Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vẫn được đánh giá là còn yếu khiến cho khả năng cung ứng sản phẩm CNHT cho các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam nói chung còn hạn chế. Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục coi trọng việc phát triển ngành CNHT cũng như tích cực tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng.
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam mở rộng cơ hội tìm kiếm đối tác, tăng khả năng tham gia vào các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE) – Bộ Công Thương vừa phối hợp với Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) - Văn phòng Đại diện tại Hà Nội và các đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản 2017 (SIE 2017) tại Hà Nội.
Khả năng cung ứng còn hạn chế
Ông Jun Yanagi, Phó Đại sứ, Công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chỉ ra rằng, hiện nay, 1.600 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù gần một nửa trong số đó là từ khu vực sản xuất, nhưng tỷ lệ các sản phẩm nội địa mà các công ty sản xuất Nhật Bản đặt mua rất thấp. Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm nội địa đều do các công ty Nhật Bản ở Việt Nam cung cấp. Có nghĩa là những giao dịch kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản vẫn còn rất hạn chế và cũng có một khoảng trống, cơ hội mới để phát triển.
Cùng quan điểm với ông Jun Yanagi, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng Đại diện JETRO – Văn phòng đại diện tại Hà Nội cho biết, trong những năm qua, mối quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản muốn làm ăn kinh doanh ở Việt Nam đã tăng mạnh. Theo một điều tra cho thấy, số dự án đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng lên 574 dự án năm 2016. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, việc thu mua các linh kiện, phụ tùng của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vẫn còn là một vấn đề đáng quan tâm.
Ông Hironobu Kitagawa cũng dẫn báo cáo điều tra của JETRO về nhu cầu thu mua linh kiện, phụ tùng của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam chỉ ra, tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam chỉ đạt được 34,2% năm 2016. Con số này thấp hơn hẳn so với tỷ lệ nội địa hóa ở Trung Quốc là 67,8%, ở Thái Lan là 57,1% và ở Indonesia là 40,5%.
Cũng theo ông Hironobu Kitagawa, năm 2018, Việt Nam sẽ gỡ bỏ 97% hàng rào thuế quan theo cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan này sẽ mang lại những lợi ích cho Việt Nam về môi trường thu hút đầu tư, về sự tăng trưởng đối với thị trường tiêu dùng… Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà chế tạo từ các nước láng giềng cung cấp sản phẩm với giá thành thấp hơn do việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Do đó, đòi hỏi Việt Nam phải đưa ra biện pháp thích hợp để vượt qua thách thức này.
Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp
Triển lãm SIE 2017 được xem là một cầu nối hiệu quả cho các doanh nghiệp trong ngành CNHT Việt Nam trong việc tìm kiếm các đối tác Nhật Bản.
SIE 2017 đã thu hút sự tham gia của 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp của Nhật Bản trưng bày những sản phẩm máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng… muốn mua và 41 doanh nghiệp Việt Nam trưng bày những sản phẩm máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ tùng… muốn bán, cung cấp cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
SIE 2017 diễn ra đồng địa điểm và thời gian với 2 triển lãm khác là Triển lãm Sản phẩm CNHT Việt Nam 2017 (Industrial Components & Subcontracting Vietnam 2017) và Triển lãm Quốc tế lần thứ 10 về thiết bị, công nghệ kiểm tra hàn linh kiện bề mặt SMT và CNHT cho ngành chế tạo điện tử (NEPCON Việt Nam 2017).
Ông Hironobu Kitagawa cho rằng, để tăng sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam thì việc phát triển CNHT và nuôi dưỡng các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chất lượng cao với giá thành thấp là điều mấu chốt. Việc tạo cơ hội kết nối kinh doanh cho các bên là các nhà cung cấp phụ tùng của Việt Nam với các doanh nghiệp chế tạo và lắp ráp Nhật Bản là một trong những biện pháp hiệu quả nhằm củng cố hơn nữa việc thu mua linh kiện, phụ tùng trong nước của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cam kết tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp CNHT trong nước phát triển. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử, cũng như việc tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu đang là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Trong tiến trình đó, Bộ Công Thương, với vai trò trực tiếp quản lý CNHT đã và đang tích cực triển khai Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất toàn cầu, đồng thời trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, với nỗ lực phát triển ngành CNHT của Việt Nam và sự giúp đỡ mạnh mẽ từ phía Nhật Bản, Triển lãm SIE tại Hà Nội những năm vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề cho doanh nghiệp Việt Nam trong ngành tăng cường sản xuất và kết nối với các đối tác Nhật Bản. Triển lãm SIE là cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp trong ngành CNHT Việt Nam tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ trực tiếp các đối tác tiềm năng đến từ Nhật Bản và quốc tế, đóng góp quan trọng cho những bước chuyển mình mạnh mẽ và bền vững của ngành