Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cải thiện chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng LPI do Ngân hàng Thế giới công bố từ nay đến năm 2025 lên 5-10 bậc, đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo..., góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội.
Kế hoạch của Bộ Công thương đã đề ra 49 nhiệm vụ cụ thể gắn với vai trò của các Bộ, ngành, địa phương, được chia thành các nhóm nhiệm vụ liên quan chặt chẽ với 6 chỉ số thành phần trong LPI, bao gồm:
(1) Nhóm nhiệm vụ về nâng cấp hạ tầng; (2) Nhóm nhiệm vụ về cải thiện khả năng giao hàng; (3) Nhóm nhiệm vụ về nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ logistics; (4) Nhóm nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ, tối ưu khả năng truy xuất; (5) Nhóm nhiệm vụ về rút ngắn thời gian và giảm chi phí; (6) Nhóm nhiệm vụ về nâng cao hiệu quả thông quan; Bên cạnh đó còn có nhóm nhiệm vụ hổ trợ là: Phối hợp với Ngân hàng Thế giới để cung cấp, cập nhật thông tin, số liệu đầy đủ, kịp thời nhằm đánh giá, xếp hạng LPI của Việt Nam một cách khách quan, chính xác; thúc đẩy đào tạo liên thông, công nhận tín chỉ, đào tạo cấp văn bằng quốc tế về logistics..
Cục Xuất nhập khẩu là cơ quan đầu mối của Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch cải thiện chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam.
Ái Hằng – P.QLTM