LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tin tức và hoạt động Tin tức và hoạt động
Nghề truyền thống ở Long Điền

NGHỀ TRUYỀN THỐNG Ở LONG ĐIỀN

Bên nong phơi hủ tiếu khô xã An Nhất huyện Long Điền

Bên nong phơi hủ tiếu khô xã An Nhất huyện Long Điền

Không là nơi phát triển mạnh về công nghiệp, Long Điền được biết đến bởi tiềm năng phát triển du lịch và các nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp. Cách đây 300 năm, do địa thế thuận lợi, vùng đất Long Điền đã quy tụ dân cư từ nhiều nơi về đây lập nghiệp, thôn xóm đông đúc, nông nghiệp và buôn bán sầm uất. Cùng với nông nghiệp và diêm nghiệp, các nghề thủ công ở Long Điền cũng phát triển như đóng ghe thuyền, đục đá, nề, mộc, làm bún, làm bát, đúc đồng…. Những nghề truyền thống đó phát triển đến ngày nay và đã hình thành nên nhiều thôn xóm mang nét đặc trưng của từng nghề như xóm bún, xóm chuông… Ngoài ra hiện nay trên địa bàn huyện còn nhiều nghề thủ công trruyền thống khác mà khi nhắc đến Long Điền du khách không thể không biết đến đó là Bánh hỏi An Nhất hay Bánh tráng Long Điền… 

“Xóm chuông” Long Điền nằm ở ngay thị trấn Long Điền và được hình thành từ năm 1689. Ông tổ của xóm nghề là ông Nguyễn Minh Không, nghề dạy nghề, cha truyền con nối, nghề đúc đồng đã được duy trì và phát triển đến nay. Nhiều sản phẩm bằng đồng của Long Điền như nồi, chuông, tượng, đồ mỹ nghệ …. đã từng nổi tiếng khắp thị trường các tỉnh Nam bộ. Nghề Đúc đồng Long Điền đã trải qua bao đời, mặc dù không còn phát triển một cách thịnh vượng như xưa nhưng tính truyền thống, những nét hoa văn, hoạ tiết của nghề vẫn được duy trì. Những hoa văn, hoạ tiết trên những cái chuông thể hiện đặc trưng của của văn hoá Việt.

Còn tại các địa danh như xóm Bún, bánh hỏi An Nhất, bánh tráng Long Điền… thời gian nhộn nhịp lại diễn ra vào buổi sáng. Lúc gà gáy canh 3 cũng là lúc những người lao động nơi đây bắt đầu một ngày mới. Ai đã từng ăn bún nóng, bánh tráng nóng với mắm me ở Long Điền mới cảm nhận hết được những hương vị tuyệt vời của nó. Do đặc trưng và tính chất riêng của mình mà sản phẩm nơi đây thường được tiêu thụ trong tỉnh và phục vụ khách du lịch.

Bánh tráng An Ngãi tồn tại từ lâu đời và là một món ăn truyền thống thuần Việt. Bánh tráng có nguồn gốc xuất xứ từ miền Bắc và theo dòng người di cư vào Nam. Khi dư cư vào Nam, thấy đây là vùng đất trù phú màu mỡ, những người di cư đã khai hoang và trồng lúa nước. Ban đầu, họ sử dụng bánh tráng như một món ăn thông tục hàng ngày, từ một vài gia đình làm,  dần dần, nghề truyền nghề, cha truyền con nối. Từ đó bánh tráng An Nhất đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.

Nét đặc trưng của những nghề truyền thống Long Điền là sản xuất ở quy mô gia đình, thị trường tiêu thụ hẹp và đang cần có sự hỗ trợ để duy trì và phát triển, do đó cần có những chủ trương khuyến khích phát triển nghề như hỗ trợ tiếp cận, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp; mở các trung tâm giao dịch, giới thiệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; định hướng chiến lược kinh doanh cho các cơ sở trong xu thế kinh tế hội nhập./.