LIÊN KẾT SITE LIÊN KẾT SITE

 

 

Tin tức sự kiện Tin tức sự kiện
BR-VT: Tạo thêm lợi thế để thu hút đầu tư Nhật Bản

BR-VT được đánh giá là có rất nhiều lợi điểm nhờ điều kiện tự nhiên đem lại để hấp dẫn nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Chính vì vậy, ngay từ khi bắt đầu mở cửa, thu hút đầu tư của BR-VT đã rất khả quan, và liên tục là địa phương xếp trong top đầu của cả nước trong những năm qua. Đã có rất nhiều quốc gia đặt chân đến BR-VT từ những ngày đầu VN mở cửa, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, tại thời điểm này, để có thể tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản và các nước khác, BR-VT cần phải tạo thêm nhiều điểm lợi nữa.

Thiên thời địa lợi  

3 nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản đến BR-VT đầu tiên đều khẳng định: họ chọn BR-VT để dừng chân trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài là vì nơi đây hội tụ nhiều lợi điểm so với nhiều địa phương khác trong vùng và trong cả nước. Ông Mitsuhiro Mori – Tổng giám đốc Công ty Thép Vina Kyoei cho rằng, BR-VT có rất nhiều lợi thế mà không mấy đâu có được như: gần các thành phố lớn; Chung quanh có các doanh nghiệp các ngành công nghiệp chủ chốt cần những sản phẩm của công nghiệp hỗ trợ; Đang được hoàn thiện trang bị cơ sở hạ tầng phục vụ cho vận tải và logistics (cảng, sân bay, đường bộ).

Đấy cũng là lý do mà Nippon Steel & Sumikin Pipe Việt Nam (NPV) tìm đến bến đỗ BR-VT trong hành trình tìm điểm mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Ông Kanezaki Kennichi TGĐ NPV khẳng định: “NPV chọn tỉnh BR-VT là nơi đầu tư với 3 lý do: có cảng quốc tế, gần khu công nghiệp; Có nhà máy nhiệt điện ngay ở khu công nghiệp Phú mỹ I nên nguồn điện ổn định và dồi dào; Tỉnh BR-VT là thành phố lớn thứ 2 gần Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Tỉnh BR-VT rất nhiệt huyết đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực. Trong tương lai, nguồn nhân lực có tay nghề cao ở Tỉnh BR-VT vô cùng dồi dào.”

Còn ông Kimio Yamaguchi – Tổng Giám Đốc Công ty TNHH Sojitz Việt Nam và là Chủ Tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng: ngoài những lợi điểm mà các nhà đầu tư đứng chân lâu tại đây đã nêu, Bà Rịa – Vũng Tàu còn có những lợi điểm như: sẵn có một số nền công nghiệp cơ bản như khí dầu mỏ, sắt thép; Nguồn thủy sản dồi dào; Có cụm cảng Cái Mép – Thị Vải quy mô lớn nhất Việt Nam-những điều kiện tiên quyết để hình thành các nhà máy SX hàng hóa.

Bên cạnh đó, theo ông Yasuzumi, Giám đốc văn phòng Jetro tại Tp HCM, hiện nay, BR-VT đang có nhiều lợi thế do thời thế đem lại. Đó là thời điểm này, chi phí lao động ở Trung Quốc và Thái Lan tăng cao, các DN Nhật Bản đang có xu hướng chuyển chuỗi cung ứng và cơ sở SX sang một số quốc gia mới nổi để tăng cường năng lực SX và phân tán rủi ro, trong đó có Việt Nam. Với lợi thế so sánh đã nêu, cộng với có nguồn lao động dồi dào, lành nghề và giá nhân công rẻ, VN thực sự đang là điểm thu hút hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Và đó là một điểm lợi cho BR-VT trong mục tiêu thu hút dòng đầu tư từ Nhật Bản, nhất là đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong giai đoạn này.

Tạo điểm lợi “Nhân hòa”

Theo ông Yasuzumi, Giám đốc văn phòng Jetro tại Tp HCM, trong cuộc đua thu hút dòng đầu tư từ Nhật Bản, những lợi thế về nhân lực rẻ, về điều kiện tự nhiên như đã nêu vẫn chưa đủ sức để Việt Nam cạnh tranh với các nước trong khu vực lúc này. Ông cho rằng, trong cuộc chạy đua này, Việt Nam cần phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Từ góc độ của 1 doanh nghiệp, ông Yasuzumi cho rằng, yếu tố đầu tiên cần cải thiện là chính sách 1 cửa tập trung để giải quyết thủ tục cấp phép nhanh chóng; Cán bộ phụ trách một cửa phải hiểu rõ chính sách và có thể giải thích các vấn đề một cách rõ ràng, chính xác cho các nhà đầu tư. Thứ hai là hỗ trợ vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm chi phí sản xuất. Đây cũng là ý kiến của ông Mitsuhiro Mori – Tổng giám đốc Công ty Thép Vina Kyoei-một nhà đầu tư đã đứng chận tại BR-VT hơn 20 năm qua. Bởi hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không giống như những doanh nghiệp lớn, họ không đủ nhân lực và khả năng tài chính. Họ cần có sự hỗ trợ về ưu đãi thuế, về việc xây dựng sẵn nhà xưởng quy mô nhỏ để họ thuê lại, về các dịch vụ thành lập công ty, thuế mướn lao động…theo cơ chế dịch vụ một cửa tại cơ quan có thẩm quyền.

