “thắng” được các hợp đồng lớn, tổng thầu EPC. Hầu hết các DN cơ khí làm gia công, lắp ráp. Chỉ có một số ít DN trong chuyên ngành dầu khí được chỉ định và giao nhiệm vụ. Khảo sát còn cho thấy, việc cạnh tranh, đấu thầu trong sản xuất chưa công bằng. Ngay trên địa bàn tỉnh còn thiếu sự hợp tác, phân công, phân chia sản phẩm trong sản xuất. Một số DN cơ khí đầu tư sản xuất chưa đạt hiệu quả cao hoặc chưa có sản phẩm chủ lực, ấn tượng…
Sản xuất ống ren tại Công ty TNHH Vietubes, KCN Đông Xuyên (TP. Vũng Tàu). |
Tạo cơ hội cho ngành cơ khí phát triển
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 100 dự án, nhà máy cơ khí đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực: Cơ khí hàng hải, cơ khí dầu khí, cơ khí tàu thuyền, cơ khí chế tạo, cơ khí kết cấu thép, cơ khí gia công sửa chữa, luyện cán thép… tập trung chủ yếu ở TP. Vũng Tàu và huyện Tân Thành. Tuy nhiên, theo ông Trương Thành Công, Chủ tịch Hiệp hội cơ khí tỉnh, ngành cơ khí của BR-VT còn khá non trẻ. Hầu hết các DN cơ khí làm gia công, lắp ráp, chỉ có một số ít trong chuyên ngành dầu khí được chỉ định và giao nhiệm vụ; cạnh tranh, đấu thầu trong sản xuất chưa công bằng… Ngoài ra, phần nhiều các cơ sở gia công cơ khí quy mô nhỏ có năng lực sản xuất manh mún, nguồn lực về vốn yếu, năng lực quản lý hạn chế, lao động chủ yếu chưa qua đào tạo; máy móc thiết bị cũ, lạc hậu; sản phẩm đơn chiếc không đồng đều, chất lượng chưa cao, chưa có thương hiệu nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại và thị trường tiêu thụ còn bó hẹp. Hầu hết các cơ sở sản xuất tự phát, không có kế hoạch phát triển lâu dài, chưa gắn với phát triển công nghiệp, nhất là lĩnh vực có nhiều lợi thế như khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp đóng tàu, cảng biển…
Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, hiện đơn vị này được Sở Công thương giao nhiệm vụ đề xuất các chương trình kết nối giữa các cơ sở sản xuất cơ khí với các đơn vị tiềm năng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kết nối thông tin với bên có nhu cầu thuộc cùng lĩnh vực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ lẫn nhau giữa các bên.
Bài, ảnh: THẢO PHƯƠNG
ÔNG TRƯƠNG THÀNH CÔNG, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI CƠ KHÍ TỈNH: Tập hợp, liên kết các DN theo hướng hợp tác Với chức năng nhiệm vụ của mình, Hội Cơ khí tỉnh sẽ tập hợp, liên kết các DN theo hướng hợp tác và phân công chuyên sâu trong ngành, hỗ trợ khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; giúp các DN cơ khí đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn và trình độ chuyên nghiệp cao; đổi mới công nghệ tạo ra nhiều sản phẩm cơ khí chất lượng, cạnh tranh… Đây là những việc làm cấp thiết không chỉ phục vụ nhu cầu của địa phương mà còn tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ - một trong những mắt xích quan trọng đối với chiến lược tái cơ cấu kinh tế của tỉnh. BÀ TRẦN KIM THU, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KHUYẾN CÔNG VÀ TƯ VẤN CÔNG NGHIỆP TỈNH: Hỗ trợ phải mang tính tập trung, cụ thể Cơ khí gia công, sửa chữa, chế tạo đóng vai trò chính trong sự phát triển của ngành công nghiệp tỉnh BR-VT. Nhưng xu hướng chung của các DN cơ khí yếu đều ở cả 3 thành phần: nhân lực, thông tin, tổ chức. Thành phần trang thiết bị có xu hướng vượt trội so với các thành phần còn lại nhưng chỉ đang tiếp cận với mức trung bình, công nghệ bán tự động. Do vậy, nội dung hỗ trợ cần tập trung 3 vấn đề chính: Kết nối và cung cấp thông tin cần thiết, đào tạo cho người quản lý và lao động; giới thiệu công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất đáp ứng yêu cầu tối thiểu của sản phẩm và phù hợp xu thế chung; giới thiệu chính sách hỗ trợ vốn cho các cơ sở nhỏ, vừa và siêu nhỏ. BÀ LÊ THỊ NGỌC LAN, CHỦ DNTN KIM ĐÔNG PHƯƠNG, XÃ KIM LONG (HUYỆN CHÂU ĐỨC): Muốn tồn tại phải đổi mới công nghệ Là một DN chuyên sản xuất linh kiện ô tô, xe gắn máy cho hãng SYM (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) từ năm 2007, chúng tôi nhận thấy rằng, để đáp ứng yêu cầu của khách hàng thì DN phải không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Để làm được điều này, DN cần được hỗ trợ vì hiện nay nguồn vốn, trình độ năng lực của DN có hạn. Hiện chúng tôi còn sử dụng máy móc đời cũ của Đài Loan sản xuất nên giá thành còn cao, sản phẩm chưa đạt yêu cầu về độ chính xác từng chi tiết, sự tinh xảo, sắc nét… Vì vậy, DN rất mong được hỗ trợ về vốn đầu tư máy móc thiết bị, hỗ trợ đào tạo tay nghề cho lao động để DN nâng cao năng lực sản xuất cũng như đáp ứng yêu cầu cao của khách hàng. |