LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Thương mại Thương mại
Đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP: Nhiều doanh nghiệp tăng vốn đầu tư

Để tận dụng các Hiệp định thương mại tự do sắp được ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các DN trong tỉnh đang mở rộng năng lực sản xuất, trong số này, có rất nhiều DN thuộc lĩnh vực dệt may, thép… với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

Năm 2015, công ty TNHH Mei Sheng Textiles (CCN Ngãi Giao - Châu Đức) đầu tư thêm 10 triệu USD xây dựng xưởng sản xuất sợi.

Tăng năng lực sản xuất

Sau 5 năm đi vào hoạt động, tổng mức đầu tư của Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam, 100% vốn của Đài Loan chuyên về dệt vải sợi, đóng tại CCN Ngãi Giao (huyện Châu Đức) đạt 120 triệu USD, công suất gần 50.000 tấn sợi/năm. Hoạt động sản xuất hiệu quả, năm 2013, công ty này đã đầu tư thêm 50 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất sợi Haosheng tại KCN Mỹ Xuân A2 (huyện Tân Thành), đồng thời tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng thêm xưởng sản xuất thứ 7 tại CCN Ngãi Giao. Ông G.Narasimha Rao, Giám đốc tài chính công ty cho biết, hiện xưởng 1 nhà máy HaoSheng đã vận hành thử nghiệm chạy máy, xưởng 2, 3 đang ký hợp đồng mua máy móc, nguyên vật liệu. Năm 2015, công ty quyết định tiếp tục tăng vốn đầu tư 10 triệu USD xây dựng thêm 1 xưởng sợi tại CCN Ngãi Giao với công suất 350 tấn/tháng. “Việc tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất là chiến lược của công ty nhằm đón đầu Hiệp định TPP sắp được ký kết. Đây là cơ hội tốt để các DN ngành dệt may gia tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và phát triển bền vững’’,  ông G. Narasimha Rao cho hay.

Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, năm 2014, gần 600 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm là 4,58 tỷ USD. Tại BR-VT, theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, năm 2014 tại các KCN đã có 8 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đăng ký tăng thêm 180,33 triệu USD, trong đó, có nhiều dự án thuộc lĩnh vực dệt may, thép. Đơn cử như Nhà máy nhôm Toàn Cầu - Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại KCN Mỹ Xuân B1 - Conac trong năm 2014 đã có 3 lần đăng ký tăng vốn. Cụ thể, lần thứ nhất tăng thêm 5 triệu USD, lần thứ hai tăng thêm 28 triệu USD và lần thứ ba tăng thêm 20 triệu USD; Nhà máy luyện phôi thép của Công ty Thép Pomina tại KCN Phú Mỹ I đăng ký tăng thêm hơn 758 tỷ đồng; Dự án Posco SS-Vina đăng ký tăng thêm gần 84 triệu USD…

Đẩy nhanh vốn thực hiện

Không chỉ tăng vốn, các dự án đầu tư cũng đã đẩy nhanh tiến độ nhằm nhanh chóng chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện. Đặc biệt, tại BR-VT, các DN đầu tư nước ngoài thấy được những cơ hội lớn từ các chính sách ưu đãi về đầu tư như chi phí đất đai thấp, ưu đãi về thuế quan, chi phí lao động thấp, tiềm năng thị trường lớn nên đã có chiến lược đầu tư mạnh trong thời gian qua. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là gia công chế biến và sản xuất chế tạo. Để đón đầu cơ hội này, các tập đoàn thép đã có các dự án sản xuất thép nhắm tới cung ứng thép cho thị trường Việt Nam, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Hàng loạt sản phẩm thép ra đời sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu cho sản phẩm ngành công nghiệp phụ trợ. Các DN dệt may Đài Loan thì nhắm đến đầu tư thượng nguồn và trung nguồn.

Ông Nguyễn Phước Lễ, Giám đốc Sở KHĐT cho biết, năm 2014, vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài ước khoảng 1.120 triệu USD, tăng 1,8% so với kế hoạch và tăng 6,67% so với năm 2013, trong đó, vốn góp thực hiện của phía nước ngoài 1.020 triệu USD. Vốn thực hiện chủ yếu trên các lĩnh vực công nghiệp, cảng biển, tập trung ở một số dự án có quy mô vốn đầu tư lớn như: Nhà máy thép Posco SS-Vina; Xưởng luyện cán thép Vina Kyoei; Nhà máy thép China Steel; Nhà máy dệt Tah Tong; Cảng Cái Mép Gemadept; Nhà máy sản xuất hàng may mặc King Style…

Đình Hiệp