Hệ thống thuế cũng là một vấn đề cần phải cải cách nhiều hơn nữa. Theo các DN Nhật Bản tại Vũng Tàu, các thủ tục thuế của VN khá phức tạp; Việc diễn giải các quy định thuế không rõ ràng, hướng dẫn thực hiện từ các cơ quan thuế cũng khác nhau; Dù thường xuyên tiến hành kiểm toán nhưng cán bộ thuế không hướng dẫn đến nơi đến chốn, lúc DN nộp báo cáo thuế thì không chỉ rõ thiếu khoản nào, đến khi kiểm toán thì chỉ ra hàng loạt các khoản phải nộp thêm từ 5 năm trước. Nộp số tiền phạt khổng lồ như vậy là một rủi ro đầu rất lớn. Vì vậy, không thể nói đây là môi trường để các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư vào. Ông Yasuzumi khẳng định: Hệ thống thuế và hệ thống pháp luật là điểm yếu lớn nhất của Việt Nam, đó là rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Ông dẫn chứng: kết quả điều tra của JETRO t 19 công ty Nhật Bản hoạt động ở châu Á và châu Đại Dương, hơn 60% chỉ ra các vấn đề đối với thuế và hệ thống pháp luật. Việt Nam bị đánh giá mức độ xấu đứng thứ hai trong 19 quốc gia trong cuộc khảo sát.

Cạnh đó, cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí hành chính không minh bạch và tình trạng chính sách thiếu ổn định lâu dài và phải có cơ chế cho các DN ngành CNHT được vay các khoản vay lãi suất thấp, phải luôn có sự đồng thuận đối với việc thúc đẩy các chính sách trong chính phủ. Ông Yasuzumi nhấn mạnh: “Việc thực thi, tính nhất quán và sự ổn định của hệ thống pháp luật là yếu tố quan trọng và rất cần đối với các nhà đầu tư. Bởi thực tế, các điều khoản pháp luật không nhất quán, thay đổi đột ngột, sự không rõ ràng trong việc truyền đạt và thực thi, mỗi địa phương một khác, giữa trung ương và địa phương cũng khác nhau, dẫn đến sự mất tin cậy với hệ thống luật pháp, làm phát sinh rất nhiều vấn đề và là rủi ro lớn nhất đối với đầu tư”

Ngoài ra việc quốc tế hóa hệ thống tài chính non yếu, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng, và việc cải cách các doanh nghiệp nhà nước cũng là những vấn đề trọng yếu cần cải thiện. Ông Yasuzumi khuyến cáo: “đừng vì những lợi nhuận nhỏ trước mắt, hãy quan tâm đến triển vọng dài hạn, theo đuổi hiệu quả kinh tế xã hội, và tối đa hóa lợi ích của quốc gia là điều rất quan trọng.”

Ông Aokishigeru, Gám đốc Cty vận tải Seiwa còn chỉ ra những bất cập về giao thông hiện nay cần phải cải thiện. Theo Aokishigeru: Hệ thống đường bộ, đường thủy ở đây chưa đủ thuận lợi để đi lại, vận chuyển hàng hóa. Đồng thuận, ông Kanezaki Kennichi TGĐ Công ty TNHH ống thép Nippon Steel & Sumikin Việt Nam cũng chỉ ra: Dù là một tỉnh gần Thành phố Hồ Chí Minh nhưng để đi đến BR-VT cũng mất hơn 2 tiếng đồng hồ bằng phương tiện xe hơi. Trường hợp tắc đường thì thời gian tiêu tốn có thể gấp nhiều lần bởi hiện giao thông đường bộ mới chỉ có độc nhất 1 tuyến kết nối vào BR-VT. Ngoài ra, vấn đề bệnh viện, nhà ở, trang bị môi trường sống tốt cho người lao động, chuyên gia nước ngoài cũng là những điểm rất quan trọng mà BR-VT cũng phải cải thiện nhiều hơn nữa mới có thể thu hút được đầu tư Nhật Bản, bởi đặc thù của người Nhật là làm việc trong điều kiện tiện ích khép kín. Một điểm lợi nữa BR-VT cũng cần tạo cho được như ông Itokazuyoshi-GĐ Sở kinh tế lao động Tp Kawasaki đã nói, đó là giúp các DN Nhật tìm hiểu đầy đủ thông tin về thị trường của nước Sở tại; Cung cấp lực lượng lao động chất lượng cao một cách ổn định.

Huỳnh Liễu

Box 1: Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện nay, không chỉ VN mà ngay cả các nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Myanmar cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để thu hút đầu tư từ Nhật. Trong đó Myamar đã chuẩn bị khoảng 3.000 ha hạ tầng và nhiều chính sách ưu đãi, sẵn sàng để đón các nhà đầu tư từ Nhật. Nếu VN không nhanh hơn thì cơ hội sẽ dễ “vuột” khỏi tay.

 

Box 2: Ông Kim Mio Yamaguchi – Tổng GĐ Cty TNHH Sojitz Việt Nam, chủ tịch Hiệp hội DN Nhật bản tại TP HCM: cần phải có các khu công nghiệp được trang bị cơ sở hạ tầng đầy đủ để tiếp nhận nhà đầu tư thì mới giúp nhà đầu tư yên tâm hoạt động ngay từ những ngày đầu, và có thể vận hành ổn định trong thời gian dài. Đồng thời cung cấp điện, nước, gas ổn địn; có đội ngũ kỹ sư sẵn sàng ứng phó ngay lập tức khi có sự cố xảy ra cũng giúp cho doanh nghiệp Nhật yên tâm đầu tư. Thêm vào đó, các đối sách về môi trường, như xử lý nước thải, cũng là điểm thiết yếu. Bởi các doanh nghiệp Nhật rất coi trọng vấn đề về môi trường, nên sẽ xa lánh những đơn vị, những nơi không xử lý môi trường triệt để.