Với sự tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải của các hãng tàu đã kéo theo hàng hóa trung chuyển từ các nơi khác về cảng BR-VT để vận chuyển tới các quốc gia trên thế giới. Cùng với việc thiết lập chi nhánh, các công ty logistics toàn cầu cũng đã kết nối BR-VT với các quốc gia khác trên toàn thế giới, đưa BR-VT thành một điểm trung chuyển trong mạng lưới của hệ thống logistics toàn cầu.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng
BR-VT là địa phương có lợi thế về cảng biển nước sâu, có khả năng kết nối với tuyến hàng hải quốc tế, vì vậy, cơ sở hạ tầng kết nối hệ thống cảng thuận lợi sẽ giúp ngành dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ. Trong đó, các tuyến giao thông vận tải đã, đang và sẽ tập trung đầu tư trước mắt là tuyến đường liên cảng, quốc lộ 51B, và các đường nhánh kết nối vào cảng như đường 965, tuyến đường Cái Mép - Hội Bài… đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu. Đây chính là lợi thế về hạ tầng mà không phải địa phương nào cũng có được.
Dịch vụ logistics là một dịch vụ phức hợp, bao gồm các dịch vụ vận tải, lưu kho, gom hàng, đóng gói, dán nhãn, lắp ráp sản phẩm, hỗ trợ tài chính,… Dịch vụ logistics có tác dụng gắn kết, kết nối các dịch vụ với nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng với mục tiêu nhanh nhất và chi phí thấp nhất. Trong số đó, dịch vụ vận tải, kho bãi là các dịch vụ cơ bản nhằm phục vụ cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua hệ thống cảng biển để vận chuyển đến các khách hàng trên toàn cầu. Đối với tỉnh BR-VT, đa số các DN hoạt động dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở vai trò vệ tinh, cung cấp dịch vụ cho các hãng nước ngoài một số phần việc trong cả chuỗi hoạt động logistics. Hiện tại, đề án phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2011-2020 của tỉnh đang được triển khai. Đặc biệt là trung tâm logistics được hình thành sẽ là nơi tập trung các công ty kinh doanh dịch vụ logistics phục vụ cho các cơ sở sản xuất kinh doanh. Các công ty này sẽ kết nối các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh BR-VT cũng như các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với thế giới thông qua các hoạt động của mình và các dịch vụ logistics đang được các công ty, tập đoàn sử dụng nhiều trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào và phân phối sản phẩm đầu ra của mình. Theo đó, giai đoạn đến năm 2020, tỉnh ưu tiên tập trung phát triển một Trung tâm dịch vụ Logistics Cái Mép hạ có diện tích khoảng 800ha và một khu tại Sao Mai – Bến Đình có diện tích khoảng 93ha.
Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư
Các chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn, có tính cạnh tranh nhằm thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics luôn được UBND tỉnh quan tâm. Ông Đặng Minh Thông, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành về đầu tư và thuế thu nhập DN thì dịch vụ logistics không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, đối với tỉnh BR-VT, lĩnh vực logistics sẽ áp dụng ưu đãi theo địa bàn. Theo đó, DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực logistics thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như huyện Côn Đảo sẽ áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 10% trong thời hạn 15 năm; được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đồng thời tiền thuê đất cũng sẽ được miễn 11 năm kể từ ngày hoàn thành đưa dự án vào hoạt động.
Tương tự, DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực logistics thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như huyện Tân Thành sẽ áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN 20% trong thời hạn 10 năm; được miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo. Đồng thời, tiền thuê đất cũng sẽ được miễn 7 năm kể từ ngày hoàn thành đưa dự án vào hoạt động. “Ngoài những ưu đãi trên, nhà đầu tư lĩnh vực logistics sẽ được tỉnh hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nếu DN sử dụng số lao động tại địa phương từ 10 người trở lên sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo lần đầu khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động. Mỗi lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo 1 lần và mức hỗ trợ tối đa không quá 6 triệu đồng/khóa học” - ông Đặng Minh Thông, cho biết thêm.
Báo BRVT